QUẺ SỐ 43: TRẠCH THIÊN QUẢI - DU PHONG THOÁT VÕNG
1. Quẻ Trạch Thiên Quải trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Trạch Thiên Quải
Quẻ Trạch Thiên Quải hay được gọi là Quẻ Quải, là quẻ số 43 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.
Ngoại quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.
Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.
Thuộc nhóm tượng quái Khôn, Ngũ hành Thổ.
Quẻ Quải có âm hào gần tàn lực, hống hách đè nén quần dương nên phải trừ bỏ nó, diệt trừ tiểu nhân. Tuy đạo tiểu nhân đã đến lúc suy tàn nhưng diệt trừ không phải dễ, đôi bên có thể bị tổn hại. Phải dùng sức cương của Càn và khoan dung của Đoài thì sẽ thắng được nó.
Thoán từ:
Lời kinh: 夬, 揚于王庭, 孚號有厲, 吿自邑, 不利即戎, 利有攸往.
Dịch âm: Quyết, dương vu vương đình, phu hiệu hữu lệ. Cáo tự ấp, bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng.
Dịch nghĩa: Quyết liệt: phải tuyên cáo tội ác của nó ở sân vua, lấy lòng chí thành mà phát hiệu lệnh. Có điều như sợ đấy, phải tự răn phe mình đã, đừng chuyên dùng võ lực, được như vậy thì sự nghiệp của mình càng tiến tới, có lợi.
Quải: Quyết dã. Dứt khoát. Dứt hết, biên cương, ranh giới, thành phần, thành khoảnh, quyết định, quyết nghị, cổ phần, thôi, khai lề lối. Ích chi cực tắc quyết chi tượng: lợi đã cùng ắt thôi.
Tăng lên đến cùng cực thì tới lúc tràn đầy, nứt vỡ nên sau quẻ Ích tới quẻ Quải. Quải có nghĩa là nứt vỡ, lại có nghĩa là quyết liệt.
Tượng quẻ:
Trạch thượng ư thiên (Nước đầm dâng lên tận trời)
Ngoại quái Đoài, nội quái Càn tức là nước lên tận trời cao. Tổng thể năm hào dương quyết trừ bỏ một hào âm trên cùng.
Chằm (Đoài) ở trên, trời (Càn) ở dưới, là nước chằm dân lên ngập trời, tất nhiên các đê ngăn nước phải nứt vỡ khắp nơi.
Lại thêm 5 hào dương tiến lên, quyết tâm trừ một hào âm ở trên cùng. Vì hai lẽ đó mà quẻ này đặt tên là Quải.
Quẻ này thuộc về tháng 3, âm sắp tiêu hết, suy đến cực rồi. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng, phải tuyên bố tội ác của tội nhân trước công chúng, rồi lấy lòng chí thành để ban lệnh.
Mặc dầu vậy, vẫn có thể gặp nguy được (cổ nhân thật dè dặt! ) cho nên phải răn phe mình đoàn kết, hành động đàng hoàng, mà đừng nên chuyên dùng võ lực, vì ngoại quái là Đoài có nghĩa là hoà thuận, vui vẻ. Bốn chữ "lợi hữu du vãng" có sách giảng là "cứ như vậy – tức không dùng võ lực – mà tiến tới thì có lợi?
Thoán truyện giảng là: cứ tiến tới, đến khi trừ xong hào âm, chỉ còn toàn quân tử, thì mới là hoàn thành (cương trưởng nãi chung dã).
Đại tượng truyện khuyên nên ban phát lợi lộc cho dân, cũng do cái ý của ngoại quái là đoài: vui vẻ, thuận hoà.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):
Lời kinh: 初 九: 壯于前趾, 往, 不勝為咎.
Dịch âm: Tráng vu tiên chỉ, vãng, bất thắng vi Cửu.
Dịch nghĩa: Mạnh (thăng ở ngón chân bước lên trước (tức hăng tiến lên trước), tiến lên mà không chắc thắng được là có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào này dương cương, hăng lắm, ở địa vị thấp nhất, tài còn non mà muốn tiến lên trước để diệt hào âm ở trên cùng, chưa chắc đã thắng mà cứ tiến lên là có lỗi (vì không lượng sức mình, không chuẩn bị kỷ).
2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):
Lời kinh: 九 二: 惕, 號, 莫夜有戎, 勿恤.
Dịch âm: Dịch, hao, mạc dạ hữu nhung, vật tuất.
Dịch nghĩa: Lo lắng mà hô hào các bạn (đề phòng) như vậy dù đêm khuya giặc có tới cũng chẳng sợ.
Giảng nghĩa: Hào này dương cương, quyết tâm diệt tiểu nhân, mà đắc trung là biết lo lắng, đề phòng, cảnh cáo các bạn luôn luôn, khi vô sự mà như vậy thì khi giặc tới thình lình nữa đêm, cũng chuẩn bị sẳn sàng rồi, nên không sợ.
3. Cửu Tam (Hào 3 dương):
Lời kinh: 九 三: 壯于頄.有凶.君子夬夬.獨行遇雨, 若濡有慍, 无咎.
Dịch âm: Tráng vu quì (cừu), hữu hung, quân tử quải quải, Độc hành ngộ vũ, nhược nhu hữu uẩn, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Cường bạo ở gò má (hiện trên mặt), có điều xấu. Người quân tử cương quyết (bỏ tiểu nhân): trước kia đã lỡ đi riêng một đường gặp mưa ướt và lấm, bị bạn bè giận, bây giờ cải quá, sẽ không có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào này là dương cương nhưng bất trung, lại ứng với hào âm (tiểu nhân), thì kẻ tiểu nhân đó không ưa mà ngay các bạn quân tử của 3 cũng không ưa, (vì cho là giả dối?), có điều xấu đấy – Câu đầu: "Tráng vu quì, hữu hung" tối nghĩa, mỗi sách giảng một cách mà đều lúng túng.
Hào từ khuyên cứ thật cương quyết bỏ hào trên cùng đi, đánh đổ nó đi; trước kia lỡ thân với nó mà xa các bạn, như một người đi riêng một đường, gặp mưa, ướt và lấm (ý nói mắc tội lỗi), bị bạn bè giận, bây giờ hợp lực với bạn, diệt xong hào âm đó rồi, sẽ rửa sạch được lỗi.
4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):
Lời kinh: 九 四: 臀无膚, 其行次且, 牽羊悔亡, 聞言不信.
Dịch âm: Đồn vô phu, kì hành tư thư, khiên dương hối vong, văn ngôn bất tín.
Dịch nghĩa: Như bàn toạ mà không có da (có người cho là không hợp có lớp thịt sau da), đi chập chững (khó khăn); chỉ nên đi sau người ta như người lùa bầy cừu, thì hết ân hận; (nhưng e rằng) nghe (ta) nói mà chẳng tin đâu.
Giảng nghĩa: Hào dương này bất trung bất chính, ở vào vị âm, thấy mấy hào dương kia tiến nó không lẽ ngồi im, nhưng thiếu tài, tiến chập chững (như người bàn toạ không có da), chỉ có cách tốt nhất là nhường cho các hào dương kia tiến trước, nó đi sau cùng như người lùa bầy cừu, như vậy không ân hận.
Nhưng nó ở vị nhu, không sáng suốt, cho nên khuyên nó vậy mà không chắc nó đã nghe.
5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):
Lời kinh: 九 五: 莧陸, 夬夬, 中行, 无咎.
Dịch âm: Nghiễn lục, quải quải, trung hành, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Như rau sam (được nhiều âm khí), nếu hào 5 cương quyết, đào tận gốc nó, cứ theo đạo trung mà đi thì không lỗi.
Giảng nghĩa: Hào này ở gần hào trên cùng, gần tiểu nhân (âm, ví như rau sam), như vậy không tốt; nhưng may nó là dương cương , đắc trung đắc chính, nên không bịn rịn với hào trên cùng mà quyết tâm trừ đi. Hào từ khuyên phải giữ đạo trung thì mới không có lỗi (vì 5 vốn có tư tình với hào trên)
6. Thượng Lục (Hào 6 âm):
Lời kinh: 上 六: 无號, 終 有凶.
Dịch âm: Vô hào, chung hữu hung.
Dịch nghĩa: Đừng kêu gào, không ai giúp đâu, cuối cùng sẽ bị hoạ.
Giảng nghĩa: Hào âm ở trên cùng quẻ Quải, bị 5 hào dương tấn công, nguy cơ tới rồi, không có hào nào giúp nó cả, cho nên khuyên nó đừng kêu gào vô ích, cuối cùng sẽ chết thôi.
2. Quẻ Trạch Thiên Quải trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Quải
Trong chiêm bốc, dự trắc Quải có nghĩa là:
- Quải là quyết, cương quyết, quyết đoán (giữ quan điểm của mình đến cùng, giữ cương chính, cương quyết đến cùng sẽ thắng lợi).
- Sự vấp, vấp ngã, vướng ở đầu ngón chân (vấp ngã do vướng chân mà vấp, đi hấp tấp vướng sỏi đá mà ngã)
- Sự kêu gào,la hét, âm của thanh quản rung.
- Là gò má (quyền cốt), gò má cao (quyền cốt cao) (Nữ chỉ sự sát chồng). Thiếu nữ Cương nhiều Xương (nhiều dương)
- Là sự vỡ lở, vết nứt (Thuần Càn bị đứt một nét hào 6 thành Quải).
- Là kiện tụng tranh đấu (5 hào dương đuổi một hào âm, tranh đấu đến cùng). Kêu các cửa. Quải là văn bản quyết định.
- Quải trung sự là họa (ngược lại với quẻ Đại tráng). (Người môi giới thiệt thòi).
Triệu và điềm của quẻ Quải
Quẻ Quải có triệu Du Phong Thoát Võng - Gặp hung hoá cát. Có bài thơ như sau:
Cầu tài cầu lộc, được hanh thông.
Hôn nhân hoà hợp, bệnh tật hết,
Phú quý vinh hoa, vận đến rồi.
Tích xưa: Ngày xưa, Mạnh Thường Quân làm con tin ở Tần, gieo được quẻ này. Quả nhiên, sau này họ Mạnh nửa đêm bỏ trốn, đến cửa ải Hàm Cốc, giả làm gà gáy, vượt qua cửa ải. Đúng là ứng với quẻ "Du phong thoát võng" thật là "Gặp hung hoá cát".
Lời bàn quẻ: Gặp hung hoá cát là sự may mắn ít xảy ra, song thật là phúc lớn. Thoát nạn, sau này phải biết tránh xa các cạm bẫy.
Lời đoán quẻ: Kiện tụng không còn, bệnh tật tiêu tan, phúc lộc dồi dào, mọi việc như ý.