QUẺ SỐ 31: TRẠCH SƠN HÀM - MANH NHA XUẤT THỔ

1. Quẻ Trạch Sơn Hàm trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Trạch Sơn Hàm

Quẻ Trạch Sơn Hàm

Quẻ Trạch Sơn Hàm hay được gọi là Quẻ Hàm, là quẻ số 31 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Đoài, Ngũ hành Kim.

Quẻ Hàm được ví như đôi trai tài gái sắc hay kẻ sĩ xây nhà vàng chứa ngọc, sắc đẹp giai nhân tô điểm cho đời. Quẻ này chính ứng với nhau, thông cảm cho nhau, hòa duyệt vui vẻ. Nếu ở cương vị là người lãnh đạo muốn sự ủng hộ của người dưới thì dùng lễ độ và lòng cầu hiền thì công danh được lợi.

Thoán từ:

Lời kinh: 咸亨, 利貞, 取女, 吉。

Dịch âm: Hàm hanh, lợi trinh, thù nữ, cát

Dịch nghĩa: Giao cảm thì hanh thông, giữ đạo chính thì lợi, lấy con gái thì tốt.

Hàm: Cảm dã. Thụ cảm. Cảm xúc, thọ nhận, cảm ứng, nghĩ đến, nghe thấy, xúc động. Nam nữ giao cảm chi tượng: tượng nam nữ có tình ý, tình yêu.
Kinh thượng bắt đầu bằng hai quẻ Càn Khôn: trời, đất. Có trời đất rồi mới có vạn vật, có vạn vật rồi mới có nam, nữ; có nam nữ rồi mới thành vợ chồng, có cha con, vua tôi, trên dưới, lễ nghĩa.
Cho nên đầu kinh thượng là Càn, Khôn, nói về vũ trụ; đầu kinh hạ là Hàm, Hằng, nói về nhân sự. Hàm là trai gái cảm nhau. Hằng là vợ chồng ăn ở với nhau được lâu dài.

Tượng quẻ:

Sơn thượng hữu trạch (Trên núi có đầm)

Ngoại quái Đoài, nội quái Cấn. Đoài chính là nhu, Cấn là cương hai khí âm dương cảm ứng hòa hợp nhau.

Đoài là thiếu nữ ở trên, Cấn là thiếu nam ở dưới. Cảm nhau thân thiết không gì bằng thiếu nam, thiếu nữ. Cảm nhau thì tất hanh thông.
Thiếu nữ ở trên, thiếu nam phải hạ mình xuống cạnh thiếu nữ; hồi mới gặp nhau thì phải vậy; chứ nếu thiếu nữ cầu cạnh thiếu nam thì là bất chính, không tốt. Cho nên thoán từ bảo phải giữ đạo chính mới có lợi. Hai bên giữ đạo chính cả thì cưới vợ chắc tốt lành.
Hàm 咸 khác cảm 感 ở điểm: Cảm có chữ Tâm 心 là lòng, hàm thì không. Hàm là tự nhiên hai bên tương hợp, rồi cảm nhau, không có tư ý, không vì một lẽ nào khác, phải hư tâm (trống rỗng trong lòng) .
Đại tượng truyện khuyên: "dĩ hư tâm thụ nhân". Như trên núi có chỗ trũng xuống (hư) để nước đọng lại mà thành cái chằm.
Hư tâm thì lòng được tĩnh, như cái núi (nội quái là Cấn), mà vui như tính của cái chằm (ngoại quái là Đoài) (chỉ nhi duyệt; lời Thoán truyện); muốn giữ được lòng tĩnh thì phải "khắc kỉ phục lễ" tự chủ được mình mà giữ lễ.
Tóm lại, Thoán từ cho rằng trai gái cảm nhau phải chân thành, tự nhiên, vì nết, vì tài thì mới tốt; mà khi cảm nhau rồi phải tự chủ, giữ lễ, đừng để đến nỗi hóa ra bất chánh.
Coi đạo âm dương giao cảm mà sinh hóa vạn vật, thánh nhân chí thành mà cảm được thiên hạ, thì thấy được chân tình của thiên địa, vạn vật. Đạo cảm nhau quả là quan trọng.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 咸其拇.

Dịch âm: Hàm kì mẫu.

Dịch nghĩa: Như cảm ngón chân cái.

Giảng nghĩa: Hào từ lấy thân người làm thí dụ. Hào 1 ở dưới cùng. Nó ứng với hào 4, thấp mà cảm với trên cao, sức cảm còn nhỏ, chưa động được lòng người, mới hơi động được ngón chân thôi. Không khen cũng không chê.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 咸其腓, 凶; 居吉.

Dịch âm: Hàm kì phì, hung; cư cát.

Dịch nghĩa: Cảm được bắp chân, xấu; ở yên thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào 2, cao hơn một chút, ví như bắp chân. Nó ứng với hào 5, nhưng nó là âm, phận gái, mà còn ở dưới thấp, nếu nóng lòng cầu thân với 5 thì xấu. Nó nên giữ nết trung chính (vì là hào 2 đắc trung, đắc chính) của nó thì mới tốt, như vậy mới hợp đạo lý.
Thoán truyện bảo: quẻ Hàm này, hễ tĩnh thì tốt; cho nên hào 2 này khuyên không nên động.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 咸其股, 執其隨, 往吝.

Dịch âm: Hàm kì cổ, chấp kì tùy, vãng lận.

Dịch nghĩa: Cảm được tới đùi, chỉ muốn theo người, cứ như vậy mà tíến thì xấu.

Giảng nghĩa: Hào này ở trên cùng nội quái, nên ví với bắp đùi. Nó là dương cương, ham tiến, muốn theo hào 4 cũng dương cương ở trên nó; trong thời Hàm, nên tĩnh mà nó động, lại động theo người nữa, đáng chê.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 貞吉悔亡; 憧憧往來, 朋從爾思.

Dịch âm: Trinh cát hối vong; đồng đồng vãng lai, bằng tòng nhĩ tư.

Dịch nghĩa: Hễ chính đáng thì tốt, mà mất hết những điều đáng ăn năn. Nhược bằng nếu lăng xăng tính toán có qua có lại với nhau thì những người qua lại với anh chỉ là những người anh nghĩ tới mà thôi (ý nói: số bạn không đông, đoàn thể không lớn).

Giảng nghĩa: Hào này đã lên ngoại quái, dương cương, lại ở quẻ đoài (vui vẻ), tức là có tình hoà duyệt, nặng về cảm tính, cho nên ví với trái tim (tấm lòng). Tình cảm phải chính đáng, chí công vô tư, như vậy mới tốt, không phải ăn năn. Nếu có óc tính toán, tốt với người để mong người tốt lại với mình, có đi có lại thì số bạn không được đông.
Theo Hệ từ truyện, Chương V, Khổng tử giảng hào này rất kỷ, chúng tôi trích ra đoạn dưới đây:
"Đạo lý trong thiên hạ, cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt, vì thiên hạ đường đi tuy khác nhau mà qui kết thì ý như nhau: tính toán trăm lối mà cuối cùng chỉ tóm vào một lẽ (lẽ đó là có cảm thì có ứng, ứng lại gây ra cảm) cần gì phải ngẫm nghĩ bằng ý riêng, tính toán bằng mẹo vặt .."

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 咸其脢, 无悔.

Dịch âm: Cảm kì mỗi, vô hối.

Dịch nghĩa: Cảm tới bắp thịt ở trên lưng, không hối hận.

Giảng nghĩa: Bắp thịt ở trên lưng, cao hơn tim (hay lòng) mà trái với tim, không cảm được vật. Không cảm được vật mà cũng không có tư tâm, tư ý, nên cũng không có gì hối hận. Có lẽ vì hào 5 này dương cương, ở vị rất cao, trung, chính, cách biệt dân chúng quá, cho nên Chu Hi bảo là "không cảm được vật" chẳng?

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 咸其輔, 頰, 舌.

Dịch âm: Hàm kì phụ, giáp, thiệt.

Dịch nghĩa: Cảm người bằng mép, má, lưỡi.

Giảng nghĩa: Hào này ở trên cùng Hàm, nên ví với mép, má, lưỡi. Nó là âm nhu ở trong ngoại quái Đoài (vui vẻ), ham cảm người ta bằng miệng lưỡi, không thành thực. Chẳng cần nói cũng biết là đáng chê rồi.

2. Quẻ Trạch Sơn Hàm trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Hàm

Trong chiêm bốc, dự trắc Hàm có nghĩa là:

  • Hàm là cảm, giao cảm, cảm ứng, cảm tình, cảm động, thần giao cách cảm (Hình tượng quẻ là huyệt Bách hội ở trên mở ra để đón nhận năng lượng).
  • Hằng là tiền hôn nhân, tình yêu nam nữ
  • Sự thông suốt, thuận lợi, sự việc bắt đầu phát triển tốt. (Trời đất cảm nhau thì vạn vật hoá sinh, con người cảm nhau thì thế giới hoà bình, vạn sự thông suốt, vì thế mà nói Hàm là "Manh nha xuất thổ").
  • Hàm là bị thương ("Dịch tự bản nghĩa") trên các bộ phận cơ thể:

Triệu và điềm của quẻ Hàm

Quẻ Hàm có triệu Manh Nha Xuất Thổ - Thời vận đã đến. Có bài thơ như sau:

Thời vận đến rồi, mọi sự may,
Kinh doanh buôn bán, thật phát tài.
Phúc lộc tiền tài, từ từ đến,
Bệnh tật tiêu tan, hết buồn phiền.

Tích xưa: Ngày xưa còn thuở hàn vi, Lã Bất Vi buôn bán lật đận mãi. Sau này gieo được quẻ này, quả nhiên Lã Bất Vi buôn bán phát tài, trở thành kẻ phú gia địch quốc.

Lời bàn quẻ: Buôn bán có lúc thịnh lúc suy. Buôn bán phải theo đạo lí sau về hàng hoá: "Người không có (hàng) thì ta có (hàng), nếu người có hàng ta cần có hàng chất lượng. Người có hàng chất lượng, ta có hàng rẻ. Người bán hàng rẻ, ta chuyển bán mặt hàng khác".

Lời đoán quẻ: Mưu sự tất thành, xuất hành có lợi, của mất lại về, bệnh tật tiêu tan.

Dụng thần quẻ Hàm

Quẻ Hàm thiếu một thân là Thê Tài Đinh Mão Mộc, đây là Phục Thần, vậy Phi Thần là Quan Quỷ Bính Ngọ Hỏa. Mộc sinh Hỏa, do vậy Phục Thần sinh Phi Thần, điều các nhà Dịch Học xưa gọi là "Phục khu sinh Phi vi tiết khí". Nghĩa là Phục "giúp" một cách quá sức cho Phi nên bị tiết sinh khí, bị yểu.