QUẺ SỐ 28: TRẠCH PHONG ĐẠI QUÁ - DẠ MỘNG KIM NGÂN

1. Quẻ Trạch Phong Đại Quá trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Trạch Phong Đại Quá

Quẻ Trạch Phong Đại Quá

Quẻ Trạch Phong Đại Quá hay được gọi là Quẻ Đại Quá, là quẻ số 28 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.

Thuộc nhóm tượng quái Chấn (Quẻ Du Hồn), Ngũ hành Mộc.

Quẻ Đại Quá có bốn hào dương bị vây hãm bởi hai hào âm thể hiện ý nghĩa dù có bề thế, to lớn nhưng cái gốc và cái ngọn bị yếu. Quẻ khiêm nhường, hòa duyệt có âm nhu, thiên về mềm mỏng nên đôi khi thiếu nghị lực, dễ bị tiểu nhân gây rối loạn.

Thoán từ:

Lời kinh: 大過, 棟撓, 利有攸往, 亨.

Dịch âm: Đại quá, đống nạo, lợi hữu du vãng, hanh.

Dịch nghĩa: (Phần dương ) nhiều quá (phần âm ít quá) như cái cột yếu, cong xuống (chống không nổi). Trên di thì lợi, được hanh thông.

Đại Quá: Họa dã. Cả quá. Cả quá ắt tai họa, quá mực thường, quá nhiều, giàu cương nghị ở trong. Nộn thảo kinh sương chi tượng: tượng cỏ non bị sương tuyết.
Tự quái truyện giảng rất mù mờ, “Di là nuôi, không nuôi thì không thể động (bất dưỡng tức bất động) (?) cho nên sau quẻ Di đến quẻ Đại quá (lớn quá) “Phan Bội Châu giảng: “Có nuôi rồi sau mới có việc lớn quá”
Chúng tôi nghĩ có thể giảng: Có bồi dưỡng tài đức thì sau mới làm được việc lớn quá (rất lớn), phi thường.
Chữ “đại quá” có hai cách hiểu: Phần dương trong quẻ tới 4 (phần âm chỉ có hai) mà dương có nghĩa là lớn (âm là nhỏ); vậy đại quá có nghĩa là phần dương nhiều quá; - nghĩa nữa là (đạo đức công nghiệp) lớn quá.

Tượng quẻ:

Trạch diệt mộc (Nước đầm làm chết cây)

Ngoại quái Đoài, nội quái Tốn có bốn hào Dương, hai hào Âm ở trên cùng và dưới cùng của quẻ. Tượng quẻ được ví giống như cây cột đầu đuôi yếu nên dễ bị đổ. Tuy nhiên quẻ này quân vẫn thịnh còn tiểu nhân yếu.

Nhìn hình của quẻ, bốn hào dương ở giữa, 2 hào âm hai đầu, như cây cột, khúc giữa lớn quá, ngọn và chân nhỏ quá, chống không nổi, phải cong đi.
Tuy vậy, hai hào dương 2 và 5 đều đắc trung, thế là cương mà vẫn trung; lại thêm quẻ Tốn ở dưới có nghĩa là thuận, quẻ Đoài ở trên có nghĩa là hòa, vui, thế là hòa thuận, vui vẻ làm việc, cho nên bảo là tiến đi (hành động) thì được hanh thông.
Đại tượng truyện bàn rộng: Đoài là chằm ở trên, Tốn là cây ở dưới, có nghĩa nước lớn quá, ngập cây. Người quân tử trong quẻ này phải có đức độ, hành vi hơn người, cứ việc gì hợp đạo thì làm, dù một mình đứng riêng, trái với thiên hạ, cũng không sợ (độc lập bất cụ); nếu là việc không hợp đạo thì không thèm làm, dù phải trốn đời, cũng không buồn (độn thế vô muộn).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 藉用白茅, 无咎.

Dịch âm: Tạ dụng bạch mao, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Lót (vật gì) bằng cây cỏ mao trắng, không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào sơ âm cẩn trọng nên không mắc lỗi.Cỏ mao mềm mại, màu trắng giản dị, chiếu dùng quỳ lạy quỉ thần.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 枯楊生稊, 老夫得其女妻, 无不利.

Dịch âm: Khô dương sinh đề, lão phu đắc kì nữ thê, vô bất lợi.

Dịch nghĩa: Cây dương khô đâm rễ mới, đàn ông già cưới được vợ trẻ, không gì là không lợi.

Giảng nghĩa: Dương cương mà ở vị âm (hào 2), như vậy là cương mà có chút nhu, lại đắc trung. Nó thân cận với hào 1 âm, thế là cương nhu tương tế, bớt cứng đi, như cây khô mà đâm rễ mới, rồi cành là sẽ tươi tốt. Có thể ví với một người già cưới được vợ trẻ. . .

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 棟橈, 凶.

Dịch âm: Đống nạo, hung.

Dịch nghĩa: Cái cột cong xuống, xấu.

Giảng nghĩa: Hào 3 dương ở vị dương, thế là quá cương, định làm công việc lớn quá (thời Đại quá), quá cương thì cong xuống, gẫy, việc sẽ hỏng.
Chúng ta để ý: Thoán từ nói về nghĩa toàn quẻ, nên dùng hai chữ "đống nạo" mà vẫn khen là tốt (lí do đã giảng ở trên). Còn Hào từ xét riêng ý nghĩa hào 3, chê là xấu, vì hào này quá cương, mặc dầu ứng với hào trên cùng (âm nhu), cũng không chịu để hào đó giúp mình.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 棟隆, 吉.有它, 吝.

Dịch âm: Đống long, cát. Hữu tha, lận.

Dịch nghĩa: Như cây cột lớn, vững , tốt. Nếu có ý nghĩa gì khác thì hối tiếc.

Giảng nghĩa: Cũng là hào dương nhưng ở vị âm (4), vừa cương vừa nhu, như cái cột lớn vững đỡ nổi nhà. Ý nói làm được việc lớn, không lo thất bại.
Nó lại ứng hợp với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, như vậy e nó quá nhu chăng, cho nên Hào từ khuyên: chớ quyến luyến quá với 1, có ý nghĩ khác, mà đáng xấu đấy.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 枯楊生華, 老婦得其士夫, 无咎, 无譽.

Dịch âm: Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kì sĩ phu, vô Cửu, vô dự.

Dịch nghĩa: Cây dương khô ra hoa, bà già có chồng trai tráng, không chê cũng không khen.

Giảng nghĩa: Hào 5, dương cương, trung chính. Ở ngôi chí tôn, đáng lẽ làm được việc rất lớn, nhưng ở thời đại quá, thì quá cương, quá cương mà ở gần hào trên cùng, âm ở âm vị, là một người quá nhu, không giúp nhau được việc gì, cũng như cây dương đã khô mà ra hoa cuối mùa, sắp tiều tụy đến nơi rồi. Không khác gì bà già mà có chồng trai tráng, chẳng mong gì sinh đẻ nữa.
Hào này khác với hào 2 ở chỗ hào 2 vừa cương vừa nhu, nên tốt, ví với cây dương khô đâm rễ mới; hào 5 thì quá cương, xấu, ví với cây dương khô, không dâm rễ mà ra hoa, nhựa sắp kiệt rồi.

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 過涉, 滅頂, 凶, 无咎.

Dịch âm: Quá thiệp, diệt đính, hung, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Lội qua chỗ nước sâu, nước ngập đầu, xấu: nhưng không có lỗi.

Giảng nghĩa: Bản chất âm nhu, tài hèn mà ở vào cuối thời Đại quá muốn làm việc lớn thì rất nguy thân, như người lội chỗ nước sâu lút đầu. Nhưng làm công việc nguy hiểm đó để cứu đời, cho nên không gọi là có lỗi được. Hào này trỏ hạng người "sát thân di thành nhân" (tự hi sinh để làm nên điều nhân), đáng phục chớ không chê được.
Tên quẻ là Đại quá (lớn quá), mà Hào từ lại ghét những người quá cương, (hào 3, 5) quá nhu như hào trên cùng tuy không có lỗi, nhưng cũng cho là xấu. Vây Kinh Dịch có ý trọng đức trung (vừa cương vừa nhu) hơn cả.

2. Quẻ Trạch Phong Đại Quá trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Đại Quá

Trong chiêm bốc, dự trắc Đại Quá có nghĩa là:

  • Là hoạ, tai hoạ, hoạ hại.
  • Là hư hao, gian nan quá mức. (Ví dụ đi quá nơi cần đến, hao phí sức lực).
  • Là quá lớn, "cái lớn quá sự thường hay sự thường thành quá lớn" (Việc lớn quá sự thường: là chỉ những việc đại sự. Gặp việc đại sự, biết ứng xử theo đại sự, theo đạo của người quân tử ắt thành công, việc lớn ứng theo kiểu tiểu nhân ắt g ặp họa.. Ngược lại sự th ường là những việc nhỏ nhặt, tiểu sự. Việc nhỏ, tiểu sự thì chỉ cần Ti ểu quá - quá nhỏ, vậy mà ứng theo đại quá là sự thường thành quá lớn ắt gặp hoạ). Đại quá việc lớn thì hanh thông mà việc nhỏ thì hữu hung. Đại quá là "cái lớn quá thường" mà Tiểu quá là "cái nhỏ quá thường".
  • Sự nhầm lớn, là cả quá, là sự nhầm lớn vượt quá đạo lý thông thường.
  • Làm đi làm lại (đi quá thì phải quay lại).
  • Tượng của khoa phong thuỷ địa lý.

Triệu và điềm của quẻ Đại Quá

Quẻ Đại Quá có triệu Dạ Mộng Kim Ngân - Không vẫn hoàn không. Có bài thơ như sau:

Mơ thấy kim tiền, tỉnh dậy không,
Cầu danh cầu lợi, chẳng thấy thông.
Hôn nhân giao dịch, đều không được,
Của mất người đi, vẫn biệt tăm.

Tích xưa: Ngày xưa, Tào Tháo tìm mọi mưu kế để được Từ Thứ, đã gieo được quẻ này. Quả nhiên Từ Thứ vào dinh Tào, không chịu bày mưu mẹo gì. Đúng là ứng với quẻ "Dạ mộng kim tiền" thật là "Không vẫn hoàn không".

Lời bàn quẻ: Phương ngôn có câu: "Tốt quá hoá lốp". Việc gì quá đều có hại. Lượng đổi đến mức nào đó sẽ phá vỡ kết cấu nội tại của sự vật hiện tượng. Vì vậy, mọi việc đều làm có chừng mực thì mới thành công.

Lời đoán quẻ: Làm việc bất thành, cầu tài không được, hôn nhân không thành. Mọi sự bất thành, phải nhẫn nại, chớ có mơ mộng.

Dụng thần quẻ Đại Quá

Quẻ Đại Quá là quẻ thứ 7 của tượng Chấn nên gọi là quẻ Du Hồn. So với Chấn, quẻ thiếu hai Thân là: Huynh Đệ Canh Dần Mộc và Canh Ngọ Tử Tôn Hỏa. Đây chính là hai Phục Thần của Quá. Tương ứng với hai hào này là hai Phi Thần: Phụ Mẫu Tân Hợi và Phụ Mẫu Đinh Hợi đều thuộc Thủy.
Xét về hào nhị, Phi Thần Tân Hợi sinh Phục Thần Canh Dần. Mộc trường sinh tại Hợi, là Phi sinh Phục lại được trường sinh. Hào Phục không những được xuất hiện mà còn được tiếp sức thêm.
Xét về hào tứ, Phi Thủy khắc Phục Hỏa. Do vậy Canh Ngọ Phục lâm vào thế tuyệt địa ở Phi hào, không những không được xuất hiện mà bị tiêu diệt. Trường hợp này phải chờ đến ngày Dần gặp trường sinh (Hỏa), hoặc ngày ngọ gặp Nhật thần, hoặc có hào động Sinh hào này (hào Phục) thì Phục mới xuất hiện được.
Đặc biệt trong quẻ này, Phục Thần Huynh Đệ canh Dần Mộc sinh hào Tử Tôn Canh ngọ Hỏa cũng Phục hào (vi ở vị trí Phi Thần là hào Thế). Vậy Phục Huynh Đệ là Nguyên Thần của Phục Tử Tôn, tức Tử Tôn vô lực. Tử Tôn mà lại gặp không vong, Nguyệt Phá thì rơi vào trạng thái "chân không" hay "Chân phá".