QUẺ SỐ 45: TRẠCH ĐỊA TỤY - NGƯ LÝ HÓA LONG
1. Quẻ Trạch Địa Tụy trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Trạch Địa Tụy
Quẻ Trạch Địa Tụy hay được gọi là Quẻ Tụy, là quẻ số 45 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.
Ngoại quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.
Nội quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.
Thuộc nhóm tượng quái Đoài, Ngũ hành Kim.
Quẻ Tụy có sự thống nhất của hào Cửu Ngũ - là hào dương chứa đầy đủ cương cường, ân uy, đại độ, khoan dung quy tụ được người dưới theo mình. Tuy nhiên hào Cửu Tứ bên cạnh chia sẻ ảnh hưởng. Muốn thành công phải quang minh chính đại, tự cường và đề cao cảnh giác đối phó với mọi biến cố bất thường.
Thoán từ:
Lời kinh: 萃亨, 王假有廟.
Dịch âm: Tuy hanh, vương cách hữu miếu
Dịch nghĩa: Nhóm họp: hanh thông. Vua đến nhà Thái miếu, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi, hanh thông, giữ vững đạo chính thì lợi. Lễ vật (để cúng) lớn (hậu hĩ) thì tốt, tiến đi (sự nghiệp) được lâu dài.
Tụy: Tụ dã. Trưng tập. Nhóm họp, biểu tình, dồn đống, quần tụ nhau lại, kéo đến, kéo thành bầy. Long vân tế hội chi tượng: tượng rồng mây giao hội.
Gặp nhau rồi thì thành bầy, thành bầy thi phải nhóm họp , cho nên sau quẻ Cấu tới quẻ Tụy (nhóm họp)
Tượng quẻ:
Trạch thượng ư địa (Trên đất có đầm)
Ngoại quái Đoài, nội quái Khôn có nghĩa là nước đầm tụ trên mặt của đất. Quẻ gợi sự tập hợp quần chúng.
Chằm (Đoài ở trên đất (Khôn), là nước có chỗ nhóm, tụ, cho nên gọi là quẻ Tụy.
Nội quái là Khôn có tính thuận, ngoại quái là Đoài có nghĩa vui vẻ, hoà thuận; mà hào 5 ở trên được hào 2 ở dưới ứng trợ cho, tất nhóm họp được đông người, cho nên hanh thông, tốt.
Nhóm họp cần long trọng và tỏ lòng chí thành, có thần linh chứng giám, cho nên vua tới nhà Thái miếu để dâng lễ, thề.
Người đứng ra nhóm họp một đảng phải là bậc đại nhân có tài, đức, được người tin, trọng thì mới tốt; người đó phải giữ vững đạo chính, đường lối chính đáng thì mới tốt (lợi trinh).
Nhóm họp ở thái miếu thì tế lễ phải long trọng, những con vật để cúng phải lớn, thì mới tốt. Nhóm họp để cùng nhau mưu tính mọi việc cho sự nghiệp được lâu dài (lợi hữu du vãng).
Đại Tượng truyện khuyên khi nhóp họp nên có tinh thần hoà thuận vui vẻ như quẻ Khôn, quẻ Đoài, cất khí giới đi để ngừa những sự biến bất ngờ xảy ra.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Lục (Hào 1 âm):
Lời kinh: 初 六: 有孚, 不終, 乃亂乃萃.若號, 一握為笑勿恤, 往, 无咎.
Dịch âm: Hữu phu, bất chung, mãi loạn nãi tụy; Nhược hào, nhất ác vi tiếu vật tuất, vãng, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Có người tin mình mà mình không thể đến cùng, rồi làm rối loạn nhóm của mình; nên biết lầm mà kêu gọi người tin mình kia, dù có bị một bầy (tiểu nhân) cười cũng mặc, cứ theo lên (vãng) với người tin mình, thì không có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào 1 này có chính là hào 4 dương cương, tức là có bạn tin mình, nhưng 1 âm nhu, giữ đạo chính không được vững (không theo 4 đến cùng) mà nhập bọn với 2, 3 đều là âm nhu tiểu nhân, làm rối loạn nhóm của mình. Nếu có biết như là lầm mà kêu gọi 5, theo 4, dù có bị 2, 3 cười cũng mặc, thì sẽ không có lỗi.
2. Lục Nhị (Hào 2 âm):
Lời kinh: 六 二: 引, 吉, 无咎, 孚, 乃利用禴
Dịch âm: Dẫn, cát, vô Cửu, phu, nãi lợi dụng thược.
Dịch nghĩa: Dẫn bên lên nhóm với hào 5 thì tốt, không có lỗi, phải chí thành, chí thành thì như trong việc tế lễ, dùng lễ mọn cũng tốt.
Giảng nghĩa: Hào này âm nhu nhưng trung chính, ứng với hào 5 dương cương trung chính ở trên, là một nhóm rất tốt. Nhưng vì nó xen vài giữa hai hào âm 1 và 3, mà cách xa hào 5, nên Hào từ khuyên nó kéo hai hào âm đó lên nhóm họp với 5, thì tốt, không có lỗi, và nhớ phải chí thành (phu) mới được, chí thành thì như trong việc cúng tế, dùng lễ mọn (thược) cũng tốt) .
3. Lục Tam (Hào 3 âm):
Lời kinh: 六 三: 萃如, 嗟如, 无攸利, 往, 无咎, 小吝.
Dịch âm: Tụy như, ta như, vô du lợi, vãng, vô Cửu, tiểu lận.
Dịch nghĩa: Muốn họp mà không được nên than thở, chẳng có gì tốt cả; tiến lên mà họp với hào thượng, tuy hơi bất mãn đấy, nhưng không có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào 3 này âm nhu, ứng với hào trên cùng, nhưng không thích (vì hào này cũng âm nhu), muốn họp với 4 và 5 là dương kia, nhưng 4 có bạn là 1, 5 có bạn là 2 rồi, chê 3 là bất trung ,bất chính không thèm; 3 nhìn xuống dưới, muốn họp với 2,1 cũng không được vì họ có bạn là 5, 4 rồi; vì vậy 3 than thở, chẳng có gì tốt cả. Ðành phải tiến lên mà họp với hào trên cùng vậy, bất như ý đấy, nhưng không có lỗi.
4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):
Lời kinh: 九 四: 大吉, 无咎.
Dịch âm: Đại cát, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Nếu được rất tốt thì mới không có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào này dương cương, tốt, chỉ hiềm bất chính; nó thân với hào 5, dương cương ở trên, mà lại gần với một bầy âm nhu ở dưới tình thế khó khăn, phải làm sao thuyết phục được bầy âm theo 5, như vậy mới khỏi có lỗi.
5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):
Lời kinh: 九 五: 萃有位, 无咎, 匪孚元永貞, 悔亡.
Dịch âm: Tụy hữu vị, vô Cửu, phi phu nguyên vĩnh trinh, hối vong.
Dịch nghĩa: Nhờ có vị cao mà nhóm họp được người, không có lỗi, nếu người chưa tin mình thì phải giữ tư cách nguyên thủ, giữ người được lâu, giữ đạo chính được bền, như vậy mới không hối hận.
Giảng nghĩa: Bốn hào âm trong quẻ này đều muốn họp với hai hào dương, mà trong hai hào dương này, hào 5 có địa vị cao nhất, đức lại thịnh hơn hào 4, đủ cả trung, chính, cho nên các hào âm đều hướng vào (tụy hữu vị), tốt, không có lỗi. Nhưng còn e có người vẫn chưa tin hẳn 5 (phỉ nhu); muốn cho mọi người tin thì phải làm sao xứng đáng là vị nguyên thủ (nguyên), giữ người được lâu (vĩnh) giữ đạo chính (trinh) được bền, như vậy sẽ không hối hận.
6. Thượng Lục (Hào 6 âm):
Lời kinh: 上 六: 齎咨, 涕洟, 无咎.
Dịch âm: Tế tư, thế di, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Than thở, sụt sùi, không trách lỗi ai được.
Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, kém tư cách, lại ở cuối thời nhóm họp (tụy) muốn họp với ai cũng không được, tới nỗi than thở, sụt sùi, cứ an phận thì không có lỗi. Phan Bội Châu hiểu "vô cữu" là không trách lỗi ai được, cũng như hào trên cùng quẻ Cấu ở trên.
2. Quẻ Trạch Địa Tụy trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Tụy
Trong chiêm bốc, dự trắc Tụy có nghĩa là:
- Tuỵ là tụ, tụ họp, nhóm lại. (Nước tụ trên đất ...)
- Hoán, hoán cải, thay đổi (chuyển đổi sang trạng thái mới, tính chất thúc giục hơn quẻ Cách. Chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới tốt hơn. Quẻ đời người ra Tuỵ: nửa đời thay đổi công việc, đừng luyến tiếc sự vang bóng một thời công việc mới sẽ tốt hơn, nếu không sẽ bế tắc).
- Tuỵ là tòng, tòng theo, tòng thuộc, theo một việc gì đó, theo một ai đó.
- Tiều tuỵ, khổ sở, rách rưới. Tượng người ăn mày. Đoài là cái miệng xin ăn, Khôn dưới là cái bụng rỗng)
- Tuỵ là lễ, lễ lớn (đại lễ) lễ lớn mới cát lễ mhỏ không ăn thua (khác với quẻ Lý là lễ nhỏ). Vì Tụ y có Đoài trên, Khôn dưới. Khôn là thuận theo, Đoài là đẹp lòng hỷ duyệt. Thuận theo mà họp lại là Tụy, nên Tụy là lễ lớn mà chính đính vậy.
Triệu và điềm của quẻ Tụy
Quẻ Tụy có triệu Ngư Lý Hóa Long - Rồng bay lên trời. Có bài thơ như sau:
Bệnh tật, cãi cọ, cũng phải lui.
Kinh doanh, góp vốn, đều có lợi,
Phú quý vinh hoa, sẽ có ngày.
Tích xưa: Ngày xưa, Ban Siêu đi thi không đỗ, quăng bút xuống đất, gieo được quẻ này. Quả nhiên, ông ta bỏ văn theo võ, sau được phong hầu vạn hộ. Đúng là ứng với quẻ "Lí ngư biến long", thật là "rồng bay trên trời, lợi kiến đại nhân" (gặp người có đức thì có lợi).
Lời bàn quẻ: "Cá chép hoá rồng" chỉ sự biến đổi về chất. Muốn có sự thay đổi về chất phải tập trung lực lượng, quy tụ mọi nhân tố. Khi thời cơ đến biết nắm bắt thì "cá chép" sẽ hóa thành "rồng".
Lời đoán quẻ: Hỷ sự liên tiếp, cầu tài như ý, kinh doanh thuận lợi, bệnh tật tiêu tan, phú quý vinh hoa.