QUẺ SỐ 39: THỦY SƠN KIỂN - VŨ TUYẾT TẢI ĐỒ

1. Quẻ Thủy Sơn Kiển trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Thủy Sơn Kiển

Quẻ Thủy Sơn Kiển

Quẻ Thủy Sơn Kiển hay được gọi là Quẻ Kiển, là quẻ số 39 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☵ Khảm (坎) - Thủy (水) tức Nước - Ngũ hành Thủy.

Nội quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Đoài, Ngũ hành Kim.

Quẻ Kiển báo hiệu thời kỳ đầy trở ngại, tiến hay lui đều khó khăn và quyết định tới thành bại. So với quẻ Khuê thì quẻ Kiển còn nhiều điềm xấu hơn, không có sự khoan hòa nên bền gan chịu cực miễn sao có thể sinh tồn thì mới có cơ may tìm được lối thoát thân.

Thoán từ:

Lời kinh: 蹇利西南, 不利東北, 利見大人, 貞吉.

Dịch âm: Kiển lợi Tây Nam, bất lợi Đông Bắc, lợi kiến đại nhân, trinh cát.

Dịch nghĩa: Gian nan: đi về Tây nam thì lợi, về đông Bắc thì bật lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữa đạo chính thì mới tốt.

Kiển: Nạn dã. Trở ngại. Cản ngăn, chặn lại, chậm chạp, què, khó khăn. Bất năng tiến giả chi tượng: không năng đi.
Ở thời chia lìa chống đối thì tất gặp nỗi gian nan, hiểm trở, cho nên sau quẻ Khuê tới quẻ Kiển (gian nan)

Tượng quẻ:

Sơn thượng hữu thuỷ (Trên núi có nước)

Ngoại quái Khảm, nội quái Cấn tức là gặp cảnh ngộ hiểm nguy, phải có chí bền lòng, không nao núng mọi việc mới được cải thiện.

Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi(Cấn), tiến lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Phải bỏ đường hiểm trở mà kiếm đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam, hướng quẻ Khôn, đừng đi hướng đông Bắc, hướng quẻ Cấn. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu đúng từng chữ Tây Nam và Đông Bắc, chỉ nên hiểu ý thôi.
Ở thời gian nan này, phải nhờ có người có tài, đức (đại nhân) giúp cho thì mới thoát nạn (lợi kiến đại nhân), và phải bền giữ đạo chính.
Đại tượng truyện khuyên phải tự xét mình mà luyện đức (phản thân tu đức).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 往蹇, 來譽.

Dịch âm: Vãng kiển, lai dự.

Dịch nghĩa: Tiến lên thì gặp nạn, lui lại (hoặc ngừng) thì được khen.

Giảng nghĩa: Vào đầu thời gian nan, hào 1 này âm nhu, không có tài, tiến lên hay hành động thì xấu, chỉ nên chờ thời.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 王臣蹇蹇, 匪躬之故.

Dịch âm: Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.

Dịch nghĩa: Bậc bề tôi chịu gán hết gian nan này tới gian nan khác là vì vua, vì nước, chứ không phải vì mình.

Giảng nghĩa: Hào này cũng âm nhu, kém tài, nhưng đắc trung đắc chính, có đức, được vua (hào 5, dương mà cũng trung chính) phó thác việc nước, nên phải chống chỏi với mọi gian nan, không dám từ, mặc dầu tự biết không chắc gì cứu nước, cứu dân được trong thời khó khăn này. Hoàn toàn không vì mình, đáng khen.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 往蹇, 來反.

Dịch âm: Vãng kiển, lai phản.

Dịch nghĩa: Tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương đắc chính, nhưng vẫn còn ở nội quái, tức chưa hết nửa thời gian nan, lại thêm hào trên cũng âm nhu, ứng với nó mà không giúp được gì, nên Hào từ khuyên đừng tiến, cứ quay lại với hào âm thì vui vẻ hơn; bề gì cũng là bạn cũ rồi.

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 往蹇, 來連.

Dịch âm: Vãng kiển, lai liên.

Dịch nghĩa: Tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại mà liên hiệp với các hào dưới.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, kém tài, đã tiến lên ngoại quái, quá nữa thời gian nan, nhưng lại gặp hiểm trở (ngoại quái là Khảm) cũng không nên tiến lên, mà nên lùi lại với hào 3, liên hợp với ba hào ở dưới, để thêm thế lực.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 大蹇, 朋來.

Dịch âm: Đại kiển, bằng lai.

Dịch nghĩa: Cực kỳ gian nan, nhưng có bạn tới giúp.

Giảng nghĩa: Ở giữa ngoại quái khảm (hiểm) cho nên cực kỳ gian nan. Hào này như ông vua có tài, nhưng cũng khó thoát được hiểm. May có hào 2 đắc trung, đắc chính ứng với mình, sẳn lòng dắt các bạn tức các hào 1, 3, 5 tới giúp mình. Nhưng các hào ấy đều ít tài, trừ hào 3; như vậy là tay chân của 5 tầm thường cả, không làm nên việc lớn, nên Hào từ không khen là tốt. Cũng không dùng chữ lai, không bảo nên lùi vì địa vị nguyên thủ của 5 không cho phép 5 lùi được, lùi thì trút trách nhiệm cho ai?

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 往蹇, 來碩, 吉.利見大人.

Dịch âm: Vãng kiển, lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân.

Dịch nghĩa: Tiến tới thì gian nan, lùi lại thì làm được việc lớn, tốt; nên tìm gặp đại nhân thì có lợi.

Giảng nghĩa: Ở cuối thời gian nan, có cảnh tượng đáng mừng; hào này âm nhu, không một mình mạo hiểm được nên quay lại giúp hào 5, bậc đại nhân (có tài đức), thì lập được công lớn (thạc), tốt.

2. Quẻ Thủy Sơn Kiển trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Kiển

Trong chiêm bốc, dự trắc Kiển có nghĩa là:

  • Gian nan, khó khăn, cản trở, sự hiểm trở, hãm hiểm tiến thoái lưỡng nan (trước là Khảm: vực sâu, sau lưng là Cấn: núi cao).
  • Là tai nạn què chân, chân không đi được (bất túc tiện) người bị thọt (Đỉnh: gãy chân).
  • Lợi Tây Nam bất lợi Đông Bắc (lợi nữ không lợi nam, lợi kiến đại nhân bất lợi gặp tiểu nhân, lợi tĩnh không lợi động).

Triệu và điềm của quẻ Kiển

Quẻ Kiển có triệu Vũ Tuyết Tải Đồ - Mưu sự không đúng. Có bài thơ như sau:

Tuyết rơi đầy đường, rất khó đi,
Giao dịch xuất hành, chẳng có chi.
Hôn nhân bệnh tật đều trở ngại,
Mưu sự cầu tài, thật gian nan.

Tích xưa: Ngày xưa, Hàn Văn muốn đi thăm bạn, gieo phải quẻ này. Quả nhiên, khi đến Tam Quan, tuyết rơi đầy đường, người ngựa khó đi, vô cùng khổ sở. Đúng là ứng với quẻ "Tuyết rơi đầy đường", thật là "mưu sự không đúng".

Lời bàn quẻ: Có việc tiến hành thuận lợi từ khi mở đầu đến lúc kết thúc, có việc vừa mở đầu đã gặp muôn vàn khó khăn. Việc bất lợi phải dừng lại tìm nguyên nhân gây ra khó khăn mà quyết định chờ đợi hoặc khắc phục nguyên nhân để tiếp tục tiến hành công việc.

Lời đoán quẻ: Đi không đến nơi, kiện cáo lôi thôi, cầu danh cầu lợi đều không được.

Dụng thần quẻ Kiển

Quẻ Kiển thiếu một thân là Thê Tài Đinh Măo Mộc, đây là Phục thần và Phi Thần là Quan Quỷ Bính Ngọ Hỏa. Trường hợp này là "Phục Sinh Phi vi tiết khí", nghĩa là Phục Thần Mộc Sinh Phi Thần Hỏa. Người trợ giúp cho mình quá sức nên kiệt sức.