QUẺ SỐ 1: THIÊN VI CÀN - KHỐN LONG ĐẮC THỦY
1. Quẻ Thiên Vi Càn trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Thiên Vi Càn
Quẻ Thiên Vi Càn (hoặc Thuần Càn), hay được gọi là Quẻ Càn, là quẻ số 1 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Đại Cát.
Ngoại quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.
Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.
Thuộc nhóm tượng quái Càn, Ngũ hành Kim.
Bốn đức tính Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh chỉ Càn và Khôn có nên chủ đạo làm điều thiện lớn. Quẻ Thuần Càn có 6 hào đều là hào dương. Hình dung tình trạng cương cường, sáng sủa cực độ. Dù mạnh mẽ nhưng không có tàn bạo, chính nghĩa của đạo Trời muôn vật che chở, giúp đời an dân. Việc nào xứng với việc đó, đều thuận.
Thoán từ:
Lời kinh: 乾元亨利貞.
Dịch âm: Càn Nguyên. Hanh. Lợi. Trinh.
Dịch nghĩa: Càn (có bốn đức – đặc tính): đầu tiên và lớn, hanh thông, thích đáng, chính và bền.
Càn: Kiện dã. Chính yếu. Cứng mạnh, khô, lớn, khỏe mạnh, đức không nghỉ. Nguyên Khang Hanh Lợi Trinh chi tượng: tượng vạn vật có khởi đầu, lớn lên, toại chí, hóa thành.
Tượng quẻ:
Thiên hành kiện (Mặt trời đi rất mạnh)
Quẻ Càn có 6 hào đều là hào dương
Văn Vương cho rằng bói được quẻ này thì rất tốt, hanh thông, có lợi và tất giữ vững được cho tới lúc cuối cùng.
Về sau, tác giả Thoán truyện (tương truyền là Khổng tử, nhưng không chắc), cho quẻ này một ý nghĩa về vũ trụ, Càn gồm sáu hào đều là dương cả, có nghĩa rất cương kiện, tượng trưng cho trời.
Trời có đức "nguyên" vì là nguồn gốc của vạn vật; có đức "hanh" vì làm ra mây, mưa để cho vạn vật sinh trưởng đến vô cùng, có đức "lợi" và "trinh" vì biến hóa, khiến cho vật gì cũng giữ được bẩm tính được nguyên khí cho thái hòa (cực hòa) .
Bậc thánh nhân đứng đầu muôn vật, theo đạo Càn thì thiên hạ bình an vô sự.
Tác giả Văn Ngôn truyện cho quẻ này thêm một ý nghĩa nữa về nhân sinh, đạo đức. Càn tượng trưng cho người quân tử. Người quân tử có bốn đức: Nhân, đức lớn nhất, gốc của lòng người, tức như đức "nguyên" của trời. Lễ, là hợp với đạo lý, hợp với đạo lý thì hanh thông, cho nên lễ tức như đức "hanh" của trời. Nghĩa, đức này làm cho mọi người được vui vẻ sung sướng, tức như đức "lợi" của trời. Trí, là sáng suốt, biết rõ thị phị, có biết thị phi mới làm được mọi việc cho nên nó là đức cốt cán, cũng như đức "trinh" chính và bền – của trời. Nguyên, hanh, lợi , trinh mà giảng thành nhân, lễ, nghĩa, trí, (bốn đức chính của đạo Nho) thì rõ là chịu ảnh hưởng nặng của Nho gia mà ý nghĩa và công dụng của Dịch đã thay đổi khá nhiều rồi.
Trở lên trên là cách hiểu của tiên Nho, các nhà Nho chính thống. Còn vài cách hiểu "mới mẻ" hơn của một số học giả gần đây, như phùng Hữu Lan, Tào Thăng, Cao Hanh.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):
Lời kinh: 初 九: 潛 龍 勿 用
Dịch âm: Tiềm long vật dụng.
Dịch nghĩa: Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được.
Giảng nghĩa: Người Trung Hoa cho con rồng là thần vật, rất biến hóa, lúc ẩn lúc hiện, mà lại thuộc về lòai dương, cho nên chu Công dùng nó để cho ta dễ thấy ý nghĩa các hào – đều là dương cả - trong quẻ Càn.
Hào 1, ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Ý nghĩa rất rõ, Tiểu tượng truyện không giảng gì thêm. Còn Văn Ngôn truyện thì bàn rộng ra về cách sử sự của bâc thánh nhân, người quân tử : chưa gặp thời thì nên tu đức, luyện tài, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình.
2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):
Lời kinh: 九 二: 見 龍 在 田 . 利 見 大 人.
Dịch âm: Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân.
Dịch nghĩa: Rồng đã hiện ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi.
Giảng nghĩa: Hào 2 là dương, ở giữa nội quái là đắc trung, như vậy là gặp thời, tài đức giúp ích cho đời được: lại thêm hào ứng với nó là hào 5, cũng là dương, cũng đắc trung (vì ở giữa ngọai quái); cho nên hào 2 có thể ví với con rồng đã rời vực mà hiện lên cánh đồng; mà cũng như người có tài đức gặp thời, nên kiến đại nhân).
Văn ngôn: khuyên người có tài đức gặp thời này nên giữ đức tín, đức thận trọng trong ngôn, hành, tránh tà bậy, giữ lòng thành, giúp đời mà không khoe công, như vậy là giữ được đức trung chính của hào 2.
3. Cửu Tam (Hào 3 dương):
Lời kinh: 九 三: 君 子 終 日 乾 乾, 夕 惕 若. 厲, 无 咎.
Dịch âm: Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược. Lệ, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Người quân tử mỗi ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ. Nguy hiểm, nhưng không tôi lỗi.
Giảng nghĩa: Hào 3 là dương lại ở vị ngôi dương, như vậy là rất cương, mà không đắc trung. Hơn nữa, nó ở trên cùng nội quái mà chưa tiến lên ngọai quái, nghĩa là ở một chỗ chông chênh, rất khó xử, cho nên bảo là nguy hiểm (lệ). Nhưng nó vẫn là quân tử, có đức tự cường không ngừng, rất thận trọng, lúc nào cũng như lo sợ, cho nên tuy gặp thời nguy mà cũng không đến nỗi tội lỗi.
Văn ngôn bàn thêm: người quân tử giữ trung tín để tiến đức; sửa lời nói (lập ngôn) vững lòng thành để lập sự nghiệp . . .nhờ vậy mà thấu được đạo lý, giữ được điều nghĩa làm được sự nghiệp tới cùng, ở địa vị cao mà không kiêu, địa vị thấp mà không lo (coi tòan văn ở phần I, Chương II . .. )Lời khuyên đó cũng tựa như lời khuyên ở hào 2
4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):
Lời kinh: 九 四: 或 躍, 在 淵, 无 咎.
Dịch âm: Hoặc dược, tại uyên, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Như con rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực (biết tùy thời như thế thì) không lầm lỗi.
Giảng nghĩa: Hào 4 là dương ở vị (ngôi) âm, như vậy là bất chính và bất trung; nó lại cũng như hào 3 ở địa vị chông chênh, mới rời nội quái tiến lên ngọai quái, tiến chưa chắc đã tốt mà thóai thì dở dang. Cho nên phải thận trọng xem xét thời cơ, nên tiến thì tiến (như con rồng bay nhảy) nếu không thì chờ thời (con rồng nằm trong vực), cho nên Chu Công dùng chữ "hoặc": không nhất định.
Tuy bất chính, bất trung như nó có chất cương kiện (hào dương trong quẻ Càn) nên cũng như hào 3 là bậc quân tử , biết giữ tư cách, biết tùy thời, và rốt cuộc không có lỗi.
Hào này chỉ khác hào 3 ở chỗ nó có thể tiến được, còn hào 3 chưa thể tiến được.
Văn ngôn không giảng gì khác, chỉ khuyên người quân tử tiến đức tu nghiệp, chuẩn bị cho kịp thời để có lúc ra giúp đời.
5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):
Lời kinh: 九 五: 飛 龍 在 天 , 利 見 大 人.
Dịch âm: Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân.
Dịch nghĩa: Rồng bay trên trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi.
Giảng nghĩa: Hào 5 là dương ở vị (ngôi) dương cao nhất trong quẻ lại đắc trung (ở giữa ngọai quái), như vậy là có đủ những điều tốt,vừa cao quí vừa chính trung. Nó lại được hào 2 ở dưới ứng với nó, mà hào 2 cũng cương kiện, đắc trung như nó. Nó là hào tốt nhất trong quẻ , cho nên ví nó với con rồng bay trên trời, và ngôi của nó là ngôi chí tôn (ngôi vua).
Chữ đại nhân (người có tài đức) trỏ cả hào 5 lẫn hào 2: hai đại nhân ở hai hào đó nên gặp nhau, hợp lực với nhau thì có lợi.
Văn ngôn giảng thêm rất rõ và hay về bốn chữ lợi kiến đại nhân: "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô; mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật đều trông vào (...) Mọi vật đều theo loài của nó" (Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu; thủy lưu thấp, hỏa tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ (...) các tùy kỳ loại dã).
6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):
Lời kinh: 上 九: 亢 龍 有 悔.
Dịch âm: Kháng long hữu hối.
Dịch nghĩa: Rồng lên cao quá, có hối hận.
Giảng nghĩa: Hào dương này ở trên cao của quẻ , cương kiện đến cùng rồi, như con rồng bay lên cao quá, không xuống được nữa, nếu vẫn còn hành động thì sẽ có điều đáng tiếc, vì lẻ thịnh quá thì tất suy, đầy thì không được lâu, (doanh bất khả cửu).
Văn ngôn: giảng thêm: Hào 5 địa vị rất quí (vì ở trên cao hơn hết) nhưng không có ngôi, cao mà không có dân (vì hào 5 là vua mới có dân), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên hào 6 mà họat động thì tất có điều phải ăn năn.
Tóm lại thời của hào này là thời không nên họat động gì cả, sớm rút lui đi thì còn giữ được tư cách người quân tử .
7. Dụng Cửu (Cả 6 hào đều dương):
Lời kinh: 用 九: 見 群 龍 無 首 . 吉.
Dịch âm: Kiến quần long vô thủ. Cát.
Dịch nghĩa: Thấy bầy rồng không có đầu, tốt.
Giảng nghĩa: Bầy rồng mất đầu, như nhà Ân vì đế Trụ tàn bạo mà mất cơ nghiệp nếu ta so sánh với quẻ Khôn và lời Dụng Lục.Cát ở đây là cho nhà Chu có cơ hội đoạt nghiệp vì vậy mới "thấy" bầy rồng không đầu mà cát.
2. Quẻ Thiên Vi Càn trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Càn
Trong chiêm bốc, dự trắc Càn có nghĩa là:
- Sức mạnh, cứng rắn.
- Thẳng thắn, tròn trĩnh (việc chân chính, trung chính mới tốt)
- Quân tử, trong sáng, đẹp đẽ.
- Sự chỉ huy, thống lĩnh, đứng đầu (Càn là Thiên khôi chủ người đứng đầu, nếu tai nạn thì bị thương ở đầu ...)
- Thịnh vượng, danh lợi, địa vị (xem làm ăn tốt).
- Thời vận hanh thông (đại nhân hay đại sự).
- Gãy đổ, tán phát, thọ thương, thảm bại (khi xem tiểu sự (những việc nhỏ) như mua xe máy chẳng hạn có khi còn gây tai nạn; xem những việc cạnh tranh đấu đá (chỉ gặp Bĩ mới được việc).
- Càn còn là rồng, ngựa, vàng bạc, màu đỏ, vòng tròn, cái áo, kinh đô, cái đầu, trái cây.
Triệu và điềm của quẻ Càn
Quẻ Càn có triệu Khốn Long Đắc Thủy - Thời Vận Đã Đến. Có bài thơ như sau:
Thành tâm rút thẻ, được quẻ Càn.
Quách Uy không con, nhường tước vị,
Khốn Long Đắc Thủy, thật là sang.
Tích xưa: Ngày xưa, Sài Thế Trung cùng khốn phải đẩy xe đi bán than, gieo được quẻ này. Sau quả nhiên ứng nghiệm: Quách Uy không con đã cân nhắc Thế Trung lên địa vị lớn. Đúng là ứng với quẻ "Khốn Long Đắc Thủy", thật là "thời vận đã đến".
Lời bàn quẻ: "Càn" tượng trưng "Trời", mặt đối lập với "Đất". "Quẻ Càn" là quẻ mở đầu mang ý nghĩa "Khốn Long Đắc Thủy" tức "Rồng bị cùng khốn đang được nước". Ví như đại hạn gặp mưa rào, không gì tốt bằng. "Càn" cũng có nghĩa khác là "cứng rắn, khỏe mạnh".
Cái gọi là "cứng rắn, khỏe mạnh", không quanh co, giữ thái độ công bằng chính trực. Vì thế được coi là biểu tượng của rồng bị khốn khó lấy được nước.
Rồng khốn được nước chỉ con rồng sống một thời gian dài trong vực, không được bay nhảy bỗng trời mưa to, sấm chớp ầm ầm. Nhờ có mưa mà nó có thể mặc sức bay nhảy.
Lời đoán quẻ: Quẻ Thuần Càn là quẻ Đại Cát, đặc biệt vui sướng. Người xem thấy quẻ này rất mừng, mọi việc như ý, không sợ họa hung.