QUẺ SỐ 10: THIÊN TRẠCH LÝ - PHƯỢNG MINH KỲ SƠN

1. Quẻ Thiên Trạch Lý trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Thiên Trạch Lý

Quẻ Thiên Trạch Lý

Quẻ Thiên Trạch Lý hay được gọi là Quẻ Lý, là quẻ số 10 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Cấn, Ngũ hành Thổ.

Lý có nghĩa là lễ. Quẻ này có nghĩa là sự tôn ty, lẽ phải. Trong đạo làm người lễ là gốc, là con đường con người ta xéo lên. Quẻ có trên dưới phân minh hợp lẽ âm dương, có tính âm nhu vui vẻ. Lấy sự nhu thuận, vui vẻ để ứng phó với sự cương cường. Quẻ Lý mềm xéo theo cứng. Ứng với Trời làm đẹp lòng, thế nên xéo lên đuôi cọp không cần người.

Thoán từ:

Lời kinh: 履虎尾, 不哇人, 亨.

Dịch âm: Lý hổ vĩ, bất chất nhân, hanh

Dịch nghĩa: Dẫm lên đuôi cọp, mà cọp không cắn, hanh thông.

Lý: Lễ dã. Lộ hành. Nghi lễ, có chừng mực, khuôn phép, dẫm lên, không cho đi sai, có ý chặn đường thái quá, hệ thống, pháp lý. Hổ lang đang đạo chi tượng: tượng hổ lang đón đường.
Đầu quẻ Tiểu Súc đã nói súc còn có nghĩa là chứa, nhóm (như súc tích)
Tự quái truyện dùng nghĩa đó mà giảng: khi đã nhóm họp nhau thì phải có trật tự, có trên có dưới, không thể hỗn tạp được, nghĩa là phải có lễ. Sống trong xã hội phải theo lễ, dẫm lên cái lễ, không chệch ra ngoài (chúng ta thường nói dẫm lên dấu chân của một người để diễn cái ý theo đúng đường lối người ấy); mà dẫm lên, chữ Hán gọi là ☲, do đó sau quẻ Tiểu súc, tới quẻ Lí. Cách giải thích đó có phần nào gượng ép.

Tượng quẻ:

Thiên thượng hạ trạch (Trên trời dưới đầm)

Quẻ Lý có Càn dương cương ở trên, Đoài âm nhu ở dưới. Điều này hợp với lẽ thường của quy luật vũ trụ. Quẻ này toàn hào dương, trừ một hào âm làm chủ quẻ.

Trên là dương cương, là Càn, là trời: dưới là âm nhu, là Đoài, là chằm, vậy là trên dưới phân minh lại hợp lẽ âm dương tức là lễ, là lý. Có tính âm nhu, vui vẻ đi theo sau dương cương thì dù người đi trước mình dữ như cọp, cũng tỏ ra hiền từ với mình, cho nên bảo rằng dẫm lên đuôi cọp mà cọp không cắn. Ba chữ "lý hổ vĩ" chính nghĩa là dẫm lên đuôi cọp, chỉ nên hiểu là đi theo sau cọp, lấy sự nhu thuận, vui vẻ mà ứng phó với sự cương cường.
Thoán truyện bàn thêm: Hào 5 quẻ này là dương mà trung, chính, xứng với ngôi chí tôn, chẳng có tệ bệnh gì cả mà lại được quang minh.
Đại tượng truyện: bảo trên dưới phân minh (có tài đức ở trên, kém tài đức ở dưới) như vậy lòng dân mới không hoang mang (định dân chí) không có sự tranh giành.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 素 履, 往 , 无 咎.

Dịch âm: Tố lý, vãng, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Giữ bản chất trong trắng mà ra với đời thì không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào 1 này như người mới ra đời, còn giữ được bản chất trong trắng (ý nghĩa của chữ tố) chưa nhiễm thói đời, vì là hào dương, quân tử, có chí nguyện, cứ giữ chí nguyện mình thì không có lỗi.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 履 道 坦 坦 , 幽 人 貞 吉.

Dịch âm: Lý đạo thản thản, u nhân trinh cát.

Dịch nghĩa: Như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào 2, dương : như đi trên đường bằng phẳng, cứ một mình giữ vững đường chính thì tốt.
Giảng: Hào dương này đắc trung, vẫn là hiền nhân, quân tử, bình thản giữ đạo trung không để cho lòng rối loạn thì tốt.
Tuy có hào 5 ở trên ứng với , nhưng 5 cũng là dương, không hợp, (phải một dương một âm mới tìm nhau, hợp nhau, viện nhau) cho nên bảo hào này là cô độc.
Chúng ta để ý: quẻ Càn, hào 2 và hào 5 cũng đều là dương cả, mà Hào từ bảo 2 và 5 nên tìm nhau mà làm việc; còn quẻ Lý này thì không , như vậy là phải tùy theo ý nghĩa của quẻ (tùy thời) mà giảng.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 眇, 能 視 ; 跛, 能 履 . 履 虎 尾 , 咥 人, 凶 . 武 人 為 于 大 君.

Dịch âm: Miễu, năng thị; bả, năng lý. Lý hổ vĩ, diệt nhân, hung. Võ nhân vi vu đại quân.

Dịch nghĩa: Chột (mà tự phụ là) thấy tỏ, thọt (mà tự phụ là) đi nhanh, như vậy thì nguy như dẫm lên đuôi cọp mà bị nó cắn. Đó là kẻ vũ phu mà đòi làm việc của một ông vua lớn.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu mà ở ngôi dương cương, bất chính, bất trung, trên dưới đều là hào dương cả, không lượng tài mình kém (âm) mà đua đòi theo các hào dương, không khác người thọt tự khoe là đi nhanh; đó là hạng võ phu mà đòi làm một ông vua lớn, sẽ gặp họa, như dẫm lên đuôi cọp, bị cọp cắn.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 履 虎 尾 . 愬 愬 終 吉.

Dịch âm: Lí hổ vĩ, sách sách (hoặc sóc sóc) chung cát.

Dịch nghĩa: Dẫm lên đuôi cọp, nhưng biết sợ hãi, nên quẻ sẽ tốt.

Giảng nghĩa: Hào này, dương mà ở vị âm, cũng bất trung, bất chính như hào 3, cũng ở sau một hào dương cương, cũng như dẫm lên đuôi cọp, nhưng hào 3 hung, hào 4 cát, chỉ do lẽ: 3 bản chất nhu, tài kém, u mê mà ở vị dương, chí hăng; còn 4 bản chất cương, có tài, sáng suốt mà ở vị âm, biết sợ hãi, thận trọng.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 夬 履 貞 厲.

Dịch âm: Quyết lý, trinh lệ.

Dịch nghĩa: Quyết tâm hành động quá thì tuy chính đáng cũng có thể nguy.

Giảng nghĩa: Hào 5 đắc chính, đắc trung ,rất tốt, nhưng ở địa vị chí tôn trong quẻ Lý (nói về cách ở đời) thì e có lòng cương quyết quá mà tự thị, ỷ thế, mà hóa nguy.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 視 履, 考 祥 . 其 旋, 元 吉.

Dịch âm: Thị lý, khảo tường, kỳ toàn, nguyên cát.

Dịch nghĩa: Nhìn kỹ bước đi, xét điềm lành .Hoàn hảo, tốt lớn.

Giảng nghĩa: Xem cách ăn ở trong đời người, cho nên Hào từ diễn ý nghĩa của toàn quẻ chứ không diễn ý nghĩa của riêng hào cuối. Cũng là một lệ ngoại như hào cuối cùng quẻ Tiểu súc.

2. Quẻ Thiên Trạch Lý trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Lý

Trong chiêm bốc, dự trắc có nghĩa là:

  • Là lễ, lễ lạt, lễ nghĩa, lễ vật, thờ cúng, cúng lễ (là tiểu lễ. Đại lễ là quẻ Tuỵ: dụng đại sinh cát).
  • Pháp, pháp lý, pháp luật (đưa vào lề lối). Phải đúng quy trình, trình tự, đúng pháp luật mới tốt).
  • Là thiên lý, đi xa.
  • Tôn ti, trật tự.
  • Bao bọc, che chở, chìm khuất (cương bị chìm trong nhu, Càn cứng bị chìm trong đầm, âm của quẻ Đoài mở ra để đón nhận, như đá ném ao bèo)

Triệu và điềm của quẻ Lý

Quẻ Lý có triệu Phượng Minh Kỳ Sơn - Quốc gia cát tường. Có bài thơ như sau:

Phượng kêu núi Kỳ báo cát xương,
Văn Vương xuất hiện, lập cơ đồ.
Người đi xa vắng, có tin về,
Kinh doanh góp vốn, đều được lợi.

Tích xưa: Ngày xưa, Hỷ Tịnh khi lên ngôi, mơ thấy Mặt Trời, tỉnh dậy gieo được quẻ này. Quả nhiên, Hỷ Tịnh đến Bắc Lương, quốc thái dân an. Đúng là ứng với quẻ "Phượng minh Kỳ Sơn", thật là "quốc gia cát tường".

Lời bàn quẻ: Vua cuối cùng Thương là Đế Tân, hiệu Trụ bỏ bê chính sự, say mê Đát Kỉ , chơi bời trác táng, dẫn tới quốc gia bị diệt vong. Hiền thần nhà Thương là Chu Văn Vương, một bậc hiền minh dùng lễ đối đãi kẻ sỹ, cho nên thiên hạ theo về nhà Chu. Sự ra đời của một thời đại mới bao giờ cũng có điềm báo.

Lời đoán quẻ: Xuất hành có ích, cầu tài được lợi, bệnh tật tiêu tan, mưu sự tất thành.

Dụng thần quẻ Lý

Quẻ Lý thiếu Thê Tài, so với quẻ thuần Cấn, Thê Tài ở ngũ hào là Bính Tý Thủy, vậy đây là Phục Thần của Lý, và Phi Thần là Nhâm Thần Tử Tôn Kim. Kim Sinh Thủy, do vậy ở đây Phi sinh Phục. Theo quy luật của vòng trường sinh thì Thủy trường sinh tại Thân, đúng vào vị tri của Phi Thần Lý, trong Dịch Lý, đây gọi là "Phi lai sinh Phục" đắc trường sinh, nghĩa là Phục Thần xuất hiện kịp thời, đầy đủ.