QUẺ SỐ 6: THIÊN THỦY TỤNG - NHỊ NHÂN TRANH LỘ

1. Quẻ Thiên Thủy Tụng trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Thiên Thủy Tụng

Quẻ Thiên Thủy Tụng

Quẻ Thiên Thủy Tụng hay được gọi là Quẻ Tụng, là quẻ số 6 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☵ Khảm (坎) - Thủy (水) tức Nước - Ngũ hành Thủy.

Thuộc nhóm tượng quái Ly (Quẻ Du Hồn), Ngũ hành Hỏa.

Quẻ Tụng có nghĩa là tranh kiện. Nếu như quẻ Nhu là có hiểm nguy ở đằng trước, bậc quân tử đối phó sẽ thắng được thì ở quẻ Tụng nguy hiểm lại ở sau lưng và phe dưới xông lên đe dọa cầm quyền. Quẻ chính là người trên dùng sự cứng để chê kẻ ở dưới, còn kẻ dưới thì dùng sự hiểm để nhòm người trên. Lấy tư cách Dương cương cưỡi lên chỗ hiểm để chiêm quẻ, đại nghiệp ắt có sự tranh biện, lành hay dữ tùy thuộc vào chỗ của họ.

Thoán từ:

Lời kinh: 訟, 有孚窒惕, 中吉, 終凶, 利見大人, 不利涉大川.

Dịch âm: Tụng, hữu phu chất dịch, trung cát, chung hung, lợi kiến đại nhân, bất lợi thiệp đại xuyên.

Dịch nghĩa: Kiện cáo vì mình tin thực mà bị oan ức (trất), sinh ra lo sợ (dịch). Nếu giỡ đạo trung (biện bạch được rồi thì thôi) thì tốt lành,nếu kiện cho đến cùng thì xấu. Tìm được bậc đại nhân (công minh) mà nghe theo thì chỉ có lợi, nếu không thì như lội qua sông lớn (nguy), không có lợi.

Tụng: Luận dã. Bất hòa. Bàn cãi, kiện tụng, bàn tính, cãi vã, tranh luận, bàn luận. Đại tiểu bất hòa chi tượng: lớn nhỏ không hòa.
Tự quái truyện đã cho Nhu là ăn uống, cho nên giảng rằng vì (vấn đề) ăn uống mà người ta sinh ra tranh nhau, rồi kiện nhau, cho nên sau quẻ Nhu là quẻ Tụng (có nghĩa là kiện cáo)

Tượng quẻ:

Thiên dữ thuỷ vi hành (Trời đất nghịch chuyển)

Quẻ Tụng Càn trên Khảm dưới là sức mạnh của giai cấp trên, có quyền, có thế, có sức mạnh và đè nén giai cấp dưới. Dẫn tới đấu tranh bằng cách tù đầy, biểu tình, tù đầy giai cấp thống trị nên gọi là Tụng.

Theo tượng quẻ này có thể giảng: người trên ( quẻ Càn) là dương cương, áp chế người dưới,mà người dưới ( quẻ Khảm) thì âm hiểm, tất sinh ra kiện cáo, hoặc cho cả trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là Khảm), mà ngoài thì cương cường (ngoại quái là Càn), tất sinh sự gây ra kiện cáo.
Thoán từ của Chu Công không hiểu hai cách đó mà cho quẻ này là trường hợp một người có lòng tin thực (hữu phu) mà bị oan ức, vu hãm, không có người xét rõ cho, cho nên lo sợ, phải đi kiện. Nếu người đó giữ đạo trung như hào 2 (đắc trung), nghĩa là minh oan được rồi thì thôi, thì sẽ tốt, nếu cứ đeo đuổi cho tới cùng, quyết thắng, không chịu thôi, thì sẽ xấu.
Quẻ khuyên người đó nên đi tìm bậc đại nhân công minh (tức hào 5 - ứng với hào 2, vừa trung ,chính, vừa ở ngôi cao), mà nghe lời người đó thì có lợi; nếu không thì là tự mình tìm sự nguy hại, như lội qua sông lớn.
Đại tượng truyện đưa ra một cách giảng khác nữa: Càn (trời) có xu hướng đi lên; Khảm (nước) có xu hướng chảy xuống thấp, như vậy là trái ngược nhau, cũng như hai nơi bất đồng đạo, tranh nhau mà sinh ra kiện cáo. Và Đại tượng truyện khuyên người quân tử làm việc gì cũng nên cẩn thận từ lúc đầu để tránh kiện cáo.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 不 永 所 事 , 小 有 言 , 終 吉.

Dịch âm: Bất vinh sở sự, tiểu hữu ngôn, chung cát.

Dịch nghĩa: Đừng kéo dài (vụ kiện) làm gì, tuy bị trách một chút, nhưng sau được tốt.

Giảng nghĩa: Hào 1, âm nhu ở dưới, được hào 4 cương kiện ở trên ứng viện, tức là có chỗ dựa; nhưng đừng nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; có bị trách một chút thì cũng thôi, kết quả được biện minh, thế là tốt.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 不 克 訟 , 歸 而 逋. 其 邑 人 三 百 戶, 无 眚.

Dịch âm: Bất khắc tụng, qui nhi bô. Kì ấp nhân tam bách hộ, vô sảnh.

Dịch nghĩa: Không nên kiện, lui về mà tránh đi, ấp mình chỉ có ba trăm nóc nhà thôi (ý nói địa vị mình thấp, thế mình nhỏ), như vậy thì không bị họa.

Giảng nghĩa: Trong phần I, chương IV, chúng tôi đã nói: các hào ứng với nhau (1 với 4, 2 với 5, 3 với 6) phải một dương một âm thì mới có "tình" với nhau, mới đứng vào một phe, viện trợ nhau, tức trường hợp hào 1 và hào 4 quẻ này; nếu cả hai cùng là dương hay là âm thì tuy ứng nhau đấy, nhưng có thể kị nhau, cũng như hào 2 và hào 5 quẻ này. Hai hào này đều là dương cả, cho nên coi là địch nhau, đứng vào hai phe ở trong quẻ tụng (kiện cáo).
Hào 2 ở dưới, trung chứ không chính, ở giữa nội quái là Khảm (hiểm) lại bị hai hào âm 1 và 3 vậy, nên thế yếu, muốn kiện hào 5 (vì 2 có tính dương cương) nhưng thế không địch nổi, vì 5 trung , chính lại ở ngôi cao. Dưới kiện trên khác gì trứng chọi đá, không nên, thà rút lui về, tránh đi còn hơn, như vậy không bị tội lỗi.
Tiểu tượng truyện còn dặn thêm: nếu dưới mà kiện trên, tai họa tới là tự mình vơ lấy đấy: hoạn chí xuyết (cũng đọc là chuyết, là đoát) dã:
Phan Bội Châu giảng hào này, dẫn việc Nguyễn Hoàng muốn kình với Trịnh Kiểm (sự thực Trịnh Kiểm muốn hại Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hoàng sợ), cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đáp: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", có ý khuyên nên trốn tránh vào Nam cho thoát nạn; đó là ý nghĩa ba chữ "qui nhi bô" trong hào này.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 食 舊 德, 貞 厲, 終 吉 . 或 從 王 事 , 无 成.

Dịch âm: Thực cựu đức, trinh lệ, Chung cát; hoặc tòng vương sự, vô thành.

Dịch nghĩa: Cứ (yên ổn) hưởng cái đức (ân trạch) cũ của mình (Chu Hi hiểu là giữ cái nếp cũ), ăn ở cho chính đáng mà thường để lòng lo sợ thì kết quả sẽ tốt; nếu phải đi theo làm với người trên (chữ vương ở đây trở người trên, không nhất định là vua), thì cũng đừng mong thành công.

Giảng nghĩa: Hào 3 đã âm nhu lại bất chính (vì hào âm mà ở ngôi dương, ở chông chênh trên cùng quẻ Khảm (hiểm), chung quanh đều là kẻ thích gây sự, kiện cáo (vì hào 2 và 4 đều là dương), cho nên 3 thường phải lo sợ (lệ), nếu hiểu vậy mà biết giữ gìn thì rốt cuộc sẽ yên ổn.
Hào 3 có hào 5 ở trên ứng và có "tình" với mình, 6 là dương cương lại là bề trên (ngôi cao), nên có khi lôi kéo 3 theo nó; trong trường hợp đó, 3 nên an phận thủ thường, cứ phục tùng 6, đừng mong thành công (chẳng hạn 6 muốn đứng ra kiện, kéo 3 theo thì 3 chỉ nên giúp 6 lấy lệ thôi, đừng ham lập công).

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 不克 訟 , 復 即 命, 渝 , 安 貞 吉.

Dịch âm: Bất khắc tụng, phục tức mệnh, du, an trinh cát.

Dịch nghĩa: Không thể kiện cáo được, trở lại theo thiên mệnh (lẽ chính đáng), đổi ý đi, ở yên theo điều chính thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương mà bất trung, bất chính, "tượng" một người ham kiện cáo. Nhưng không thể kiện ai được: kiện 5 thì 5 ở trên mình, ngôi tôn, không dám kiện; kiện 3 thì 3 nhu thuận, chịu thua trứơc rồi; kiện 2 thì 2 vừa cương, chính , trung, sáng suốt, đã tiên liệu rồi, không chịu kiện; còn 1 thì đã về phe với 4. Đành phải bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên, giữ điều chính, như vậy thì tốt.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 訟, 元 吉.

Dịch âm: Tụng, nguyên cát.

Dịch nghĩa: Xử kiện hay đi kiện, đều rất tốt.

Giảng nghĩa: Hào 5 này ở ngôi chí tôn, cương mà minh, trung và chính. Nếu là người xử kiện thì là bậc có đức, có tài (như Bao Công); nếu là người đi kiện thì gặp đựơc quan tòa có đức, có tài. Không gì tốt bằng.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 或 錫 之 鞶 帶 , 終 朝, 三 褫 之.

Dịch âm: Hoặc tích chi bàn đái, chung triêu, tam sỉ chi.

Dịch nghĩa: (kiện ) may mà được cái đai lớn (của quan chức) thì trong một buổi sáng sẽ bị cướp ba lần.

Giảng nghĩa: Hào dương này ở trên cùng quẻ Tụng là kẻ rất thích kiện, kiện tới cùng. Nó ở ngôi 6 là bất chính, cho nên dù có may ra được kiện, thì chẳng bao lâu cũng sẽ mất hết, rốt cuộc vẫn không lợi.

2. Quẻ Thiên Thủy Tụng trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Tụng

Trong chiêm bốc, dự trắc Tụng có nghĩa là:

  • Mâu thuẫn, kiện cáo, tranh tụng. (Chủ yếu là giữa công dân với nhau).
  • Là sự bế tắc. (Xem công việc đa phần ứng với nghĩa này. Ngoài Càn rắn, trong Khảm mềm nên khó thành công)
  • Sự sợ hãi, kiêng dè, e ngại nhau (không nên căng quá, nên nhẹ nhàng giải quyết, thoả hiệp, Tụng đang ở thế yếu nên dè dặt). "Bất lợi thiệp đại xuyên" (Không lợi cho việc vượt sông lớn) không nên tiến hành công việc đến cùng nên hoà giải giữa chừng.
  • Sự chinh phạt, đem quân đi chinh phạt (lợi cho người động trước, lợi khách không lợi chủ).
  • Tụng là người có công nhưng không nên nhận hưởng (Hãy để cho cấp trên hưởng, mình thực làm nhưng không nên thực hưởng, cứ im lặng rồi sau đó mọi người sẽ hiểu, tích Phạm Lãi sau khi thành công thì lui về ở ẩn).

Triệu và điềm của quẻ Tụng

Quẻ Tụng có triệu Nhị Nhân Tranh Lộ - Việc làm không thuận. Có bài thơ như sau:

Hai kẻ tranh đường, chẳng chịu lui,
Việc làm không thuận, phí cả công.
Giao dịch xuất hành, đều ngăn trở,
Kinh doanh góp vốn, chẳng ra gì.

Tích xưa: Ngày xưa, con của Úy Trì Kính Đức là Bảo Lâm trước khi đến Tần Phủ nhận ấn tín, đã từng gieo phải quẻ này. Quả nhiên trên đường trở về phủ, Tần Hoài Vương đuổi theo, đánh nhau một trận. Đúng là ứng với quẻ "Nhị nhân tranh lộ", thật là "việc làm không thuận".

Lời bàn quẻ: Tranh đường là hành động của động vật, tranh cãi là việc nên tránh. Kiện tụng để phân đúng sai. Theo kiện là việc hung. Thắng kiện là mầm tai họa. Vì vậy, người khôn ngoan vạn bất đắc dĩ mới kiện tụng, chi bằng làm cho kẻ đối địch tâm phục khẩu phục. Ở đời không ai lại tranh khôn với "động vật", không ai nhờ người khác xử cho mình thắng kiện "động vật".

Lời đoán quẻ: Tình thế không hay, chớ tranh việc không đâu, mọi việc khó thành, cầu tài phí sức.

Dụng thần quẻ Tụng

Quẻ Tụng thiếu một thân là Quan Quỷ Kỷ Hợi Thủy. Đây là Phục Thần của Tụng, Phi Thần là Huynh Đệ Ngọ hào tam. Ngọ Hỏa, nên Phục Thần khắc Phi Thần Thủy, đây là trường hợp "xuất bao" như dã nói ở trên.