QUẺ SỐ 13: THIÊN HỎA ĐỒNG NHÂN - TIÊN NHÂN CHỈ LỘ

1. Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân

Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân

Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân hay được gọi là Quẻ Đồng Nhân, là quẻ số 13 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☲ Ly (離) - Hỏa (火) tức Hỏa - Ngũ hành Hỏa.

Thuộc nhóm tượng quái Ly (Quẻ Quy Hồn), Ngũ hành Hỏa.

Quẻ Đồng Nhân có năm hào dương và một hào âm. Hào âm này làm quẻ chủ. Hào Lục Nhị thuộc nội quái Ly (sáng sủa). Quẻ là văn minh, là trí tuệ, là soi sáng xã hội nên làm việc gì cũng dễ thành công. Đồng Nhân còn là quẻ đoàn kết, không vị kỷ, đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân nên mở rộng khối đoàn kết được rộng khắp và vững chắc hơn.

Thoán từ:

Lời kinh: 同人于野, 亨, 利涉大川, 利君子貞.

Dịch âm: Đồng nhân vu dã, hanh, lợi thiệp đại xuyên; lợi quân tử trinh.

Dịch nghĩa: Cùng với người ở cánh đồng (mênh mông) thì hanh thông. (gian hiểm như) Lội qua sông lớn, cũng lợi. Quẻ này lợi cho người quân tử trung chính.

Đồng Nhân: Thân dã. Thân thiện. Trên dưới cùng lòng, cùng người ưa thích, cùng một bọn người. Hiệp lực đồng tâm chi tượng: tượng cùng người hiệp lực.
Kiến giải của người Việt: Con người đạt đến mức độ giao hội cùng vũ trụ, đồng nhân cao nhất, mức độ hoà đồng siêu việt.
Không thể bế tắc, cách tuyệt nhau mãi được, tất phải có lúc giao thông hòa hợp với nhau; cho nên sau quẻ Bĩ tới quẻ Đồng Nhân.
Đồng nhân là cùng chung với người, đồng tâm với người.

Tượng quẻ:

Thiên dữ hoả (Trời cùng hoả tương giao)

Trên là Càn, dưới là Ly. Ngoại quá là dũng dược, nội quái là sáng sủa, có nghĩa là lửa chiếu ánh sáng tới tận trời cao, có khả năng soi sáng khắp thế gian. Dù xa đến đâu thì hết thảy đều được Hanh.

Ly ở dưới là lửa, sáng, văn mình, Càn ở trên là Trời. Quẻ này có tượng lửa bốc lên cao tới trời, cũng soi khắp thế giới (cánh đồng mênh mông có nghĩa đó). Cho nên tốt. dù có hiểm trở gì, cũng vượt được (Phan Bội Châu bảo đó "chính là cảnh tương đại đồng rất vui vẻ") Muốn vậy phải có được trung chính của người quân tử .
Thoán truyện cùng hào 2 ở nội quái ly, hào âm độc nhất, quan trọng nhất trong 6 hào mà giảng thêm:
Hào đó âm nhu đắc vị (tức là chính) đắc trung, lại ứng hợp với hào 5 dương cương cũng đắc vị đắc trung trong ngọai quái Càn, thế là có hiện tượng nội ngọai tương đồng, nên gọi là đồng nhân. Văn minh (Ly) ở phía trong, cương kiện (Càn) tức dụng ở ngoài, mà được cả trung lẫn chính, ứng hợp với nhau, đó là tượng người quân tử thông suốt được tâm tri của thiên hạ.
Đại tượng truyện bàn thêm: Người ta muốn thực hiện được cảnh tượng mọi vật cùng sống chung với nhau thì phải phân biệt từng loại của các chủng tộc, xét kỹ mỗi sự vật (quân tử dĩ loại tộc, biện vật); hễ cùng loại thì đặt chung với nhau và cho mỗi vật được phát triển sở năng, thỏa được sở nguyện, có vậy thì tuy bất đồng mà hòa đồng được.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 同人于門, 无咎.

Dịch âm: Đồng nhân vu môn, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Ra khỏi cửa để cùng chung với người thì không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào dương này, như người quân tử mới bắt đầu ra đời, đã muốn "đồng" (cùng chung) với người khác thì có lỗi, có gì đáng trách đâu?

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 同人于宗, 吝.

Dịch âm: Đồng nhân vu tôn, lận.

Dịch nghĩa: (chỉ) chung hợp với người trong họ, trong đảng phái, xấu hổ.

Giảng nghĩa: Hào này tuy đắc trung đắc chính, nhưng ở vào thời Đồng nhân, nên cùng chung với mọi người mà lại chỉ ứng hợp riêng với hào 5 ở trên, như chỉ cùng chung với người trong họ, trong đảng phái của mình thôi, thế là hẹp hòi, đáng xấu hổ.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 伏戎于莽, 升其高陵, 三歲不興.

Dịch âm: Phục nhung vu mãng, Thăng kì cao lăng, tam tuế bất hưng.

Dịch nghĩa: Núp quân ở rừng rậm (mà thập thò) lên gò cao, ba năm chẳng hưng vượng được.

Giảng nghĩa: Hào này muốn hợp với hào 2 (âm) ở dưới, nhưng nó quá cương (dương ở dương vị), lại bất đắc trung, như một kẻ cường bạo; mà 2 đã ứng hợp với 5 ở trên, 3 sợ 5 mạnh nên không dám công kích 2, chỉ núp trong rừng, rình trộm, rồi thập thò lên đồi cao mà ngó (3 ở trên cùng nội quái, nên nói vậy); như vậy ba năm cũng không tiến (hưng lên) được.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 乘其墉, 弗, 克攻, 吉.

Dịch âm: Thừa kỳ dung, phất, khắc công, cát.

Dịch nghĩa: Cưỡi lên tường đất rồi mà không dám đánh thế là tốt.

Giảng nghĩa: Hào này cũng là dương cương, bất trung, bất chính, cũng muốn hợp với 2, lăng áp 3 mà cướp 2 (hào 3 ở giữa 2 và 4 cũng như bức tường ngăn cách 2 và 4, 4 ở trên 3 như đã cưỡi lên bức tường đó); nhưng tuy cương mà ở vị âm, còn có chút nhu, nên nghĩ lại, không thể lấn áp 3 được, như vậy không nên, cho nên Hào từ bảo "thế thì tốt" .
Tiểu tượng truyện khen là biết phản tắc (反則) tức biết trở lại phép tắc.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 同人, 先號咷而. 後笑, 大師克相遇.

Dịch âm: Đồng nhân, tiên hào đào nhi Hậu tiếu, đại sư khắc tương ngộ.

Dịch nghĩa: Cùng với người, trước thì kêu rêu, sau thì cười, phải dùng đại quân đánh rồi mới gặp nhau.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương trung chính, ứng hợp với hào 2, thật là đồng tâm đồng đức, tốt. Nhưng giữa 5 và 2, còn có hai hào 3 và 4 ngăn cản, dèm pha, phá rối, nên mới đầu phải kêu rêu, phải dùng đại quân dẹp 3 và 4 rồi 2 và 5 mới gặp nhau mà vui cười. Công việc hòa đồng nào mới đầu cũng bị nhiều kẻ ngăn cản như vậy, không dễ dàng thực hiện ngay được, dù là hợp với công lý, với hạnh phúc số đông.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 同人于郊, 无悔.

Dịch âm: Đồng nhân vu giao, vô hối.

Dịch nghĩa: Cùng với người ở cánh đồng ngoài đô thành, không hối hận.

Giảng nghĩa: "Giao" là cánh đồng ngòai đô thành, không rộng bằng "dã" (đồng nội nơi nhà quê). Hào này tuy ở cuối quẻ Đồng nhân, không có hào nào ứng hợp với nó, cho nên chí chưa được thì hành như mình muốn, mới chỉ như cùng với người ở cánh đồng ngoài đô thành thôi, chưa ở giữa quãng đồng nội được.

2. Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Đồng Nhân

Trong chiêm bốc, dự trắc Đồng Nhân có nghĩa là:

  • Cùng người, hoà đồng với mọi người, đồng tâm, đồng ý, thống nhất ý chí.
  • Tượng của sự vắng mặt (do vừa đi khỏi), nếu chết là vừa mới chết.
  • Người nghèo, sự đạm bạc (Càn tròn là lạc rang, là cá chép. Ly là ly rượu, rượu. Cảnh nghèo. Càn rách một miếng thành ra quẻ Ly: là Đồng nhân).
  • Tượng của người quân tử. (Đồng nhân là cùng người, nhưng giữa đồng và cùng cũng có sự khác nhau. Người quân tử lấy cái chung mà hợp nên là đồng. Kẻ tiểu nhân thì chỉ chuyên dùng ý riêng, người họ yêu thì trái họ cũng chung, người họ ghét thì dù phải họ cũng bài xích cho nên sự chung của họ là cùng là hùa đảng vậy).

Triệu và điềm của quẻ Đồng Nhân

Quẻ Đồng Nhân có triệu Tiên Nhân Chỉ Lộ - Đi đâu cũng lợi. Có bài thơ như sau:

Tiên nhân chỉ lộ, đại hanh thông,
Đường dài vạn dặm, chẳng lạc đường.
Giao dịch cầu tài, đều thuận lợi,
Hôn nhân, góp vốn tất thành công.

Tích xưa: Ngày xưa ở Thanh U Quan, Triệu Khuông Dẫn gieo được quẻ này. Khi đi đường sạn đạo bắc trên núi 800 dặm, ông may mắn gặp được cô gái bản địa dẫn đường, nếu không sẽ không thể đi được. Đúng là ứng với quẻ "Tiên nhân chỉ lộ", thật là "đi đâu cũng lợi".

Lời bàn quẻ: Con người không có kinh nghiệm, không có đạo đức thường u mê trước các sự việc phức tạp, khó khăn. Nếu không có các cố vấn, chuyên gia am hiểu, dễ dẫn đến sai lầm làm hỏng, làm sai. Những việc liên quan đến kĩ thuật, máy móc không phức tạp bằng những việc liên quan đến con người, vì thế nếu không có tiên nhân (nhà thông thái) chỉ bảo, chỉ thất bại mà thôi.

Lời đoán quẻ: Hôn nhân tất thành, người đi trở về, của mất tìm thấy, làm việc không sai.

Dụng thần quẻ Đồng Nhân

Quẻ Đồng Nhân là quẻ Quy Hồn. Trong quẻ có đủ Lục Thân, nên không có Phục Thần và Phi Thần.