QUẺ SỐ 12: THIÊN ĐỊA BĨ - HỔ LẠC HÃM KHANH

1. Quẻ Thiên Địa Bĩ trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Thiên Địa Bĩ

Quẻ Thiên Địa Bĩ

Quẻ Thiên Địa Bĩ hay được gọi là Quẻ Bĩ, là quẻ số 12 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Nội quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Càn, Ngũ hành Kim.

Bĩ là bế tắc nhưng khi Bĩ giai đoạn đầu còn thịnh thì nên giữ bế tắc, không chen lấn về sau khi Bĩ suy sẽ hạn chế được bế tắc.
Quẻ Bĩ là quẻ mang điềm xấu, tuy vậy không nên bi quan, bởi những điều xấu đang chuẩn bị chấm dứt. Nên tùy vào thời điểm mà thay đổi cách hành động sao cho phù hợp, tránh việc đời, kiên trì với chính đạo, sống bao dung, khiêm nhường và hăng hái làm việc cho đời.

Thoán từ:

Lời kinh: 否之匪人, 不利君子貞, 大往小來.

Dịch âm: Bĩ chi phỉ nhân. Bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.

Dịch nghĩa: Bĩ không phải đạo người (phi nhân nghĩa như phi nhân đạo), vì nó không lợi cho đạo chính của quân tử (Tượng của nó là) cái lớn (dương ) đi mà cái nhỏ (âm) lại.

Bĩ: Tắc dã. Gián cách. Bế tắc, không thông, không tương cảm nhau, xui xẻo, dèm pha, chê bai lẫn nhau, mạnh ai nấy theo ý riêng. Thượng hạ tiếm loạn chi tượng: trên dưới lôi thôi.
Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết thông thì tới bế tắc, cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bĩ.
Thoán tử.

Tượng quẻ:

Thiên địa bất giao (Mặt trời đi trên đất)

Tượng quẻ của quẻ Bĩ có tượng quẻ ngược lại với quẻ Thái. Ngoại quái Càn trên, nội quái Khôn dưới. Tượng trưng cho khí Dương đang đi lên, khí Âm đang đi xuống, vạn vật bị ngưng trệ, không gian không thể giao hòa.

Bĩ trái với Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên.
Đại tượng truyện – Khuyên: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ở ẩn.
Gặp thời Truân, thời khó khăn, gian truân, người quân tử nên tập hợp nhau lại mà hành động; còn thời đã bĩ, đã bế tắc cùng cực rồi thì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 拔茅茹, 以其彙, 貞吉亨.

Dịch âm: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, trinh cát hanh.

Dịch nghĩa: Nhổ rễ cỏ mao mà được cả đám, hễ chính thì tốt mà hanh thông.

Giảng nghĩa: Hào này rất giống hào 1 quẻ Thái: cũng "bạt mao dĩ kỳ vị" vì quẻ Thái hào 1 cặp với hai hào trên, quẻ này cũng vậy, cũng có đồng chí, làm việc dễ có kết quả; chỉ khác quẻ thái hào 1 là dương, quân tử, quẻ này hào 1 là âm, tiểu nhân; cho nên quẻ Thái khuyên cứ tiến lên (chính) sẽ tốt; còn quẻ này thì khuyên phải "trinh" chính đáng (trinh – khác nhau ở hai chữ chính [正] và trinh [貞] thì sẽ tốt và hanh thông.
Hào 1 quẻ Bĩ là tiểu nhân nhưng mới bước đầu, cái ác chưa hiện rõ, lại ứng hợp với hào 4 ở trên là quân tử, cho nên còn có hy vọng cải hóa được. Ðại tượng truyện bảo: nếu để tâm giúp nước (chí tại quân – quân là vua, là quốc gia) như hào 4 thì sẽ tốt. Như vậy là có ý khuyên tiểu nhân nên đứng vào phe quân tử .

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 包承, 小人吉;大人否, 亨.

Dịch âm: Bào thừa, tiểu nhân cát; đại nhân bĩ, hanh.

Dịch nghĩa: Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông.

Giảng nghĩa: Hào này tuy là tiểu nhân, nhưng đắc trung đắc chính, chung quanh là tiểu nhân cả, mà ứng hợp với hào 5 quân tử ở trên, cho nên hào từ khuyên nó nên vâng thuận quân tử thì tốt. Còn kẻ đại nhân được bọn tiểu nhân vâng thuận – vì chúng muốn mua danh – thì cũng đừng theo chúng, cứ giữ khí tiết của mình trong thời khốn cùng, như vậy sẽ hanh thông.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 包羞.

Dịch âm: Bao tu.

Dịch nghĩa: Chứa chất sự gian tà, xấu hổ.

Giảng nghĩa: Hào này, không trung, không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng nội quái khôn), cho nên rất xấu, đáng ghét.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 有命, 无咎.疇離祉.

Dịch âm: Hữu mệnh, vô Cửu. Trù li chỉ.

Dịch nghĩa: Có mệnh trời (tức như thời vận đã tới) thì không lỗi mà bạn của mình cũng nhờ cậy mình mà được hưởng phúc.

Giảng nghĩa: Hào này ở quá nửa quẻ Bĩ, có mòi sắp hết bĩ rồi, cho nên nói là thời vận đã tới; nó là dương ở trong ngọai quái Càn, chính là người quân tử thực hiện được chí của mình. Bạn của nó, tức hai hào 5, 6 cùng là dương cả - cũng sẽ được hưởng phúc.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 休否, 大 人吉.其亡, 其亡, 繫于苞桑.

Dịch âm: Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang.

Dịch nghĩa: Làm cho hết bĩ, đó là đạo tốt của bậc đại nhân (tuy nhiên, phải biết lo). Có thể mất đấy, (đừng quên điều đó thì mới vững như buộc vào một cụm dâu (dây dâu nhiều rễ, ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ).

Giảng nghĩa: Hào này có đức dương cương trung chính, lại ở vào ngôi chí tôn, trong thời Bĩ sắp hết, cho nên lời đoán là tôt. Những vẫn phải thận trọng, đừng sai sót.
Theo Hệ từ hạ chương V thì Khổng tử đọc tới hào này, bàn thêm rằng: "Người quân tử khi yên ổn thì không nên quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng có thể mất, khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an nước nhà giữ vững được."

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 傾否, 先否, 後喜.

Dịch âm: Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hĩ.

Dịch nghĩa: Đánh đổ được cái bĩ, trước còn bĩ, sau thì mừng.

Giảng nghĩa: Đây là thời cuối cùng của Bĩ mà bĩ cực thì thái lai; người quân tử có tài sẽ dắt cả bạn bè (trỏ hào 4 và 5) mà đánh đổ dược bĩ. Nhưng mới đầu còn phải lo lắng (tiên bĩ) sau mới mừng là bước lên được cảnh Thái rồi.
Chúng ta để ý: Quẻ Thái, mới đến hào 3, còn thịnh cực mà Dịch đã khuyên phải giữ được chính đáng trong cảnh gian nan (gian trinh); còn quẻ Bĩ, khi mới tới hào 4, mới có mòi sắp hết bĩ mà Dịch đã khuyên là thời đã tới, người quân tử nên thực hiện chí của mình đi. Nghĩa là luôn luôn phải sẵn sàng để nắm ngay lấy cơ hội.

2. Quẻ Thiên Địa Bĩ trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Bĩ

Trong chiêm bốc, dự trắc có nghĩa là:

  • Bĩ là mặt mới ló ra trên mặt đất, mặt trời mọc buổi sáng (Bình minh).
  • Bế: bế tắc, bí.
  • Bất giao hoà, Âm Dương cách trở, bất lợi (Hôn nhân xem gặp Bĩ thì không tốt, tượng cha mẹ già phối, không sinh nở được; nếu mới tìm hiểu xem gặp quẻ Bĩ thì tốt, sẽ phát triển vì là quẻ lục hợp tượng trưng sự gắn bó; bệnh tật gặp Bĩ thì dễ chết).
  • Sự lôi kéo ("Bạch thư chu dịch"), thuyết khách, giao hoà không chính thức, (nếu xem con cái đi đâu thì hay biểu hiện là bạn bè lôi kéo, thường là bạn gái vì có Thê tài trì thế).
  • Bĩ có nghĩa là tiểu (nhỏ). Những việc nhỏ (tiểu sự) thì thành, việc lớn (đại sự) thì hung, tiểu nhân đắc lợi, đại nhân thì tổn hại, không hợp với hàng quan chức.
  • Lợi khởi sự, khởi đầu mà không lợi về sau (hôn nhân là đại sự mà cần lâu bền nên gặp Bĩ là không tốt).
  • Tượng người nông dân, tầng lớp thấp (áo vải cờ đào).
  • Người ngồi xổm, người đi ngoài bị táo nhiệt (vì Bĩ có nghĩa là bế, vón lại).

Triệu và điềm của quẻ Bĩ

Quẻ Bĩ có triệu Hổ Lạc Hãm Khanh - Cát ít hung nhiều. Có bài thơ như sau:

Hổ sa hố sâu thật là thảm,
Tiến lên thì dễ, rút về khó.
Học hành buôn bán, đều không được,
Cãi cọ liên miên, bệnh tật hoài.

Tích xưa: Ngày xưa, Lâm Xung đi dâng đao quý, gieo phải quẻ này. Quả nhiên, ông bị trúng kế độc của Lục Ngu Hầu bị bắt giải tới phủ Khai Phong trị tội, đầy đi giam ở Thương Châu. Đúng là ứng với quẻ "Hổ lạc tham khanh", thật là "Cát ít hung nhiều".

Lời bàn quẻ: Âm dương không giao hòa là bĩ. Âm dương không hòa hợp, muôn vật không sinh, mọi sự bế tắc. Trong lúc tình trạng mọi sự bế tắc, con người muốn việc hanh thông cũng không được. Giống như hổ sa vào bẫy, mất hết uy lực. Hạn quẻ bĩ là hạn sa cơ lỡ bước, nếu biết chờ thời, qua cơn vận bĩ thì tốt, còn hành động cầu danh, cầu lợi thì không những tiền mất tật mang mà còn nguy đến tính mạng.

Lời đoán quẻ: Của mất khó tìm, giao dịch buôn bán không thành, hôn nhân bất lợi, góp vốn thua thiệt.

Dụng thần quẻ Bĩ

Quẻ Bĩ thiếu hành Thủy Tử Tôn (ứng với Giáp Tý sơ hào Càn). Như vậy, Phục hào là Giáp Tý Tử Tôn ở sơ hào, Phi Thần là Ất Mùi Phụ Mẫu cũng ở sơ hào mang hành thổ. Theo ngũ hành, ở đây Phi Thần khắc Phục Thần, không cho Phục Thần Giáp Tý xuất hiện. Điều này phản ánh, Phi Thần tự hại mình vì đã kiềm chế ngay phần tử đứng sau mình để "ủng hộ" mình.