QUẺ SỐ 41: SƠN TRẠCH TỔN - THÔI XA PHÍ LỰC

1. Quẻ Sơn Trạch Tổn trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Sơn Trạch Tổn

Quẻ Sơn Trạch Tổn

Quẻ Sơn Trạch Tổn hay được gọi là Quẻ Tổn, là quẻ số 41 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.

Ngoại quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Nội quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Cấn, Ngũ hành Thổ.

Quẻ Tổn trong giao tiếp lấy khéo kéo làm cái cốt, không xem trọng thực thà. Trong công việc nên biết hy sinh cái lợi trước mắt để giữ bền cái lợi lâu dài. Khả năng chịu tổn cao, nếu bất chính còn dẫn tới chỗ nguy vong.

Thoán từ:

Lời kinh: 損有孚, 元吉, 无咎, 可貞, 利有攸往.

Dịch âm: Tốn hữu phu, nguyên cát, vô cữu, khả trinh, lợi hữu du vãng.

Dịch nghĩa: Giảm đi: nếu chí thành thì rất tốt, không có lỗi, giữ vững được như vậy thì làm việc gì cũng có lợi. Nên dùng cách nào? (ví dụ) dùng hai cái bình (hay bát) đồ cúng thôi để dâng lên, cũng được.

Tổn: Thất dã. Tổn hại. Hao mất, thua thiệt, bớt kém, bớt phần dưới cho phần trên là tổn hại. Phòng nhân ám toán chi tượng: tượng đề phòng sự ngầm hại, hao tổn.
Khoan nới thì tất có điều sơ ý mà bị thiệt hại, cho nên sau quẻ Giải tới quẻ Tổn. Tổn là thiệt hại mà cũng có nghĩa là giảm đi.

Tượng quẻ:

Sơn hạ hữu trạch (Dưới núi có đầm)

Ngoại quái Cấn, nội quái Đoài là dưới chân núi có đầm, nếu để lâu ngày chân núi ắt sẽ hỏng.

Quẻ này nguyên là quẻ Thái, bớt ở nội quái Càn hào dương thứ 3 đưa lên thêm vào hào cuối cùng của quẻ Khôn ở trên, nên gọi là Tốn: bớt đi.
Lại có thể hiểu: khoét đất ở dưới (quẻ Đoài) đắp lên trên cao cho thành núi, chằm càng sâu, núi càng cao, càng không vững phải đổ, nên gọi là Tổn (thiệt hại).
Giảm đi, không nhất định là tốt hay xấu. Còn tùy mình có chí thành, không lầm lỡ thì mới tốt. Ví dụ việc cúng tế, cần lòng chí thành trước hết, còn đồ cúng không quan trọng, dù đạm bạc mà tâm thành thì cũng cảm được quỉ thần. Giảm đi như vậy để tiết kiệm, thì không có lỗi.
Thoán truyện giảng thêm: phải biết tùy thời; nếu cương quá thì bớt cương đi nếu nhu quá thì bớt nhu đi, nếu vơi quá thì nên làm cho bớt vơi đi, nếu văn sức quá thì bớt đi mà thêm phần chất phác vào; chất phác quá thì thêm văn sức vào, dân nghèo mà bốc lột của dân thêm vào cho vua quan là xấu; nhưng hạng dân giàu thì bắt họ đóng góp thêm cho quốc gia là tốt; tóm lại phải tùy thời; hễ quá thì giảm đi cho được vừa phải.
Đại tượng truyện thường đứng về phương diện tu thân, khuyên người quân tử nên giảm lòng giận và lòng dục đi ( quân tử dĩ trừng phẫn, trất dục).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 已事遄往, 无咎, 酌損之.

Dịch âm: Dĩ sự thuyên vãng, vô Cửu, chước tổn chi.

Dịch nghĩa: Nghỉ việc của mình mà tiến lên gấp, giúp (cho hào 4) như vậy thì không có lỗi, nhưng nên châm chước cái gì nên rút bớt của mình để giúp cho 4 thì hãy rút.

Giảng nghĩa: Hào 1 dương cương, ứng với hào 4 âm nhu ở trên, theo nghĩa thì nên giúp ích cho 4, nhưng cũng dừng nên để thiệt hại cho mình quá; như vậy là cũng hợp chí với người trên ở thời Tổn (rút bớt).

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 利貞, 征凶, 弗損益之.

Dịch âm: Lợi trinh, chính hung, phất tổn ích chi.

Dịch nghĩa: Giữ đạo chính thì lợi, nếu vội tiến ngay (bỏ đức cương trung của mình), để chiều bạn thì xấu; đừng làm tổn hại đức của mình cũng là ích cho bạn đấy.

Giảng nghĩa: Quẻ này có nghĩa tổn dương cương (quẻ Càn ở dưới) để làm ích cho âm nhu (quẻ Khôn ở trên); cho nên hào này là dương cương, nên giúp ích cho hào 5 âm nhu, cũng như hào 1 giúp ích cho hào 4. Nhưng hào 5 bất chính (âm mà ở vị dương), hay đòi hỏi những điều bất chính, nếu hào 2 bỏ đức cương và trung của mình đi mà vội vàng chiều lòng 5 thì sẽ xấu; phải giữ đức cương trung đó mới lợi (lợi trinh). Không làm tổn hại đức cương trung của mình, cũng là một cách khuyên hào 5 phải bỏ tính bất chính đi, như vậy là giúp ích cho 5 đấy.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 三人行則損一人, 一人行則得其友.

Dịch âm: Tam nhân hành tắc tổn nhất nhân, nhất nhân hành tắc đắc kì hữu.

Dịch nghĩa: Ba người đi thì bớt một người, một người đi thì được thêm bạn.

Giảng nghĩa: Theo tượng của quẻ, nội quái Càn có ba hào dương bớt đi một để đưa lên trên; ngoại quái Khôn có ba hào âm, bớt đi một để đưa xuống dưới, thành quẻ trùng tổn. Hào 3 dương đi lên, hào trên cùng âm xuống dưới, tương đắc với nhau, thế là tuy tách ra, đi một mình mà hoá ra có bạn.
Xét trong vũ trụ thì một dương một âm là đủ, nếu thêm một âm hay một dương nữa, thành ba thì thừa; mà nếu chỉ có một âm hay một dương thì thiếu, phải thêm một dương hay một nữa mới đủ.
Việc người cũng vậy, hai người thành một cặp, thêm một người thì dễ sinh chuyện, mà nếu chỉ có một người thôi thì lẻ loi quá, phải kiếm thêm bạn (coi Hệ từ hạ truyện, Ch. V số 13).

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 損其疾, 使遄, 有喜, 无咎.

Dịch âm: Tổn kì tật, sử thuyên, hữu hỉ, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Làm bớt cái tật (âm nhu) của mình cho mau hết, đáng mừng, không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này có tật âm nhu, được hào 1 dương cương sửa tật đó cho mau hết, tốt.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 或益之十朋之龜, 弗克違, 元吉.

Dịch âm: Hoặc ích chi thập bằng chi quí, phất khắc vi, nguyên cát.

Dịch nghĩa: Thình lình có người làm ích cho mình, một con rùa lớn đáng giá mười "bằng", không từ chối được, rất tốt.

Giảng nghĩa: Hào này ở vị tối cao, nhu mà đắc trung, được hào 2 dương tận tình giúp ích cho, như cho mình một con rùa rất lớn. Sở dĩ vậy là vì hào này, đắc trung mà hiền (nhu) nên được lòng người, cũng như được trời giúp cho vậy (tự thượng hữu chí – lời Tiểu tượng truyện).
Chữ "bằng" mỗi nhà hiểu một cách: có người cho hai con rùa là một bằng; có người cho mười bằng là chu vị lớn tới 2.160 thước, có người bảo mỗi bằng là 10 "bối" [貝] (vỏ sò, ngao quí, hồi xưa dùng làm tiền, khi chưa có lụa, đồng) 10 hằng tức là 100 bối. Không biết thuyết nào đúng. Chúng ta chỉ nên hiểu con rùa 10 bằng là một vật rất quí thôi.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 弗損益之, 无咎.貞吉.利有攸往, 得臣无家.

Dịch âm: Phất tổn ích chi, trinh cát. Lợi hữu du vãng, đắc thần vô gia.

Dịch nghĩa: Làm ích cho người mà chẳng tổn gì của mình, không lỗi, chính đáng thì tốt, làm việc gì cũng vô lợi, vì được người qui phu, chẳng phải chi nhà mình mới là nhà (ý nói đâu cũng là nhà mình, ai cũng là người nhà mình)

Giảng nghĩa: Hào này tối nghĩa, mỗi sách giảng một khác, chúng tôi châm chước theo Phan Bội Châu. Dương cương ở trên cùng quẻ tổn, nên đem cái cương của mình giúp cho nhiều hào âm nhu, chính đáng như vậy thì tốt, mà chẳng hại gì cho mình, vì mọi người sẽ quí mến, qui phụ mình. Có người hiểu là đừng làm hại, mà làm ích cho người thì tốt. Lẽ ấy dĩ nhiên rồi.

2. Quẻ Sơn Trạch Tổn trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Tổn

Trong chiêm bốc, dự trắc Tổn có nghĩa là:

  • Tổn là giảm, tổn phí, mất mát, thiếu hụt (nếu cho vay lãi, sau biể u hiện có sự c ố, xem được quẻ Tổn là sẽ mất. (tổn trong nội bộ, lợi ở bang giao, nên tổn là tổn hạ ích thượng, tổn dưới mà lợi trên)
  • Tổn là đầu tư (mình chịu tổn một chút để làm lợi cho người, tổn mà không mất h ẳn có cơ hội lời lại). Làm ăn, đầu tư nếu gặp quẻ Tổn thì nên đầu tư, Tổn là ích.
  • Tổn là sự thành tín, điều tiết cân bằng (làm ăn đầu tư phải thành tín, ban đầu phải có niềm tin).
  • Tổn là thuế: quẻ nội là dân, quẻ ngoại là nhà nước, bị mất đi một hào âm là dân nộp thuế cho nhà nước. (Nếu quẻ ngũ linh đời người là Tổn thì nên vào các ngành như thuế, tài chính, kho bạc ...).

Triệu và điềm của quẻ Tổn

Quẻ Tổn có triệu Thôi Xa Phí Lực - Uổng phí công sức. Có bài thơ như sau:

Thời vận chưa đến, vẫn cứ làm,
Đẩy xe rơi chốt, thật uổng công.
Đường núi quanh co, tìm không thấy,
Xoay xở ngược xuôi, vẫn chẳng thành.

Tích xưa: Ngày xưa, Hoàng Trung làm tướng ở Trường Xa đã từng reo phải quẻ này. Quả nhiên, khi đến trước ải địch, ngựa của Hoàng Trung bị vấp què chân trước, lỡ mất thời cơ. Hoàng Trung phải quay về trại. Đúng là ứng với quẻ "Đẩy xe rơi chốt", thật là "Uổng công phí sức".

Lời bàn quẻ: Người xưa coi xe đang đi mà hỏng, tất có vấn đề. Xe tốt mà hỏng là do vận số chưa thông, cần phải chờ đợi, giống như điều kiện chưa đủ mà làm chỉ thất bại mà thôi.

Lời đoán quẻ: Thời vận chưa đến, chớ có làm bừa, thời thế thay đổi, tự nhiên thành công.

Dụng thần quẻ Tổn

Quẻ Tổn so với quẻ Cấn, thiếu Tử Tôn Bính Thân Kim ở hào tam, vậy đây là Phục Thần của Tổn ở hào tam Đinh Sửu: Huynh Đệ thuộc Thổ là Phi Thần. Thổ sinh Kim, nghĩa là Phi sinh Phục. Ớ quẻ này, Phục Thần Kim nhập mộ tại Sửu (xem vòng trường sinh đầu sách) nên gọi là: "Phục Thần Nhập mộ tại Sửu". Phục thần nhập mộ tức là "chết" là bị hoại.