QUẺ SỐ 23: SƠN ĐỊA BÁC - ƯNG THƯỚC ĐỒNG LÂM

1. Quẻ Sơn Địa Bác trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Sơn Địa Bác

Quẻ Sơn Địa Bác

Quẻ Sơn Địa Bác hay được gọi là Quẻ Bác, là quẻ số 23 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Nội quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Càn, Ngũ hành Kim.

Quẻ Bác cố nhiên là điềm xấu, bị tiểu nhân hãm hại, chấp nhận cay đắng. Tuy đó phải cố gắng sửa chữa kịp thời, để không rơi vào tình thế xấu thì có thay đổi cũng không kịp nữa. Nếu là người lãnh đạo biết lo cho kẻ dưới được an vui thì về sau sẽ được an trạch.

Thoán từ:

Lời kinh: 剝不利有攸往.

Dịch âm: Bác bất lợi hữu du vãng

Dịch nghĩa: Tiêu mòn: Hễ tiến tới (hành động) thì không lợi.

Bác: Lạc dã. Tiêu điều. Đẽo gọt, lột cướp đi, không có lợi, rụng rớt, đến rồi lại đi, tản lạc, lạt lẽo nhau, xa lìa nhau, hoang vắng, buồn thảm. Lục thân băng thán chi tượng: tượng bà con thân thích xa lìa nhau.
Bí là trang sức, trau giồi; trau giồi tới cực điểm thì mòn hết. Cho nên sau quẻ Bí tới quẻ Bác. Bác là mòn, là bóc, lột bỏ cho tiêu mòn lần đi.

Tượng quẻ:

Sơn phụ ư địa (Núi tựa vào đất, núi cao vực thẳm)

Ngoại quái Cấn, nội quái Khôn có năm hào âm, một hào dương trên cùng cũng chả thế tồn tại được bao lâu, sớm muộn cũng bị tiêu bác.

Theo tượng quẻ, năm hào âm chiếm chỗ của dương, âm tới lúc cực thịnh, dương chỉ còn có một hào, sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ thịnh, dương, chỉ còn một hào sắp đến lúc tiêu hết. Do đó gọi là quẻ Bác. Ở thời tiểu nhân đắc chí hoành hành, quân tử (hào dương ở trên cùng) chỉ nên chờ thời, không nên hành động. Chờ thời vì theo luật tự nhiên, âm thịnh cực rồi sẽ suy, mà dương suy cực rồi sẽ thịnh . (Lão Tử khuyên: "đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp, đại xảo nhược chuyết (vụng)" nghĩa là phải tạm giấu cái khôn, cái khéo, cái dũng của mình để được yên thân đợi chờ cơ hội).
Thoán truyện: giảng thêm: nên thuận đạo trời mà ngưng mọi hoạt động vì nội quái là Khôn, có nghĩa là thuận, ngoại quái là Chấn có nghĩa là ngưng; mà đạo trời là hết hao mòn (tiêu) thì sẽ phát sinh (tức) – nói về các chào dương; mà hết đầy (doanh) thì sẽ trống không (hư) – nói về các hào âm trong quẻ này.
Đại tượng truyện: chỉ xét tượng của quẻ mà đưa ra một nghĩa khác: ngoại quái là núi, nội quái là đất; núi ở trên đất, đất là nền móng của núi; đất có dày thì núi mới vững; vậy người trên (nhà cầm quyền) phải lo cho dân an cư lạc nghiệp thì địa vị của người trên mới vững. Ý đó thêm vào, không có trong thoán từ.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 剝床以足, 蔑貞, 凶.

Dịch âm: Bác sàng dĩ túc, miệt trinh, hung.

Dịch nghĩa: Như cắt (phá hoại) chân giường, dần dần sẽ làm tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng nghĩa: Âm (tiểu nhân) bắt đầu tiêu diệt dương (quân tử ), cũng như bắt đầu phá cái giường từ dưới chân trở lên.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 剝床以辨, 蔑貞, 凶.

Dịch âm: Bác sàng dĩ biện, miệt trinh, hung.

Dịch nghĩa: Như phá tới then giường (có người dịch là thành giường, hay sườn giường), tiêu diệt đạo chính của người quân tử, xấu.

Giảng nghĩa: Nghĩa hào này cũng như hào 1: bọn tiểu nhân đã tiến thêm một bước nữa, phá tới then giường rồi, chưa tới mặt giường.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 剝之, 无咎.

Dịch âm: Bác chi, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Phá bỏ bè đảng của mình, không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này cũng là âm nhu, tiểu nhân, nhưng vì ứng với hào dương, quân tử, ở trên cùng, cho nên theo hào đó mà bỏ các hào âm ở trên và dưới nó (tức các hào 1, 2, 4) chịu mất lòng với các hào âm này (lời Tiểu tượng truyện) mà theo đạo chính, cho nên không có lỗi.

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 剝床以膚, 凶.

Dịch âm: Bác sàng dĩ phu, hung.

Dịch nghĩa: Phá giường mà xẻo tới da thịt người nằm trên giường nữa, xấu.

Giảng nghĩa: Hào âm này đã lên tới ngoại quái, thế là tiểu nhân đã hoành hành, quân tử bị hại quá đau, tai họa bức thiết quá rồi; xấu.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 貫魚, 以宮人寵, 无不利.

Dịch âm: Quán ngư, dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi.

Dịch nghĩa: Dắt bầy cung nhân như một xâu cá (ám chỉ bầy tiểu nhân), để lên hầu vua (tức theo người quân tử, hào dương ở trên cùng), như vậy là tiểu nhân biết thuận tòng quân tử, không có gì là không lợi.

Giảng nghĩa: Hào này làm thủ lãnh bầy âm. Theo nghĩa mấy hào trên, chúng ta tưởng hào này càng phá mạnh hạng quân tử hơn nữa; nhưng ngược lại. Hào từ lấy lẽ rằng hào 5, ở sát hào dương ở trên cùng thân cận với 6, chịu ảnh hưởng tốt của 6, nên dắt cả bầy âm (ví như một xâu cá – cá thuộc loài âm) để theo hào 6 quân tử cũng như bà hậu dắt bầy cung phi lên hầu vua. Thế là theo đạo chính, cho nên không gì là không lợi.
Theo Phan Bội Châu, sở dĩ cổ nhân tới hào này bỏ cái nghĩa âm tiêu diệt dương, mà cho cái nghĩa âm thuận theo dương, là để khuyến khích tiểu nhân cải tà qui chánh, mà giúp đỡ quân tử. Kinh dịch "Vị quân tử mưu" (lo tính cho quân tử) là nghĩa đó. Có thể như vậy. Lý do chính thì coi hào sau ta sẽ thấy.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 碩果不食, 君子得輿, 小人剝廬.

Dịch âm: Thạc quả bất thực, Quân tử đắc dư, tiểu nhân bác lư.

Dịch nghĩa: Còn một trái lớn trên cây, không hái xuống ăn (ý nói dương tức quân tử không bao giờ hết). Quân tử ở hào này được quần chúng (dư) theo; còn tiểu nhân thì biết rằng nếu diệt hết quân tử tức lá phá đổ nhà chúng ở (chúng cũng không còn).

Giảng nghĩa: Cả quẻ chỉ có mỗi hào này là dương cho nên ví với trái cây lớn còn lại trên cây, không hái xuống ăn thì có ngày nó sẽ rụng mà mọc mầm, như vậy là đạo quân tử không bao giờ hết. Hào 3 và 5 kéo các hào âm khác theo hào dương này, cho nên bảo là quân tử được dân chúng theo. Hào dương này ở trên cùng, cũng như cái nhà che cho tất cả các hào âm ở dưới. Nếu bọn tiểu nhân phá nhà đó cho sập – nghĩa bóng là không còn quân tử thì quốc gia suy vong, chủng tộc tiêu diệt- thì chúng cũng không sống được, không có chốn dung thân.
Vậy ta thấy sở dĩ Chu Công, người viết Hào từ, cho hào 5 theo hào trên cùng (âm theo dương) là vì lẽ có thế xã hội mới tồn tại được, không khi nào người tốt bị diệt hết.
Quẻ này nói về thời âm thịnh dương suy, tiểu nhân tàn hại quân tử, tiểu nhân tuy rất đông, nhưng vẫn có một số (hào 3 và 5) hiểu đạo cải quá, đứng về phe quân tử, và khi xã hội lâm nguy thì ủng hộ quân tử. Người quân tử mới đầu chỉ nên im hơi lặng tiếng mà chờ thời, chuẩn bị cho lúc thịnh trở lại.
Đó là luật âm dương trong vũ trụ; vũ trụ luôn luôn có đủ cả âm, dương ; khi âm cực thịnh, vẫn còn dương, khi dương cực thịnh cũng vẫn còn âm, âm dương cứ thay nhau lên xuống, thế thôi.

2. Quẻ Sơn Địa Bác trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Bác

Trong chiêm bốc, dự trắc Bác có nghĩa là:

  • Bác là lạc, rơi rụng, rớt, đổ bể.
  • Bác là bóc, là xé ra, bỏ đi, loại đi, là hỏng, là trượt.
  • Bác là sai lệch, sai địa chỉ (gửi trứng cho ác) (Ví dụ định nhờ cậy việc gì gặp quẻ Bác thì bị lừa, nhờ không đúng chỗ).
  • Đổ bác (cờ bạc). Mệnh gặp quẻ Bác là ham mê cờ bạc.
  • Cái nhà (nhà lá, nhà cấp 4, hay là nhà xấu, nghèo, bừa bộn).
  • Người làm xiế c trên dây (phiêu lưu mạo hiểm, dễ ngã gẫy cổ)

Triệu và điềm của quẻ Bác

Quẻ Bác có triệu Ưng Thước Đồng Lâm - Việc không thành. Có bài thơ như sau:

Oanh thước đồng lâm, vốn chẳng hòa,
Quẻ này cho biết, việc không thông.
Làm ơn mang oán, đâu có biết,
Đất bằng nổi sóng, khó mà yên.

Tích xưa: Ngày xưa, Lý Uyên xưng thần trước Tùy Văn Đế đã gieo phải quẻ này. Quả nhiên thái tử Dương Quảng có dã tâm mưu hại Lý Uyên. Lý Uyên phải bỏ triều ra đi. Đúng là ứng với quẻ "Oanh thước đồng lâm", thật là "Việc làm không thành".

Lời bàn quẻ: Là người ai cũng có lòng đố kị, song đố kị như chim oanh đối với chim khách thì thật quá quắt. Đạo làm người là sống đúng đắn, giúp đỡ lẫn nhau, song giúp kẻ bất nghĩa thì thật quá đáng buồn.

Lời đoán quẻ: Mọi sự không thông, người đi không về, mất của khó tìm, cầu lợi không được.

Dụng thần quẻ Bác

Quẻ Bác thiếu hào Huynh Đệ Nhâm Thân Kim, đây là Phục Thần ở Bính Tý Thủy là Phi Thần. Như vậy, Phục sinh Phi, Cho ta hình ảnh "người" núp sau lưng mình phải tiếp sức cho mình nên mất sức, kiệt lực.