QUẺ SỐ 57: PHONG VI TỐN - CHÂU ĐẮC THUẬN PHONG

1. Quẻ Phong Vi Tốn trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Phong Vi Tốn

Quẻ Phong Vi Tốn

Quẻ Phong Vi Tốn (hoặc Thuần Tốn), hay được gọi là Quẻ Tốn, là quẻ số 57 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.

Ngoại quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.

Thuộc nhóm tượng quái Tốn, Ngũ hành Mộc.

Quẻ Tốn tuy có hào âm đang phải phục tùng nhưng khí âm đang đi lên nên cũng ẩn chứa nhiều khó khăn. Quẻ này ứng vào việc kẻ yếu thế để lấy lòng người trên, mọi việc sẽ ổn, nhưng chỉ tiểu hanh mà thôi.

Thoán từ:

Lời kinh: 巽小亨, 利有攸往, 利見大人

Dịch âm: Tốn tiểu hanh, lợi hữu du vãng, lợi kiến đại nhân.

Dịch nghĩa: Thuận thì hơi được hanh thông, tiến hành thì có lợi, lựa bậc đại nhân mà tin theo thì có lợi.

Tốn: Thuận dã. Thuận nhập. Theo lên theo xuống, theo tới theo lui, có sự giấu diếm ở trong. Âm dương thăng giáng chi tượng: khí âm dương lên xuống giao hợp.
Lâm vào cảnh ở quê người thì thái độ nên thuận tòng người, cho nên sau quẻ Lũ tới quẻ Tốn. Tốn là gió mà có nghĩa là thuận, là nhập vào.

Tượng quẻ:

Tuỳ phong Tốn (Theo gió mà thành Tốn)

Cả ngoại và nội quái đều là Tốn, mỗi quái đều có hai hào dương, hào dưới là hào âm và âm phải thuận theo dương. Hào Nhị, hào Ngũ thuận đạo trung chính nên phát triển được.

Quẻ này có một hào âm ở dưới hai hào dương, là âm phục tòng dương, nên gọi là Tốn. tiểu nhân mà phục tòng quân tử thì có thể tốt, nhưng phải có việc để tíến hành, chứ không phải chỉ ở yên mà tốt, lại phải lựa bậc đại nhân (có tài, đức) mà tin theo. Đại nhân trỏ hào 2 và hào 5, cũng mà dth, tiểu nhân là hào 1 và hào 4. Nhất là hào 5, đắc trung lại đắc chính nữa, 1 và 4 đều phải theo hào đó.
Đại tượng truyện giảng: trên là gió, dưới là gió (Tốn), là có hai luồng gió tiếp tục theo nhau. Người quân tử tiếp tục xuất phát mệnh lệnh để thi hành chính sự, mà thiên hạ phục tòng, cũng như vạn vật ngả theo gió.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 進退, 利武人之貞.

Dịch âm: Tiến thoái, lợi vũ nhân chi trinh.

Dịch nghĩa: Tiến lui tự do, thêm vào cái chí hướng bền của hạng võ dũng thì có lợi.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu ở dưới cùng quẻ Tốn là người nhu thuận thái quá, còn nghi ngờ, không cương quyết tiến hay lui, không thể làm gì được; Hào từ khuyên phải theo cái chí kiên cường của hạng người võ dũng thì mới trị được tật nghi hoặc.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 巽在床下, 用史巫 紛若, 吉,无咎.

Dịch âm: Tốn tại sàng hạ, dụng sử vu phân nhược, cát, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Thuận nép ở dưới giường, dùng vào việc lễ bái, đồng cốt rối ren thì tốt, không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào dương mà ở vào vị âm thời Tốn (thuận), nên quá thuận đến nỗi nép ở dưới giường. May àm đắc trung, không phải là kẻ siểm nịnh, mà lại có lòng thành; trong việc tế thần, mà như vậy thì tốt, không có lỗi. "sử" là chức quan coi việc tế, "Vu" là chức quan coi về việc trừ tai hoạ, như đồng cốt. "Phân nhược" (rối ren) dùng để tả việc cúng tế, cầu thần.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 頻巽吝.

Dịch âm: Tần tốn, lận.

Dịch nghĩa: Thuận tòng quá nhiều lần (quá mức), đáng xấu hổ.

Giảng nghĩa: Hào này quá cương (dương ở vị dương), bất đắc trung, vốn nóng nảy, kiêu căng, thất bại nhiều lần, sau mới làm bộ tự hạ, thuận tòng, nhưng lại thuận tòng quá mức, việc gì cũng thuận tòng dù không phải lúc, đáng xấu hổ, R. WilheLm giảng: suy nghĩ đi suy nghĩ lại nhiều lần kĩ quá, mà không quyết định hành động, xấu hổ.

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 悔亡, 田獲三品.

Dịch âm: Hối vong, điền hoạch tam phẩm.

Dịch nghĩa: Hối hận mất đi; đi săn về, được chia cho ba phần.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, hào 1 ứng với nó cũng âm nhu, không giúp gì được nó, mà lại bị kẹt giữa 4 hào dương ở trên và dưới, xấu; nhưng nhờ nó đắc chính, địa vị cao (ở ngoại quái, sát hào 5) mà lại có đức tự khiêm, thuận tòng, nên được trên dưới mến, chẳng những không có gì hối hận mà còn được thưởng công. Thời xưa đi săn về, chia làm 3 phần (phẩm vật): một phần để làm đồ tế, một phần để đãi khách, một phần giao cho nhà bếp. Có công lớn mới được chia như vậy.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 貞吉, 悔亡, 无不利, 无初有終.先庚三日, 後庚三日.吉.

Dịch âm: Trinh cát, hối vong, vô bất lợi, vô sở hữu chung. Tiên canh tam nhật, hậu canh tam nhật, cát

Dịch nghĩa: Giữ đạo chính thì tôt, hối hận mất đi, không có gì là không lợi, mới đầu không khá mà cuối cùng tốt; (đinh ninh như ) trước ngày canh ba ngày, (đắn đo như) sau ngày canh ba ngày, tốt.

Giảng nghĩa: Hào này ở thời Tốn, phải thuận tòng, mà bản thể và vị đều là dương cả, mới đầu không tốt (vô sợ), e có điều hối hận, may mà đắc trung, đắc chính, hợp với tư cách một vị chủ, cứ giữ đức trung, chính ấy thì sau sẽ tốt (hữu chung), hối hận mất hết mà không có gì không lợi. Tuy nhiên, muốn kêt quả được tốt thì trước khi hành động, canh cải, phải đinh ninh cân nhắc cho kỹ, rồi sau khi canh cải phải khảo nghiệm chu đáo.
Trong thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Canh Tân, Nhâm, quí, Canh đứng hàng thứ 7, quá giữa, tới lúc phải thay đổi. (chữ Canh trong hào từ 庚cũng dùng như chữ Canh 更 là đổi) Ba ngày trước ngày Canh là ngày Đinh, chữ Đinh 丁 này mượn nghĩa chữ đinh 叮嚀 (đinh ninh); ba ngày sau ngày Canh là ngày Quí, chữ quí này 癸 mượn nghĩa chữ quĩ 揆度 (quĩ đạc là đo lường)
Cách dùng chữ ở đây cũng như cách dùng chữ trong Thoán từ quẻ Cổ.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 巽在床下, 喪其資斧, 貞凶.

Dịch âm: Tốn tại sàng hạ, táng kì tư phủ, trinh hung.

Dịch nghĩa: Thuận nép ở dưới giường, mất đồ hộ thân, cứ giữ thói xấu đó thì càng bị hoạ.

Giảng nghĩa: Ở trên cùng quẻ Tốn là thuận tòng đến cùng cực như kẻ nép ở dưới giường; tới nỗi đức dương cương – ví với đồ hộ thân (tư phủ) của mình cũng mất luôn. Cứ giữ thói xấu xa, đê tiện, siểm nịnh đó thì càng bị hoạ.

2. Quẻ Phong Vi Tốn trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Tốn

Trong chiêm bốc, dự trắc Tốn có nghĩa là:

  • Tốn là vào, núp vào, nhập vào (Gió mềm hoà tan vào vật khác). Tượng quẻ có 2 hào dương chìm lún vào quẻ đại Khảm ở dưới. Là quẻ lục xung nhưng không phải tan rã mà lại kết hợp vào.
  • Tốn là nhún, thuận, nhún nhường, thuận theo (Đoài cũng là thuận theo, nhưng quẻ Đoài là trong cương ngoài nhu, tức là thuận theo có chủ kiến, có nghệ thuật, dùng phép nhu, thuận theo mà hanh thông. Quẻ Tốn là ngoài cương trong nhu, là tính mềm tức là tòng theo, tòng theo thuộc nhu không có chính kiến tiểu hanh thông, đa hung).
  • Tốn là cổ động: "Tốn dĩ cổ chi", sự quảng cáo, marketing, sự khuếch trương thanh thế (Ngũ linh đời người: hợp với quảng cáo, bán hàng, chào hàng)
  • Tốn chỉ sự thay đổi (theo gió là sự đổi), là sự không kiên định. (Bản mệnh tương ứng sao Thiên đồng trong tử vi. Mênh quẻ Tốn: người thích vận động, công việc, tư tưởng, suy nghĩ thay đổi, tính hay thay đổi. Không làm lãnh đạo, chỉ nên cổ động, khác với thuần Chấn: người lãnh đạo, có tiếng vang). Xem việc ra quẻ thuần Tốn: xấu, dễ giải thể. Nhưng khi ta lệ thuộc vào một cái chính thì ta thắng. Ví dụ công ty A, ta là cổ đông Y thì ta thắng.

Triệu và điềm của quẻ Tốn

Quẻ Tốn có triệu Châu Đắc Thuận Phong - Khốn cực sinh phúc. Có bài thơ như sau:

Cô chu đắc thuỷ, thật là may,
Của mất người đi cũng trở về.
Cãi cọ linh tinh đều mất hết,
Hôn nhân góp vốn, cũng rất hay.

Tích xưa: Ngày xưa, Lưu Tú đi đến Nam Dương gieo được quẻ này. Quả nhiên, khi cưỡi hổ lên núi, ông được quạ dẫn đường, gặp được Mã Vũ Diêu Kỳ, trùng hưng nhà Hán. Đúng là ứng với quẻ "Cô chu đắc thuỷ" thật là "Khốn cực sinh phúc".

Lời bàn quẻ: Thuyền mắc cạn như người bị sa lầy trong công việc, nếu được nước dâng là đại phúc.

Lời đoán quẻ: Công danh như ý, cầu tài được lợi, giao dịch tốt lành, bệnh tật tự khỏi.

Dụng thần quẻ Tốn

Quẻ Tốn có tên là "Lục xung". Quẻ này có đủ Lục thân, nên không có Phi Thần, Phục Thần.