QUẺ SỐ 61: PHONG TRẠCH TRUNG PHU - HÀNH TẨU BẠC BĂNG

1. Quẻ Phong Trạch Trung Phu trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Phong Trạch Trung Phu

Quẻ Phong Trạch Trung Phu

Quẻ Phong Trạch Trung Phu hay được gọi là Quẻ Trung Phu, là quẻ số 61 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Cấn (Quẻ Du Hồn), Ngũ hành Thổ.

Quẻ Trung Phu là gió rung động với nước, là rung cảm mọi nhịp điệu là một niềm tin sâu xa. Quẻ này có sự tín cẩn, ứng với trường hợp giao kết của đôi bên. Nếu xuất phát từ lòng thành thật mới đem lại kết quả tốt nhất, còn ngược lại sẽ không ra gì.

Thoán từ:

Lời kinh: 中孚, 豚魚吉, 利涉大川, 利貞.

Dịch âm: Trung phu, đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Dịch nghĩa: Trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.

Trung Phu: Tín dã. Trung thật. Tín thật, không ngờ vực, có uy tín cho người tin tưởng, tín ngưỡng, ở trong. Nhu tại nội nhi đắc trung chi tượng: tượng âm ở bên trong mà được giữa.
Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.

Tượng quẻ:

Trạch thượng hữu phong (Trên đầm có gió)

Ngoại quái Tốn, nội quá Đoài. Tốn là khiêm tốn, Đoài là vui vẻ. Hai hào âm ở giữa thể hiện lòng trống rỗng không bị tư tà. Hào dương đắc trung thể hiện dương cương, lòng trung chính.

Quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngoại quái), vậy là có đức trung thực. Do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.
Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đoài, phục tòng người trên; như vậy là cảm hoá được dân.
Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.
Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 虞吉, 有它, 不燕.

Dịch âm: Ngu cát, hữu tha, bất yến.

Dịch nghĩa: Liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.

Giảng nghĩa: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 鶴鳴在陰.其子和之.我有好爵.吾與爾靡之.

Dịch âm: Minh hạc tại âm, kỳ tử hoạ chi; Ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.

Dịch nghĩa: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó hoạ lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.

Giảng nghĩa: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con hoạ lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.
Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:
"Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngoài nghìn dặm cũng hưởng ứng, huống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?"
Khổng tử đã hiểu rộng "tiếng gáy của con hạc" là lời nói hay; và "chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 得敵, 成鼓, 或罷, 或泣, 或歌.

Dịch âm: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bãi, hoặc khấp, hoặc ca.

Dịch nghĩa: Gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó "Hoặc cổ hoặc bãi", (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 月幾望, 馬匹亡, 无咎.

Dịch âm: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 有孚攣如, 无咎.

Dịch âm: Hữu phu luyến như, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.

Giảng nghĩa: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 翰音登于天, 貞凶.

Dịch âm: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.

Dịch nghĩa: Tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương, không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương, cho nên ví với con gà không là loài bay cao được mà muốn lên tới trời.
Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ Vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông.

2. Quẻ Phong Trạch Trung Phu trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Trung Phu

Trong chiêm bốc, dự trắc Trung Phu có nghĩa là:

  • Là tín, tin tưởng, niềm tin (không tín sẽ hỏng việc).
  • Chí thành, hoà hoãn, thông thủ (thống nhất ý chí, bao dung).
  • Nội hư, ngoại thực, giả dối, lừa dối, dao động, bằng mặt không bằng lòng (người trong cuộc dao động hoặc là cá nhân người xem quẻ dao động).
  • Xem được quẻ này ít thành công: Ly trung hư rỗng tuếch, nhờ người khác, có thể không thực quyền.
  • Mỏng manh lỏng lẻo.

Triệu và điềm của quẻ Trung Phu

Quẻ Trung Phu có triệu Hành Tẩu Bạc Băng - Vô cùng tốt lành. Có bài thơ như sau:

Tuấn điểu xuất lung, đại tốt lành,
Cầu tài cầu lợi đại hanh thông.
Kinh doanh, góp vốn đều thuận lợi,
Bệnh tật, kiện tụng chẳng gặp hung.

Tích xưa: Ngày xưa, Mai Trung vì Kỷ Thư mà bị giam trong ngục đã gieo được quẻ này. Quả nhiên, Mai Thế Anh bỏ con, cứu Mai Trung ra khỏi ngục tối. Đúng là ứng với quẻ "Tuấn điểu xuất lung", thật là "Vô cùng tốt lành".

Lời bàn quẻ: Chim xổ lồng, vạn sự may, từ nay trở đi có thể sống tự do. Chim còn muốn tự do, huống hồ là con người.

Lời đoán quẻ: Buôn bán phát tài, hôn nhân hòa hợp, bệnh tật tiêu tan, người đi của mất lại về.

Dụng thần quẻ Trung Phu

Quẻ Trung Phu là quẻ thứ bảy của tượng Cấn, gọi là quẻ Du Hồn. Quẻ thiếu hai lục thân là Thê Tài (hào ngũ) và Tử Tôn (hào tam) nếu đem so với lục thân của Cấn, đây chính là hai Phục Thần của Trung Phu. Vậy hai Phi Thần quẻ này là Tân Tỵ Hỏa và Đinh Sửu Thổ.
Trường hợp thứ nhất ở ngũ hào: Phi khắc Phục (Hỏa và Thủy). Theo vòng trường sinh: Thủy tuyệt ở Tỵ, ở đây sự khắc lại ở Tỵ nên gọi là: "Phục Thần tuyệt ở Phi Thần" - Phục vừa gặp Phi thì đã bị diệt. Cũng theo vòng trường sinh, Phục muốn xuất hiện được phải gặp năm, tháng Thân, vì Thê Tài lúc đó mới gặp trường sinh.
Trường hợp thứ hai ở tam hào: Phi Sinh Phục, nhưng theo vòng trường sinh, Kim Phục Thần lại nhập mộ (chết) tại Sửu, trùng với hào Phi Thần của Trung Phu. Trường hợp này Dịch Lý gọi là "Phục Thần nhập mộ ở Phi Thần", Phục muốn xuất hiện được, phải chờ đến ngày phá Mộ, tức ngày Mùi, tháng Mùi, hoặc năm Mùi. (hành Thổ).