QUẺ SỐ 9: PHONG THIÊN TIỂU SÚC - MẬT VÂN BẤT VŨ
1. Quẻ Phong Thiên Tiểu Súc trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Phong Thiên Tiểu Súc
Quẻ Phong Thiên Tiểu Súc hay được gọi là Quẻ Tiểu Súc, là quẻ số 9 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.
Ngoại quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.
Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.
Thuộc nhóm tượng quái Tốn, Ngũ hành Mộc.
Súc có nghĩa là đậu, là hợp. Lục Tứ là chủ quẻ. Tượng hình cho một thời đại, hay một tình thế tiểu nhân lấn át quân tử, thủ đoạn tiểu xảo thắng được chính sách quang minh chính đại. Tốn thuộc Âm, thể mềm thuận, sự nhún thuận làm cho sự mềm cứng mạnh. Hào Tư là hàm âm, hào năm là hào Dương được ngôi nên đạo mềm thuận. Quẻ Tiểu Súc chứa hợp cái nhỏ, lấy cái nhỏ để chứa cái lớn.
Thoán từ:
Lời kinh: 小畜亨, 密雲不雨, 自我西郊.
Dịch âm: Tiểu súc hanh, mật vân bất vũ, tự ngã tây giao.
Dịch nghĩa: Ngăn căn nhỏ (hoặc chứa nhỏ vì chứa cũng hàm cái nghĩa ngăn, bao lại, gom lại) hanh thông. Mây kịt (chưa tan) mà không mưa ở cõi tây của ta.
Tiểu Súc: Tắc dã. Dị đồng. Lúc bế tắc, không đồng ý nhau, cô quả, súc oán, chứa mọi oán giận, có ý trái lại, không hòa hợp, nhỏ nhen. Cầm sắt bất điệu chi tượng: tiếng đàn không hòa điệu.
Tự quái truyện bảo đã nhóm họp, gần vũi với nhau (tỉ) thì phải có chỗ nuôi nhau, cho nên sau quẻ Tỉ tới quẻ Tiểu súc [ 小 畜 ]
Chữ súc này có nghĩa là nuôi (như mục súc); lại có nghĩa là chứa, dùng như chữ súc tích (chứa chất), và nghĩa: ngăn lại, kiềm chế.
Tượng quẻ:
Phong hành thiên thượng (Gió đi trên trời)
Quẻ Tiểu Súc có quẻ Tốn trên và Càn dưới. Càn là vật ở trên nhưng trong quẻ lại ở dưới Tốn. Sự cứng mạnh lúc này không gì bằng sự nhún thuận.
Có ba cách giảng theo tượng của quẻ:
- Quẻ Càn (cương kiện) ở dưới quẻ Tốn (nhu thuận) có nghĩa là âm (Tốn) ngăn cản được dương (Càn), nhỏ ngăn cản được lớn.
- Hoặc: Gió (Tốn) bay trên trời (Càn) còn xa mặt đất, sức ngăn cản của nó còn nhỏ, cho nên gọi là Tiểu súc.
- Xét các hào thì hào 4 là âm nhu đắc vị; hào này quan trọng nhất trong quẻ (do luật: chúng dĩ quả vi chủ) ngăn cản được 5 hào dương , bắt phải nghe theo nó, cho nên gọi là Tiểu súc (nhỏ ngăn được lớn).
Ngăn được hào 2 và hào 5 đều dương cương thì việc chắc sẽ hanh thông. Nhưng vì nó nhỏ mà sức ngăn cản nhỏ, nên chưa phát triển hết được, như đám mây đóng kịt ở phương Tây mà chưa tan, chưa mưa được. Theo Phan bội Châu, chữ "ngã" (ta) ở đây trỏ Tốn, mà Tốn là âm, thuộc về phương Tây. Nhưng theo Hậu Thiên bát quái thì tốn là Đông Nam.
Chu Hi cho rằng chữ "ngã" đó là Văn Vương tự xưng. Khi viết thoán từ này, Văn Vương ở trong ngục Dữu Lý, mà "cõi tây của ta" tức cõi Kỳ Châu, ở phương Tây của Văn Vương.
Đại Tượng truyện khuyên người quân tử ở trong hoàn cảnh quẻ này (sức còn nhỏ) nên trau dồi, tài văn chương (ý văn đức) chẳng hạn viết lách, chứ đừng hoạt động chính trị.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):
Lời kinh: 初 九: 復 自 道 , 何 其 咎 ? 吉.
Dịch âm: Phục tự đạo, hà kỳ Cửu? Cát.
Dịch nghĩa: Trở về đạo lý của mình, có lỗi gì đâu? Tốt.
Giảng nghĩa: Hào này là dương cương lại ở trong nội quái Càn, có tài, có chí tiến lên, nhưng vì ở trong quẻ Tiểu Súc, nên bị hào 4, ứng với nó ngăn cản. Nó đành phải quay trở lại, không tiến nữa, hợp với đạo tùy thời, như vậy không có lỗi gì cả.
2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):
Lời kinh: 九 二: 牽 復 , 吉.
Dịch âm: Khiên phục, cát.
Dịch nghĩa: Dắt nhau trở lại đạo lý thì tốt.
Giảng nghĩa: Hào này với hào 5 là bạn đồng chí hướng: cùng dương cương, cùng đắc trung, cùng muốn tiến cả, nhưng cùng bị hào 4 âm ngăn cản, nên cùng dắt nhau trở lại cái đạo trung , không để mất cái đức của mình.
3. Cửu Tam (Hào 3 dương):
Lời kinh: 九 三: 輿 說 輻 , 夫 妻 反 目.
Dịch âm: Dư thoát bức, phu thê phản mục.
Dịch nghĩa: Xe rớt mất trục; vợ chồng hục hặc với nhau.
Giảng nghĩa: Hào 3 quá cương (vì thể vị đều là dương) mà bất trung, hăng tiến lên lắm, nhưng bị hào 4 ở trên ngăn chặn, nên tiến không được, như chiếc xe rớt mất trục. Hào này ở sát hào 4, dương ở sát âm, mà không phải là ứng của hào 4, như một cặp vợ chồng hục hặc với nhau. Lỗi ở hào 3 vì không biết tùy thời, không nhớ mình ở trong thời Tiểu súc mà nhịn vợ.
4. Lục Tứ (Hào 4 âm):
Lời kinh: 六 四: 有 孚 , 血 去, 惕 出 . 无 咎.
Dịch âm: Hữu phu, huyết khứ, dịch xuất, vô Cửu.
Dịch nghĩa: Nhờ có lòng chí thành, nên thương tích được lành, hết lo sợ, mà không có lỗi.
Giảng nghĩa: Hào này là âm, nhu thuận mà đối với các hào dương thì khó tránh được xung đột, có thể lưu huyết và lo sợ, nhưng nó đắc chính (âm ở ngôi âm), ở gần hào 5 là thân với bậc chí tôn, lại ở vào thời Tiểu súc, có hào 1 ứng hợp với nó, hào 2 cùng giúp nó, nên nó tránh được lưu huyết, lo sợ, không có lỗi.
Tiểu tượng truyện giảng: hết lo sợ, nhờ hào trên ( hào 5) giúp đỡ nó.
5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):
Lời kinh: 九 五: 有 孚, 攣 如 . 富 以 其 鄰.
Dịch âm: Hữu phu, luyên như, phú dĩ kỳ lân.
Dịch nghĩa: Có lòng thành tín, ràng buộc dắt dìu (cả bầy hào dương ), nhiều tài đức , cảm hóa được láng giềng.
Giảng nghĩa: Hào này ở ngôi chí tôn, có uy tín, làm lãnh tụ các hào dương khác; nó trung chính, tức có lòng thành tín, kéo các hào dương kia theo no, mà giúp đở hào âm 4 ở cạnh nó, ảnh hưởng tới 4, sai khiến được 4, khiến cho 4 làm được nhiệm vụ ở thời Tiểu súc.
Chữ [ 攣 ] có người đọc là luyến và giảng là có lòng quyến luyến.
6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):
Lời kinh: 上 九: 既 雨, 既 處 , 尚 德 載 . 婦 貞 厲 . 月 幾 望 , 君 子 征 凶.
Dịch âm: Ký vũ, ký xử, thượng đức tái. Phụ trinh lệ. Nguyệt cơ vọng, quân tử chinh hung.
Dịch nghĩa: Đã mưa rồi, yên rồi, đức nhu tốn của 4 đã đầy (ngăn được đàn ông rồi), vợ mà cứ một mực (trinh) ngăn hoài chồng thì nguy (lệ) đấy. Trăng sắp đến đêm rằm (cực thịnh), người quân tử (không thận trọng, phòng bị) vội tiến hành thì xấu.
Giảng nghĩa: Đây đã tới bước cuối cùng của quẻ tốn mà cũng là bước cuối cùng của quẻ Tiểu súc. Hào 4 đã thành công đến cực điểm , các hào dương hòa hợp với nó cả rồi, như đám mây kịt đã trút nước, mọi sự đã yên. Tới đó, hãy nên ngưng đi, cứ một mực ngăn chặn các hào dương thì sẽ bị họa đấy. Mà các hào dương (quân tử ) cũng nên lo đề phòng trước đi vì sắp tới lúc âm cực thịnh (trăng rằm) rồi đấy. Âm có nghĩa là tiểu nhân.
2. Quẻ Phong Thiên Tiểu Súc trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Tiểu Súc
Trong chiêm bốc, dự trắc Tiểu Súc có nghĩa là:
- Tiểu Súc là tích, tích chứa, tích tụ, tích cóp, dự trữ (đang chờ thời).
- Nuôi, nuôi dưỡng (Trời bao la để gió thổi bên trên. Tuỳ hỗ là quẻ Hoả Thiên Đại hữu).
- Tiểu súc là đậu, đậu vào, đỗ vào, dừng (việc đang dừng phải chờ đợi, đang tích trữ thông tin chờ tiến tới kết quả).
- Đại súc: dừng mà co lại (liệt, co quắp).
- Tiểu súc: dừng không phát triển, bệnh tật mới biểu hiện triệu chứng bệnh.
- Chứa nhỏ: Cái Tốn nhỏ chứa cái Càn (trời) lớn, sự dừng lại, kiềm toả nhỏ.
- Việc nhỏ thì hanh thông (trong giai đoạn ngắn, không để kéo dài). Mua bán kinh doanh bất động sản: mua giá nhỏ, giá hơi cao bán luôn.
- Tiểu súc là ràng buộc (ràng buộc tạm thời, không bền chặt). (Quẻ tốn lấy cái nhu của mình mà ràng buộc, nhưng không thể nén được sự cứng mạnh của quẻ Càn vì thế mà chỉ là tạm thời. Hào 4 âm nhu đắc vị chứa hào 5 dương. Lấy nhỏ chứa lớn, buộc được mà không bền. Trước sau ắt sẽ tràn ra. Ví như quan hệ vợ chồng mà chỉ lấy cái âm nu mà buộc chân chồng là không bền vậy). Nếu xem hôn nhân thì không tốt vì không bền lâu.
- Tiểu súc là tiếp xúc, giao dịch nhỏ (giai đoạn đầu, giao dịch cấp thấp, việc nhỏ, thời gian ngắn).
Triệu và điềm của quẻ Tiểu Súc
Quẻ Tiểu Súc có triệu Mật Vân Bất Vũ - Tạm thời phải nhẫn. Có bài thơ như sau:
Chờ đợi người đi, chẳng thấy về.
Giao dịch xuất hành, đều không tốt,
Hôn nhân cầu lợi, chỉ uổng công.
Tích xưa: Ngày xưa, Dương Kế Nghiệp bị vây ở Lang Nha Lĩnh gieo phải quẻ này. Quả nhiên, Dương Thất Lang đi cầu viện binh, Phan Nhân Mỹ không hề cho quân đi cứu. Đúng là ứng với quẻ "Mật vân bất vũ", thật là "tạm thời phải nhẫn".
Lời bàn quẻ: Mây là khí của âm dương, hai khí này hòa hợp mới thành mưa. Hai khí này mâu thuẫn nhau không thể mưa được. Trong trường hợp sau, con người phải tạm thời chịu đựng, chờ đợi khí âm và khí dương giao hòa. Thường là khí âm phải thuận theo khí dương. Khí âm đang thịnh thì hành động không thành.
Lời đoán quẻ: Khí hậu bình bình, tạm thời ung dung; cãi cọ và bệnh tật khiến lòng lo âu.