QUẺ SỐ 20: PHONG ĐỊA QUÁN - HẠN BỒNG PHÙNG HÀ

1. Quẻ Phong Địa Quán trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Phong Địa Quán

Quẻ Phong Địa Quán

Quẻ Phong Địa Quán hay được gọi là Quẻ Quan, là quẻ số 20 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.

Ngoại quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Càn, Ngũ hành Kim.

Quẻ Quán cả thượng quái và hạ quái chứa hào âm nên chứa đựng khuynh hương xung đột nhiều hơn ứng hợp. Do đó, ác ý nhiều hơn thiện ý. Bốn hào Âm ở dưới thể hiện ý nghĩa người lãnh đạo dễ vào tình trạng nhu nhược, lúc này sẽ bị người dưới phê bình, dòm ngó.

Thoán từ:

Lời kinh: 觀, 盥而不薦, 有孚顒若

Dịch âm: Quan, quán nhi bất tiến, hữu phu ngung nhược

Dịch nghĩa: Biểu thị (làm mẫu mực cho người ta thấy) cũng như người chủ tế, lúc sắp tế, rửa tay (quán ) cho tinh khiết, bấy nhiêu cũng đủ rồi, không cần phải bày mâm cỗ dâng lên (tiến); mình chí thành (phu) như vậy thì người khác cũng chí thành tín ngưỡng (ngung) mình.

Quan: Quan dã. Quan sát. Xem xét, trông coi, cảnh tượng xem thấy, thanh tra, lướt qua, sơ qua, sơn phết, quét nhà. Vân bình tụ tán chi tượng: tượng bèo mây tan hợp.
Lâm là lớn, vật gì đến lúc lớn thì mới đáng biểu thị cho người ta thấy, cho nên sau quẻ Lâm tới quẻ Quán cũng đọc là Quan. Quán là biểu thị cho người ta thấy, Quan là xem xét

Tượng quẻ:

Phong hành địa thượng (Gió thổi trên mặt đất)

Ngoại quá Tốn, nội quái Khôn là gió lướt trên mặt đất. Hạ quái âm chỉ người dưới phục tùng, thượng quái nếu biết lấy chí thành có thể cảm hóa được người cấp dưới.

Theo tượng quẻ, Tốn ở trên, Khôn ở dưới là gió thổi trên đất, tượng trưng cho sự cổ động khắp mọi loài, hoặc xem xét (quan) khắp mọi loài.
Lại thêm: hai hào dương ở trên, bốn hào âm ở dưới, là dương biểu thị (quán) cho âm; âm trông (quan) vào dương mà theo.
Đó là giải nghĩa tên quẻ.
Thoán từ và Thoán truyện đưa một thí dụ cho ta dễ hiểu.
Muốn biểu thị (quán) là mẫu mực cho người khác thấy thì nên có lòng chí thành như người chủ tế, lúc sắp tế, rửa tay cho tinh khiết, đó là điều quan trọng nhất, còn việc dâng cỗ, thuộc về vật chất, có nhiều cũng được, có ít cũng được, ví dụ như không có, chỉ dùng hương, hoa cũng tốt.
Hào 5 ở trong quẻ ở ngôi chí tôn, có đức dương cương, trung chính, chính là người cho thiên hạ trông vào mà cảm hóa theo.
Người đó nên coi đạo trời lẳng lặng vậy mà bốn mùa vận hành không sai, mà lấy lòng chí thành làm gương cho dân, dạy dân, dân sẽ không ai không phục.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 童觀, 小人无咎, 君子吝.

Dịch âm: Đồng quan, tiểu nhân vô Cửu, quân tử lận.

Dịch nghĩa: Trẻ con nhìn lên (không hiểu gì), tiểu nhân thì không đáng trách, quân tử mà như vậy thì hối tiếc.

Giảng nghĩa: Tên quẻ thì đọc là Quán, người trên (hào 5) biểu thị, làm gương cho người dưới. Nhưng xét từng hào thì đọc là quan, người dưới xem xét tư cách, hành vi của người trên. Hào 5, dương , đắc trung làm chủ quẻ, tượng trưng cho người trên, ông vua.
Hào nào cũng nhìn lên hào 5 cả, hào 1 ở xa quá, như con nít tò mò mà nhìn lên, không hiểu gì cả, nhưng vì là con nít, không đáng trách; người quân tử mà như vậy mới đáng trách.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 闚觀, 利女貞.

Dịch âm: Khuy quan, lợi nữ trinh.

Dịch nghĩa: Nhìn lên, chỉ thích hợp với nết trinh của đàn bà thôi.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, trung chính, là người con gái có nết trinh, ngó lên hào 5, không thấy được đạo lý của 5, con gái như vậy thì được. Người trượng phu mà như thế thì đáng xấu hổ (khả xú dã – Tiểu tượng truyện.)

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 觀我生, 進退.

Dịch âm: Quan ngã sinh, tiến thoái.

Dịch nghĩa: Xét bản thân, hành vi của mình, xem nên tiến lên (theo hào 4) hay nên đứng yên, đừng để phải lui xuống 2.

Giảng nghĩa: Hào này bất chính (âm mà ở vị dương), lại ở trên cùng nội quái, có thể tiến hay thoái; Hào từ khuyên đừng ngó lên hào 5, cứ tự xét bản thân, hành vi của mình, nếu đối phó được với hoàn cảnh thì tiến lên, không thì thôi, như vậy là chưa sai đường lối.

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 觀國之光, 利用 賓于王.

Dịch âm: Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương.

Dịch nghĩa: Xem cái quang vinh của nước mà lợi dụng địa vị thân cận với vua.

Giảng nghĩa: Hào này âm, đắc chính, ở ngay dưới hào 5, tức là vị thân cận với vua (quí khách của vua) được vua tín nhiệm, xem xét đức sáng của vua (vua hiền thì nước mới vinh quang, nền vinh quang của nước tức là đức sáng của vua), mà bắt chước, đem tài sức ra giúp đời.

5. Cửu Ngũ (Hào 5 dương):

Lời kinh: 九 五: 觀我生君子, 无咎.

Dịch âm: Quan ngã sinh quân tử, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Xét bản thân, hành động của ta hợp với đạo quân tử , như vậy là không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào 5 ngôi chí tôn, cương cường mà trung chính là bậc quân tử làm gương cho 4 hào ở dưới, mọi người đều ngó vào.
Tiểu tượng truyện bàn rộng: "Quan ngã sinh, quan dân dã" nghĩa là muốn xem đức của ta (của vua) thì cứ xem phong tục đạo đức của dân", vì vua mà hiền minh thì dân tình tốt, vua u mê thì dân tình xấu.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 觀其生君子, 无咎.

Dịch âm: Quan kỳ sinh quân tử , vô Cửu.

Dịch nghĩa: Xét bản thân, hành động của hào này hợp với đạo quân tử, như vậy là không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào từ: hào này y như hào từ 5, chỉ khác hào 5 dùng chữ ngã là ta, mà hào này dùng chữ kỳ là của nó (của hào trên cùng. Là vì hào 5 là vua, nói với hào 4 là cận thần, tự xưng là ta; còn hào này là lời Chu Công nói về hào trên cùng, cũng như đã nói về các hào 1, 2, 3, 5 ở dưới.
Hào trên cùng này cũng là dương như hào 5, cũng là quân tử , tuy không phải ở ngôi chí tôn, nhưng ở trên cao hơn hết, cũng làm gương cho các hào âm trông vào. Vì nó có tư cách quân tử , nên không có lỗi.

2. Quẻ Phong Địa Quán trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Quan

Trong chiêm bốc, dự trắc Quan có nghĩa là:

  • Quan sát xem xét.
  • Chiêm ngưỡng, biểu hiện của người ngoài cuộc đứng nhìn (khi xem việc gặp quẻ Quan thì cần phải có người ngoài giúp sức).
  • Quan ngoại (bên ngoài), đặt ra ngoài. Sự trợ giúp của người thứ ba, bên ngoài mới được việc (Tìm người đỡ đầu sẽ được việc)
  • Sự xa cách, sự đi lại, Dịch mã, xuất ngoại (Ví dụ có người xem có đi nước ngoài được không gặp quẻ Quan thì đi được, nhưng nên có người ngoài tác động giúp).
  • Sự lộn ngược phải trái, đảo lộn thắng thua (kiện tụng thì đến lúc cuối sự việc đảo lộn thắng thua), không rõ ràng.
  • Quan chức, quan sự. (Thăng quan, tiến chức).
  • Quan quách, quan tài, mồ mả (Tốn mộc là áo quan, ở trên Khôn là đất, vì Khôn là đất đào lỗ để chôn khác với Cấn là đất bằng; hay Khôn là cỗ xe trâu, bò, Tốn mộc là gỗ, tức xe
  • Quan là Quán: người thông minh, hiểu biết, quán thông nhưng láu cá, quán xuyến.
  • Môn quan (cái cổng, cửa ngõ, cửa khẩu, cửa nhà) (Khác với Bác là ngôi nhà).
  • Tượng người đi cà kheo (khác quẻ Bác là người làm xiếc đi trên dây; việc đại sự gặp Bác là đổ vỡ, gặp quẻ Quan thì cuối cùng sẽ thống nhất).

Triệu và điềm của quẻ Quan

Quẻ Quan có triệu Hạn Bồng Phùng Hà - Quý nhân phù trợ. Có bài thơ như sau:

Quẻ này có nước, đến tưới sen,
Buôn bán phát tài, đại cát hên.
Hôn nhân góp vốn, nhiều người giúp,
Xuất hành được lợi, bệnh tật tiêu.

Tích xưa: Ngày xưa, học trò của Khổng Tử là Đoan Mộc Tứ khi thiếu thời nghèo rớt mùng tơi, gieo được quẻ này. Quả nhiên, sau này Đoan Mộc Tứ đi buôn phát tài, trở nên giàu có. Mộc Tứ giàu mà không kiêu. Đúng là ứng với quẻ "Hạn hà đắc thủy", thực là "Quý nhân phù trợ".

Lời bàn quẻ: Đại hạn gặp mưa rào là gặp thời vận thuận lợi. Muốn được mọi người kính phục phải giúp người thoát khỏi đại nạn, cứu người sắp chết. Con người chỉ khi đó mới thực sự cảm ân, mới thực sự kính phục người cứu nạn.

Lời đoán quẻ: Của mất lại về, cãi cọ mất hết, bệnh tật tiêu tan, gặp thời gặp vận, quý nhân phù trợ.

Dụng thần quẻ Quan

Quẻ Quán thiếu hào Huynh Đệ và Tử Tôn (quẻ có hai Phục Thần). Huynh Đệ thuộc Kim, phục ở Tân Tỵ thuộc Hỏa. Theo vòng trường sinh, Kim sinh tại Tỵ, nghĩa là Phục Thần ở trường sinh, nên được xuất hiện ngay tức thì.
So với quẻ Càn, có sơ hào là Giáp Tý Thủy, là Tử Tôn, là Phục Thần núp ở sơ hào Quan là Ất Mùi Thổ Phi Thần. Phi Thần khắc phục Thần (Thổ khắc Thủy), đưa đến một thông tin có thể mô tả thành hình ảnh sau: người lộ diện đánh đuổi người núp sau hỗ trợ cho bản thân mình, tức bản thân mình cô đơn mà gánh vác hết mọi trách nhiệm khi sự việc xảy tới. Sự việc chỉ có thể thuận lợi (Phi không khắc được Phục) khi Phi Thần gặp không Vong, hoặc Phục Thần lâm Nhật Thần (ngày coi), Nguyệt Kiến (tháng coi) hoặc có động hào sinh Phụ Thần (điều mà Dịch lý gọi là hữu cứu), hoặc có động hào khắc Phi Thần, lúc này, Phục Thần mới xuất hiện.