QUẺ SỐ 40: LÔI THỦY GIẢI - NGŨ QUAN THOÁT NẠN

1. Quẻ Lôi Thủy Giải trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Lôi Thủy Giải

Quẻ Lôi Thủy Giải

Quẻ Lôi Thủy Giải hay được gọi là Quẻ Giải, là quẻ số 40 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☳ Chấn (震) - Lôi (雷) tức Sấm - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☵ Khảm (坎) - Thủy (水) tức Nước - Ngũ hành Thủy.

Thuộc nhóm tượng quái Chấn, Ngũ hành Mộc.

Quẻ Giải là hiểm sinh ra nạn nhưng nhờ động mà thoát được nạn. Khó khăn đã được giải quyết, báo hiệu cuộc sống dễ dàng hơn. Hơn nữa với những khó khăn (Khảm) mà tinh thần mạo hiểm sẽ thắng được mọi cuộc náo động (Chấn).

Thoán từ:

Lời kinh: 解利西南, 无所往, 其來復, 吉, 有攸往, 夙吉.

Dịch âm: Giải lợi Tây Nam, vô sở vãng, kỳ lai phục, cát; hữu du vãng, túc cát.

Dịch nghĩa: Tan cởi: đi về Tây nam thì lợi, đừng đa sự, cứ khôi phục lại như cũ thì tốt. Nhưng cũng có điều đáng làm, làm cho chóng thì tốt.

Giải: Tán dã. Nơi nơi. Làm cho tan đi, như làm tan sự nguy hiểm, giải phóng, giải tán, loan truyền, tuyên truyền, phân phát, lưu thông, ban rải, ân xá. Lôi vũ tác giải chi tượng: tượng sấm động mưa bay.
Không thể bị nạn hoài được, thế nào cũng tới lúc giải nạn, vì vậy sau quẻ Kiển tới quẻ Giải. Giải là cởi, tan.

Tượng quẻ:

Lôi vũ tác (Sấm mưa cùng tác động)

Ngoại quái Chấn, nội quái Khảm có nghĩa là giải tán những khí u uất giống như sấm trước rồi thành mưa.

Tượng quẻ là âm dương giao hoà với nhau, sấm (Chấn) động và mưa (Khảm) đổ, bao nhiêu khí u uất tan hết, cho nên gọi là Giải. Cũng có thể giảng: Hiểm (Khảm) sinh ra nạn, nhờ động (Chấn) mà thoát nạn nên gọi là Giải.
Khi mọi hoạn nạn đã tan rồi, thì dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị (Tây Nam thuộc Khôn là đường lối khoan đại, bình dị); đừng đa sự, cứ khôi phục trật tự cũ cũng đủ tốt rồi. Tuy nhiên cũng phải trừ những tệ đã gây ra những hoạn nạn trước kia, cũng phải sửa đổi cho sự bình trị được lâu dài, công việc đó nên làm cho mau xong (vẫn là ý đừng đa sự) thì tốt.
Đại tượng truyện khuyên sau khi giải nạn rồi, nên tha tội cho những kẻ lầm lỗi trước, nếu không tha được thì cũng nên giảm án cho nhẹ đi (quân tử dĩ xá quá, hựu tội).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 无咎.

Dịch âm: Vô Cửu.

Dịch nghĩa: Không lỗi.

Giảng nghĩa: Mới bắt đầu vào thời cởi mở, hào này âm nhu, mà có dương cương (hào 4) ở trên ứng, cứ lặng lẽ ở yên không sinh sự thì không có lỗi gì cả.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 田獲三狐, 得黃矢, 貞, 吉.

Dịch âm: Điền hoạch tam hồ, đắc hoàng thỉ, trinh, cát.

Dịch nghĩa: Đi săn được ba con cáo, được mũi tên màu vàng, giữ đạo chính thì tốt.

Giảng nghĩa: Không ai biết "ba con cáo" ám chỉ những hào nào, Chu Hi ngỡ là hào âm 1, 3 và trên cùng (trừ hào âm 5). Chỉ có thể đoán ý rằng: hào này dương cương, ứng với hào 5 âm, vị nguyên thủ, cho nên thế khá mạnh, có trách nhiệm với quốc gia trừ bọn tiểu nhân (ba con cáo), mà không mất mũi tên màu vàng (tức đạo trung trực – vàng là màu của trung ương, mũi tên tượng trưng cho việc ngay thẳng: trực). Hào từ khuyên phải giữ vững (trinh) đạo trung đó thì mới tốt.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 負且乘, 致寇至.貞吝.

Dịch âm: Phụ thả thừa, trí khấu chí; trinh lận.

Dịch nghĩa: Kẻ mang đội đồ vật mà lại ngồi xe là xui bọn cướp tới, nếu cứ giữ cái thói đó (trinh ở đây nghĩa khác trinh ở hào trên ) thì phải hối hận.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, bất chính, bất trung mà ở trên cùng nội quái, tức như kẻ tiểu nhân ở ngôi cao, không khác kẻ vừa mang đội (người nghèo) mà lại ngất ngưởng ngồi xe (như một người sang trọng), chỉ tổ xui cướp tới cướp đồ của mình thôi.
Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, Khổng tử bàn rộng ra như sau: ‘người thường mà ngồi xe của người sang là xui kẻ cướp tới cướp đoạt của mình. Người trên khinh nhờn kẻ dưới tàn bạo thì kẻ cướp (giặc) tìm cách đánh đuổi ngay. Giấu cất không kín đáo là dạy cho bọn gian vào lấy của nhà mình; trau giồi nhan sắc là dạy cho bọn gian dâm tới hiếp mình".

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 解而拇, 朋至斯孚.

Dịch âm: Giải nhi mẫu, bằng chí tư phu.

Dịch nghĩa: Bỏ ngón chân cái của anh đi (chữ nhi ở đây là đại danh từ) thì bạn (tốt) mới tới và tin cậy anh.

Giảng nghĩa: Hào này là dương, tuy không chính (vì ở ngôi âm) nhưng ở gần hào 5, vị nguyên thủ, là có địa vị cao. Nó ứng với hào 1 âm, tiểu nhân ở dưới, nên bị nhiều người chê, nếu nó biết tuyệt giao với hào 1 (tượng trưng bằng ngón chân cái, ở chỗ thấp nhất trong cơ thể) thì người tốt mới vui tới mà tin cậy ở nó.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 君子維有解, 吉.有孚于小人.

Dịch âm: Quân tử duy hữu giải, cát; hữu phu vu tiểu nhân

Dịch nghĩa: Người quân tử phải giải tán bọn tiểu nhân đi thì mới tốt; cứ xem bọn tiểu nhân có lui đi không thì mới biết chắc được mình có quân tử hay không.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, chưa chắc đã là quân tử, nhưng ở địa vị chí tôn, làm chủ quẻ, cho nên Hào từ khuyên phải tuyệt giao với bọn tiểu nhân (tức ba hào âm kia) thì mới tỏ rằng mình là quân tử được.

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 公用射隼于高墉之上.獲之, 无不利.

Dịch âm: Công dụng xạ chuẩn vu cao dung chi thượng. Hoạch chi, vô bất lợi.

Dịch nghĩa: Một vị công nhắm bắn con chim chuẩn ở trên bức tường cao. Bắn được, không gì là không lợi.

Giảng nghĩa: Đã tới lúc cuối cùng thời giải, nội loạn đã an rồi, nếu còn kẻ ở ngoài dám gây loạn (tượng trưng là con chim chuẩn ở trên bức tường cao). Thì cứ diệt đi, sẽ thành công. Vị "công" ở đây là hào trên cùng.
Theo Hệ từ hạ truyện, Khổng tử giải thích hào này như sau: "chuẩn là một loài chim, cung tên là đồ dùng, kẻ bắn là người. Người quân tử chứa sẳn đồ dùng (tài, đức) ở trong mình, đợi thời mà hoạt động thì có gì chẳng lợi?

2. Quẻ Lôi Thủy Giải trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Giải

Trong chiêm bốc, dự trắc Giải có nghĩa là:

  • Giải tán, cởi ra, gỡ ra, thoát khỏi, tan biến, tán phát, khuyếch tán (không tụ được).
  • Giải hoạn nạn, giải oan ức.
  • Giải là rút lui, rút lui mà "vô sở vãng" (không lợi cho tiến hành công việc ban đầu), không nên đi.
  • Cầu siêu, cầu cúng, giải hạn, giải oan, giải thoát vong linh, cúng tế. (Lập đàn tràng
  • Giải trừ, hoá giải (vì vậy nói "ngũ quan thoát nạn").
  • Giảng giải, giải thích (dạy dỗ, tượng của giáo viên).
  • (Quẻ ngũ linh đời người: người có khả năng nói, làm giáo viên)

Triệu và điềm của quẻ Giải

Quẻ Giải có triệu Ngũ Quan Thoát Nạn - May mắn thoát nạn. Có bài thơ như sau:

Ngũ quan thoát nạn, thật là may,
Cầu tài cầu lộc, được hanh thông.
Giao dịch xuất hành, đều có lợi,
Bệnh tật, cãi cọ, cũng tiêu tan.

Tích xưa: Ngày xưa, Tần Quỳnh ở dưới trướng Dương Lâm, gieo được quẻ này. Quả nhiên Dương Lâm muốn ám hại Tần Quỳnh, may nhờ có Trương Trường Nhan tặng kiếm, đêm vượt qua ải Đồng Quan. Đúng là ứng với quẻ "Ngũ quan thoát nạn", thật là "May mắn thoát chết".

Lời bàn quẻ: May mắn là sự việc ngẫu nhiên hoặc trùng hợp dẫn đến kết quả tốt đẹp cho người gặp may. Cũng có người gặp may nhiều lần trong đời, lại có kẻ chẳng bao giờ gặp may. Kẻ gặp may phải cám ơn người giúp thoát khỏi tai hoạ. Suy cho cùng, vận may là vận số của từng người, từng gia đình.

Lời đoán quẻ: Hôn nhân rất tốt, người đi sớm về, mưu sự tất thành, mọi việc may mắn.

Dụng thần quẻ Giải

Quẻ Giải thiếu một Thân so với Chấn là Phụ Mẫu: Canh Tý Thủy, do đó đây là Phục Thần của Giải và Phi Thần là sơ hào Huynh Đệ Mậu Dần Mộc. Thủy sinh Mộc nên Phục sinh Phi, nghĩa là có sự tiết khí, hao sức, giảm lực. Muốn cho hào này, tức Phục Thần xuất hiện, phải tiếp sức cho nó. Muốn vậy, xem vòng trường sinh, có thể xác định được lúc Phục Thần (tức Tý) xuất hiện được (ngày Thân, tháng Thân, vì là Thủy trường sinh).