QUẺ SỐ 34: LÔI THIÊN ĐẠI TRÁNG - CÔNG SƯ ĐẮC MỘC

1. Quẻ Lôi Thiên Đại Tráng trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Lôi Thiên Đại Tráng

Quẻ Lôi Thiên Đại Tráng

Quẻ Lôi Thiên Đại Tráng hay được gọi là Quẻ Đại Tráng, là quẻ số 34 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☳ Chấn (震) - Lôi (雷) tức Sấm - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Khôn, Ngũ hành Thổ.

Quẻ Đại Quá là sự hăng hái, thừa thắng xông lên. Quẻ này mang điềm tốt nếu thận trọng chọn đúng thời điểm và biết chuẩn bị kế hoạch hữu hiệu thì mới thu được kết quả bền vững.

Thoán từ:

Lời kinh: 大壯利貞.

Dịch âm: Đại tráng lợi trinh.

Dịch nghĩa: Lớn mạnh, theo điều chính thì lợi.

Đại Tráng: Chí dã. Tự cường. Ý chí riêng, bụng nghĩ, hướng thượng, ý định, vượng sức, thịnh đại, trên cao, chót vót, lên trên, chí khí, có lập trường. Phượng tập đăng sơn chi tượng: tượng phượng đậu trên núi.
Hết thời lui rồi thì tới thời tiến lên, tiến lên thì lớn mạnh, cho nên sau quẻ Độn tới quẻ đại tráng (lớn mạnh).

Tượng quẻ:

Lôi tại thiên thượng (Sấm ở trên trời)

Ngoại quái Chấn, nội quái Càn có nghĩa là sấm động ở trên trời. Bốn hào dương đang đi lên thể hiện sự thịnh vượng. Càn ở trong, Chấn ở ngoài đức dương cương động nên tự cường bất tức, mọi việc tốt lành.

Quẻ này có 4 nét dương ở dưới, hai nét âm ở trên; dương đã lớn mạnh mà âm sắp bị diệt hết. Quẻ Càn ở trong, quẻ Chấn ở ngoài, thế là có đức dương cương mà động. Lại có thể giảng là sấm vang động ở trên trời, tiếng rất lớn, vang rất xa.
Lớn mạnh thì dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng thường tình, gặp thời thịnh, người ta kiêu căng, làm điều bất chính, cho nên thoán từ phải dặn: giữ điều chính, lúc đắc ý nghĩ đến lúc thất ý, thì mới có lợi.
Đại tượng truyện bảo muốn giữ điều chính thì đừng làm cái gì phi lễ. (Quân tử phi lễ phất lí)
Thoán truyện bàn thêm: có chính thì mới có lớn (đại), chính đại là cái "tình" của trời đất, tức cái công dụng hiện ra ngoài của trời đất, (chính đại nhi thiên địa chi tình khả kiến hĩ). Chúng ta để ý: quẻ Phục mới có một nét dương hiện ở dưới cùng, cho nên bảo chỉ thấy cái lòng của trời đất (kiến thiên địa chi tâm), quẻ Đại tráng này, dương đã lớn, được 4 nét rồi, thì thấy được cái tình của trời đất.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 壯于趾, 征凶, 有孚.

Dịch âm: Tráng vu chỉ, chinh hung, hữu phu.

Dịch nghĩa: Mạnh ở ngón chân, đi lên thì xấu, có thể tin chắc như vậy (hữu phu ở đây không có nghĩa là có đức tin như những nơi khác).

Giảng nghĩa: Hào này ở dưới cùng, dương cương, cho nên ví với ngón chân, ở địa vị thấp mà hăng hái muốn tiến, sẽ vấp, xấu.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 貞吉.

Dịch âm: Trinh cát.

Dịch nghĩa: Có đức chính ,tốt.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương, ở vị nhu, tuy không đắc chính, nhưng đắc trung, mà trung thì không bao giờ bất chính, vậy cũng là tốt.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 小人用壯, 君子用罔.貞厲, 羝羊觸藩, 羸其角.

Dịch âm: Tiểu nhân dụng tráng, quân tử dụng võng. Trinh lệ, đề dương xúc phiên, luy kì giác.

Dịch nghĩa: Tiểu nhân dùng sức mạnh, quân tử không; dù giữ điều chính cũng nguy, như con cừu đực húc vào cái dậu, bị thương cái sừng.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương, ở vào vị dương (lẻ) trong quẻ Đại tráng, lại ở cuối nội quái Càn, thế là cực kì hung mạnh, dù giữ được chính đáng cũng nguy; quân tử biết vậy mà không hành động, chỉ tiểu nhân mới hung hăng như con cừu đực, húc vào cái dậu.
Bốn chữ "quân tử dụng võng", Chu Hi, J. Legge,R. Wilhelm đều giảng như vậy. Duy Phan Bội Châu bảo "võng" là gan liều, không sợ gì, và "quân tử dụng võng" là "quân tử hữu dũng mà vô nghĩa thì làm loạn". Chữ at ở đây không phải là người có đức (như Chu Hi hiểu) mà là người trị dân.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 貞吉, 悔亡, 藩決不羸.壯于大輿之輹.

Dịch âm: Trinh cát, hối vong, phiên quyết bất luy, tráng vu đại dư chi phúc.

Dịch nghĩa: Theo điều chính thì tốt, hối hận mất hết; dậu đã mở không khốn nữa, mạnh mẽ tiến lên, như ngồi cỗ xe lớn mà trục xe vững vàng.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương, qua khỏi nội quái là Càn, mà lên ngoại quái là Chấn, là tráng thịnh đến cực điểm; nó ở trên hết các hào dương, làm lãnh tụ đám quân tử, sợ nó hăng quá mà lầm đường nên dặn kĩ: giữ điều chính thì mới tốt, khỏi ân hận.
Ở trên nó là hai hào âm, âm đã đến lúc suy, dễ đánh đổ; như cái dậu ở trước mặt hào 4 đã mở, không còn bị khốn nữa; nó có thể dắt ba hào dương ào ào tiến lên dễ dàng, cơ hội thuận lợi như ngồi cỗ xe lớn mà trục xe vững vàng.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 喪羊于易, 无悔.

Dịch âm: Táng dương vu dị, vô hối.

Dịch nghĩa: Làm mất sự hung hăng của bầy cừu bằng cách vui vẻ dễ dại, thì sẽ không ân hận.

Giảng nghĩa: Hào này ở vị chí tôn, nhưng vốn âm nhu, không thể áp đảo được 4 hào dương ở dưới, phải vui vẻ dễ dãi với họ thì họ sẽ hết hung hăng. Bốn hào dương đó ví như bầy dê hung hăng. Sở dĩ phải có thái độ đó vì ngôi của 5 quá cao đối với tư cách âm nhu của nó.

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 羝羊觸 藩, 不能退, 不能遂, 无攸利, 艱則吉.

Dịch âm: Đề dương xúc phiên, bất năng thoái, bất năng toại, vô du lợi, gian tắc cát.

Dịch nghĩa: Cừu đực húc vào dậu, mắc kẹt, lui không được, tiến cho toại ý cũng không được, không có lợi gì cả; chịu khó nhọc thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào này ở trên cùng quẻ Đại tráng là hết thời lớn mạnh, mà cũng ở trên cùng ngoại quái Chấn, là rất ham động mà bất lực (âm nhu); như con cừu đực hung hăng húc vào dậu, mắc kẹt, lui không được, tiến lên cho toại ý cũng không được, không lợi ở chỗ nào cả. Nếu bỏ tính hung hăng húc quàng đi mà chịu khó nhọc thì tốt.

2. Quẻ Lôi Thiên Đại Tráng trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Đại Tráng

Trong chiêm bốc, dự trắc Đại Tráng có nghĩa là:

  • Đại tráng là tiến mạnh, lớn mạnh, sự thịnh vượng cường thịnh.
  • Là sự cương cường, cứng rắn vì thế dễ gãy đổ. Ví như thanh thép cứng dễ gẫy.
  • Thường tốt cho trung sự (Người đứng giữa, môi giới, trung gian, giữa sự việc, giai đoạn giữa).
  • Tượng ngựa non háu đá, dê non ngứa sừng húc bờ d ậu (Phàm người ta không biết dùng trí, chỉ thích dùng sức mạnh, ỷ sức lấy thịt đè người ắt phải có lúc gẫy quỵ).
  • Sự hữu hoạ (có hoạ), tượng của sự thương tích chân tay, tai nạn (thường khi Đại tráng là quẻ biến thì ứng nhiều hơn)
  • Là dịch mã, tượng của sự đi lại, đi nhanh (quẻ lục xung), tuy nhiên Đại tráng là việc đi gắn với sự hỏng hóc về xe cộ: bánh xe, trục xe, vành xe (Hữu nguy: có nguy, hễ có thể đến hung mà nó chưa tới là gọi là nguy).

Triệu và điềm của quẻ Đại Tráng

Quẻ Đại Tráng có triệu Công Sư Đắc Mộc - Vận khí sắp lên. Có bài thơ như sau:

Thợ mộc được gỗ, vận sắp lên,
Buôn bán, cầu tài, rất thuận hên.
Hôn nhân, góp vốn, đều đắc lộc,
Mọi sự mưu sinh, tất thành công.

Tích xưa: Ngày xưa, vua Tấn đêm mơ thấy gấu bay, tỉnh dậy gieo được quẻ này. Sau này, quả nhiên ông đã thu phục được Lý Tồn Hiếu ở núi Phi Hổ, chấn hưng nhà Tấn. Đúng là ứng với quẻ "Thợ mộc được gỗ", thật là "vận khí sắp lên".

Lời bàn quẻ: Thợ mộc không có gỗ thì không thể hành nghề. Cái cốt yếu nhất của người thợ là nguyên vật liệu. Người xưa nói: "Có bột mới gột lên hồ". Đi buôn phải có vốn, làm ruộng phải có trâu, làm giàu có số.

Lời đoán quẻ: Xuất hành cát lợi, bệnh tật tiêu tan, buôn bán đắc lộc, hôn nhân tốt đẹp, góp vốn tốt lành.

Dụng thần quẻ Đại Tráng

Quẻ Đại Tráng có đủ Lục Thân nên không có Phi Thần, Phục Thần.