QUẺ SỐ 32: LÔI PHONG HẰNG - NGƯ LAI TRÀNG VÕNG
1. Quẻ Lôi Phong Hằng trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Lôi Phong Hằng
Quẻ Lôi Phong Hằng hay được gọi là Quẻ Hằng, là quẻ số 32 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.
Ngoại quái: ☳ Chấn (震) - Lôi (雷) tức Sấm - Ngũ hành Mộc.
Nội quái: ☴ Tốn (巽) - Phong (風) tức Gió - Ngũ hành Mộc.
Thuộc nhóm tượng quái Chấn, Ngũ hành Mộc.
Quẻ Hàm lấy chính đính, hòa duyệt để cảm ứng với nhau còn quẻ Hằng lại lấy khiêm nhường, chấn động để kết cấu với nhau và trung thành với nhau. Bản chất quẻ Hằng lý trí đặt cao hơn tình cảm nên giữ được bền vững cảm ứng.
Thoán từ:
Lời kinh: 恆亨, 无咎, 利貞, 利有攸往
Dịch âm: Hằng hanh, vô cữu, lợi trinh, lợi hữu du vãng.
Dịch nghĩa: Lâu dài thì hanh thông, không có lỗi; giữ được chính đạo thì có lợi, tiến hành việc gì cũng thành công.
Hằng: Cửu dã. Trường cửu. Lâu dài, chậm chạp, đạo lâu bền như vợ chồng, kéo dài câu chuyện, thâm giao, nghĩa cố tri, xưa, cũ.
Ở đầu quẻ Hàm, tôi đã nói tại sao sau quẻ Hàm (trai gái cảm nhau) tiếp tới quẻ Hằng (đạo vợ chồng có tính cách lâu dài). Hàm: trên là Chấn trưởng na, dưới là Tốn, trưởng nữ chồng trên, vợ dưới ,rất hợp đạo, thì tất được lâu dài.
Tượng quẻ:
Lôi động dĩ phong (Sấm động có gió)
Ngoại quái Chấn, nội quái Tốn là sấm và gió. Thế của quẻ có động nhưng thuận đạo lý mà động nên tốt.
Cương (Chấn) ở trên, nhu (Tốn) ở dưới, sấm gió giúp sức nhau, Chấn động trước, Tốn theo sau, thế là thuận đạo. Lại thêm ba hào âm đều ứng với ba hào dương, cũng là nghĩa thuận nữa, cả hai bên đều giữ được đạo chính lâu dài.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Lục (Hào 1 âm):
Lời kinh: 初 六: 浚恆, 貞凶, 无攸利.
Dịch âm: Tuấn hằng, trinh hung, vô du lợi.
Dịch nghĩa: Quá mong được thân mật lâu dài; cứ quyết (trinh) như vậy, không chịu bỏ thì xấu, không làm gì được thuận lợi cả.
Giảng nghĩa: Hào 1 ứng với hào 4, nhưng địa vị mình quá thấp, địa vị 4 quá cao, mà 4 là dương cương, chỉ trông lên không ngó xuống mình; lại thêm có 2 hào 2 và 3 ngăn cách vậy mà không biết phận cứ tiến sâu (tuấn là sâu), mong được thân mật lâu dài, keo sơn với 4, thành ra ngu. Cứ kiên cố giữ cách ấy thì xấu.
2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):
Lời kinh: 九 二: 悔亡.
Dịch âm: Hối vong.
Dịch nghĩa: Hối hận tiêu hết.
Giảng nghĩa: Hào này dương cương ở vị âm, đáng lẽ có hối hận, nhưng vì đắc trung lại ứng với hào 5 cũng đắc trung, thế là giữ được đạo trung, nên không có gì hối hận.
3. Cửu Tam (Hào 3 dương):
Lời kinh: 九 三: 不恆其德, 或承之羞, 貞吝.
Dịch âm: Bất hằng kì đức, hoặc thừa chi tu, trinh lận.
Dịch nghĩa: Không thường giữ được cái đức của mình, có khi bị xấu hổ, dù chính đáng cũng đáng tiếc.
Giảng nghĩa: Hào dương ở vị dương là đắc chính, nếu thường giữ được đức "chính" đó thì tốt; nhưng vì quá cương mà bất đắc trung, lại theo đòi với hào trên cùng âm nhu, thế là bỏ cái đức chính của mình, muốn kết bạn với hào trên cùng, chưa biết chừng bị xấu hổ đấy. Vậy 3 tuy " chính " đấy, chỉ vì không thường giữ được đức đó, thì tuy chính mà vẫn đáng tiếc.
4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):
Lời kinh: 九 四: 田无禽.
Dịch âm: Điền vô cầm.
Dịch nghĩa: Như đi săn mà không được cầm thú.
Giảng nghĩa: Hào dương mà ở vị âm, là không phải chỗ của mình mà cứ ở lâu chỗ đó, vì trong quẻ Hằng thì chẳng nên việc gì, chỉ mất công thôi, như đi săn mà không bắt được cầm thú.
5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):
Lời kinh: 六 五: 恆其德, 貞. 婦人吉, 夫子凶.
Dịch âm: Hằng kỳ đức, trinh. Phụ nhân cát, phu tử hung.
Dịch nghĩa: Giữ được thường (lâu) đức của mình, bền mà chính. Đàn bà thì tốt, đàn ông thì xấu.
Giảng nghĩa: Hào 5, âm nhu, đắc trung, ứng với hào 2 dương cương cũng đắc trung, nếu cứ thuận tòng từ trước tới sau thì là bền mà chính đáng. Nhưng đó chỉ là đạo của đàn bà như hào 5, âm này thôi; không hợp với đàn ông, vì theo quan niệm thời xưa, phu xướng phụ tùy.
Tiểu tượng truyện giảng thêm, đàn ông phải tìm ra cái gì đáng làm thì làm (phu tử chế nghĩa), chứ cứ một mực theo vợ thì xấu.
6. Thượng Lục (Hào 6 âm):
Lời kinh: 上 六: 振恆, 凶.
Dịch âm: Chấn hằng, hung.
Dịch nghĩa: Cử động hoài, không chịu yên thì xấu.
Giảng nghĩa: Ở trên cùng quẻ Hằng và ngoại quái Chấn, cho nên nói là ham động quá, lại âm nhu, không bền chí, ở yên không được sẽ thất bại.
2. Quẻ Lôi Phong Hằng trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Hằng
Trong chiêm bốc, dự trắc Hằng có nghĩa là:
- Cửu, lâu dài, vĩnh cửu, vĩnh hằng.
- Hằng là thường, thường thường, thông thường, thường xuyên, luân thường, bình thường, đương nhiên cứ thế (Đạo thường muốn giữ được phải có chữ trinh, không trinh chính thì không thể giữ được đạo thường. Mặt khác muốn có thường thì phải động, động thì chót cùng rồi lại đầu vì thế mới là đạo thường, đạo thường thì không cùng tận vậy). Hằng: phải động mới có được đạo thường, loại trừ cái xấu xa, giữ được chính trinh: Phải có giao dịch.
- Sự ăn ở của vợ chồng.
- Quẻ Hàm: tượng của cưới hỏi (yêu nhau thì trai thuận theo gái, cảm, Đoài trên Cấn dưới)
- Quẻ Hằng: tượng của quan hệ vợ chồng sau khi cưới (Lấy nhau gái thuận theo trai, nên Chấn ở trên Tốn ở dưới, đạo vợ chồng là cả quá trình lâu dài gắn bó, là cửu)
Triệu và điềm của quẻ Hằng
Quẻ Hằng có triệu Ngư Lai Tràng Võng - Vạn sự như ý. Có bài thơ như sau:
Bệnh tật tiêu tan, người đi về.
Giao dịch xuất hành đêu được lợi,
Mưu sự tất thành, mọi việc thông.
Tích xưa: Ngày xưa, Gia Cát Lượng nhận lệnh của Chu Du làm 10 vạn chiếc tên đã gieo được quẻ này. Quả nhiên, sương mù dày đặc mặt sông, Gia Cát dùng thuyền cỏ gõ trống hò reo đến thuỷ trại của quân Tào. Quân Tào không biết quân địch nhiều ít ra sao, không dám xông ra ứng chiến, chỉ bắn tên. Thuyền cỏ đầy tên trở về, hơn 10 vạn mũi tên nộp cho Chu Du. Đúng là ứng với quẻ "Cá tự vào lưới", thật là "Vạn sự như ý".
Lời bàn quẻ: Vận may là một sự thật nhưng bạn nên nhớ rằng, có vận may thì có vận rủi. Chỉ có nhà thông thái mới không cần vận may, bởi vì may cái này sẽ rủi cái khác.
Lời đoán quẻ: Xuất hành có lợi, bệnh tật tự khỏi, cãi cọ tự mất, kinh doanh thuận lợi.