QUẺ SỐ 16: LÔI ĐỊA DỰ - THANH LONG ĐẮC VỊ

1. Quẻ Lôi Địa Dự trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Lôi Địa Dự

Quẻ Lôi Địa Dự

Quẻ Lôi Địa Dự hay được gọi là Quẻ Dự, là quẻ số 16 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☳ Chấn (震) - Lôi (雷) tức Sấm - Ngũ hành Mộc.

Nội quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Chấn, Ngũ hành Mộc.

Hào Tứ làm chủ quẻ, là người có tài, lại đứng ở vị trí chí tôn nên thu được lòng tin của nhiều người cả người trên cũng như người dưới. Tuy nhiên có điều cần lưu ý hạ quái Âm đang bốc lên nên đề phòng có thể lúc nào đó sẽ lấn áp quái Dương của quẻ.
Quẻ Dự là một nhân thần tài cao, quyền trọng và lấy được lòng tin của cấp trên và có tài thuyết phục người dưới nhưng đôi khi lại không thể thống nhất được mọi người, đứng ở vị trí lãnh đạo hoàn toàn.

Thoán từ:

Lời kinh: 豫, 利建侯, 行師

Dịch âm: Dự, là lợi kiến hầu, là hành sư

Dịch nghĩa: Vui vẻ: Dựng tước hầu (để trị dân), ra quân thì tốt.

Dự: Duyệt dã. Thuận động. Dự bị, dự phòng, canh chừng, sớm, vui vầy. Thượng hạ duyệt dịch chi tượng: tượng trên dưới vui vẻ.
Đã Đại hữu mà lại Khiêm thì tất nhiên là vui vẻ, sung sướng, cho nên sau quẻ Khiêm, tới quẻ Dự (vui, sướng).

Tượng quẻ:

Lôi xuất địa phấn (Sấm động đất chuyển)

Ngoại quái Chấn, nội quái Khôn. Chấn mang tính động, còn Khôn mang tính thuận, khi kết hợp thành quẻ mang ý nghĩa hành động vui vẻ, hòa thuận. Cũng có thể hiểu khí dương đang phát động thúc đẩy muôn vật sinh sôi nảy nở.

Có ba cách giảng ý nghĩa quẻ này.
- Chấn ở trên, Khôn ở dưới, có nghĩa là ở trên thì động, hành động; ở dưới thuận theo, như vậy tất vui vẻ.
- Sấm ở trên đất, nghĩa là khí dương phát động (chấn thuộc dương) mà muôn vật ở trên phát sinh, cũng là cảnh tượng vui vẻ.
- Quẻ này chỉ có một hào dương (hào 4), 5 hào âm đều theo nó, nó làm chủ trong quẻ , như một người tài đức, làm việc gì cũng thuận cả, tất thành công, sẽ vui vẻ, an ổn.
- Thuận với lẽ tự nhiên thì dù trời đất cũng nghe theo, huống hồ là việc dựng tước hầu, ra quân, dân há lại không theo.
- Thoán truyện bàn rộng thêm: Cái đạo thuận lẽ mà hành động đó là đạo trời, cho nên mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng ban ngày ban đêm, không bao giờ lầm; bốn mùa thay nhau chẳng bao giờ sai. Thánh nhân thuận lẽ mà hành động thì hình phạt không phiền phức mà dân chúng phục tòng.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 鳴豫, 凶.

Dịch âm: Minh dự, hung.

Dịch nghĩa: Khoe mình vui sướng một cách ồn ào, xấu.

Giảng nghĩa: Chữ Dự, tên quẻ có nghĩa là trên dưới thuận nhu hành động mà cùng vui vẻ; còn chữ dự trong các hào thì có nghĩa là cá nhân vui vẻ.
Như hào âm nhu ở dưới cùng này, bất trung, bất chính, là một tiểu nhân, ỷ có hào 4 cương kiện và có địa vị ở trên ứng viện, lấy làm đắc ý, bộc lộ nỗi sung sướng của mình một cách ồn ào, thế là kiêu mạn, xấu.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 介于石, 不終日, 貞吉.

Dịch âm: Giới vu thạch, bất chung nhật, trinh cát.

Dịch nghĩa: Chí vững như đá, chẳng đợi hết ngày (mà ứng phó ngay), chính đính, bền, tốt.

Giảng nghĩa: Hào này không a dua, vui nhưng tỉnh táo.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 盱豫, 悔遲, 有悔.

Dịch âm: Hu dự, hối trì, hữu hối.

Dịch nghĩa: Ngửa mặt lên trên (mong được phú quí) mà vui mừng, như vậy thế nào cũng ăn năn, mà sửa đổi chậm, lại càng ăn năn hơn.

Giảng nghĩa: Hào này cũng bất trung, bất chính, như kẻ tiểu nhân ngó lên trên là hào 4 dương cương, mong được phú quí mà vui mừng; không sớm rút chân ra khỏi cái bẩy quyền thế thì sẽ ân hận lớn.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 由豫, 大有得; 勿疑, 朋盍簪.

Dịch âm: Do dự, đại hữu đắc; vật nghi, bằng hạp trâm.

Dịch nghĩa: Người khác nhờ mình mà vui, mình có thể thành công lớn được; cứ hết lòng chí thành, đừng nghi ngờ thì các bạn thanh khí sẽ lại giúp mình đông mà chóng.

Giảng nghĩa: Hào này làm chủ trong quẻ, có tài, có địa vị cao, lại được hào 5 (vua) hết lòng tin, nên tạo hạnh phúc được cho người , thành công lớn được.
Nhưng là hào dương độc nhất trong quẻ một mình đảm đương gánh nặng, có lúc chán nản, nghi ngờ, nên Hào từ khuyên cứ chí thành, thì sẽ có nhiều bạn tới giúp.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 貞疾, 恆, 不死.

Dịch âm: Trinh tật, hằng, bất tử.

Dịch nghĩa: Bệnh hoài, dai dẳng nhưng không chết.

Giảng nghĩa: Hào 5, ở địa vị chí tôn, nhưng âm nhu, và có hào 4 được lòng dân, gánh hết việc thiên hạ, chuyên quyền; 5 chẳng phải làm gì cả, chỉ chìm đắm trong cảnh hoan lạc (vì ở thời Dự), nên ví với một người bị bệnh hoài. Nhưng may là có 5 đắc trung mà 4 cũng không áp bức, nên vẫn giữ được hư vị, cũng như bị bệnh dai dẳng mà không chết.
Phan Bội Châu cho hào 5 này đúng là trường hợp các vua Lê nhu nhược bị chúa Trịnh chuyên quyền, nhưng vẫn giữ được hư vị.

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 冥豫,成有渝, 无咎.

Dịch âm: Minh dự, thành hữu du, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Mê tối vì hoan lạc, nhưng nếu biết sửa đổi nết xấu thì không lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, bất trung bất chính, lại ở thời cuối quẻ Dự, cho nên ví với người mê tối vì hoan lạc. Nhưng cũng may, hào này ở trong ngoại quái Chấn, Chấn có nghĩa là động, có hy vọng nhúc nhích tự cường được, như vậy sẽ không xấu.

2. Quẻ Lôi Địa Dự trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Dự

Trong chiêm bốc, dự trắc Dự có nghĩa là:

  • Dự là duyệt, vui vẻ, hoà vui (vui của hoà đồng, thích đám đông) "thuận dĩ động dự" (thuận theo, động theo mà thành vui).
  • Dự là tham dự, đồng dự, người có liên quan, có tham dự. (Ví dụ: có người mất của hỏi được quẻ Dự. Nhà có người giúp việc, con trai, cháu trai đến chơi, Con trai bẻ khoá, cháu bê đi, rủ nhau bán để hút thử thuốc phiện xem sao).
  • Dự bị, dự phòng, dự trữ.
  • Vinh dự, danh dự.
  • Dựng nghiệp xây dựng, xây nhà, dựng vợ gả chồng, khởi đầu thuận lợi (quẻ Dự đẹp nhất cho khởi đầu).
  • Dự là "thuận dĩ động dự, dự thuận dĩ động" (Động mà thuận theo là dự - hoà vui, hoà vui mà thuận theo nên động vậy)
  • Dự là do dự, chưa quyết, còn phân vân, chưa quyết định, chưa ngả hẳn về bên nào, chưa rõ ràng.
  • Thuỳ châu nhỏ lệ (Nước mắt vui mừng, nước mắt đau buồn đám tang).

Triệu và điềm của quẻ Dự

Quẻ Dự có triệu Thanh Long Đắc Vị - Gặp hung hóa cát. Có bài thơ như sau:

Thanh long đắc thủy, vạn sự vui,
Cầu tài cầu lộc, được hanh thông.
Hôn nhân xuất hành, không trở ngại,
Cãi cọ, bệnh tật, cũng tiêu tan.

Tích xưa: Ngày xưa, Đường Tam Tạng phụng mệnh đi Tây Trúc lấy kinh đã gieo được quẻ này. Quả nhiên khi đến Ngũ hành sơn, ông đã thu phục được Tôn Ngộ Không. Dọc đường, Tôn Ngộ Không lại hàng phục được yêu quái, bảo vệ Đường Tăng lấy được Kinh Phật mang về. Đúng là ứng với quẻ "Thanh long đắc thủy", thật là "gặp hung hóa cát".

Lời bàn quẻ: "Dự" là "vui vẻ hòa hợp". Muốn có vui vẻ hòa hợp phải đồng thuận. Trong nhà hòa thuận, mọi người trong nhà vui vẻ. Nhưng vui quá sẽ khiến người ta mê muội, hợm hĩnh, mất cảnh giác. Vì vậy, sau khi thắng lợi, người ta rất dễ đắm chìm trong niềm vui, không thấy bao nguy hiểm đang rình rập, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là tấn công ngay.

Lời đoán quẻ: Giao dịch thành công, người đi sẽ về, góp vốn dễ dàng.

Dụng thần quẻ Dự

Quẻ Dự thiếu một thân là Phụ Mẫu, ở sơ hào, so với quẻ Chấn, do đó, đây là Phục Thần của Dự và Ất Mùi Thê Tài là Phi Thần (Thổ), ở đây: Phi Thần khắc Phục thần (Thổ khắc Thủy). Do vậy, Phụ Mẫu Canh Tý không thể xuất hiện được, Phục Thần này muốn xuất hiện được phải có điều kiện sau: quẻ có hào động sinh hào Phục Thần, hoặc Nhật Thần (ngày dự báo) lâm (đúng vào) Phục Thần hoặc hào Phi Thần bị động, hào Nhật Thần khắc chế (theo ngũ hành) Phi Thần, hoặc lâm không vong.