QUẺ SỐ 38: HỎA TRẠCH KHUÊ - PHẢN MẠI TRƯ DƯƠNG

1. Quẻ Hỏa Trạch Khuê trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Hỏa Trạch Khuê

Quẻ Hỏa Trạch Khuê

Quẻ Hỏa Trạch Khuê hay được gọi là Quẻ Khuê, là quẻ số 38 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☲ Ly (離) - Hỏa (火) tức Hỏa - Ngũ hành Hỏa.

Nội quái: ☱ Đoài (兌) - Trạch (澤) tức Đầm - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Cấn, Ngũ hành Thổ.

Quẻ Khuê là quẻ báo hiệu điềm xấu, sẽ sớm có hiểm họa hoặc chống đối. Phải lấy nhu trừ cương, đối với tình thế nhiều bạo tàn, hiểm nguy cần biết phòng thủ, khoan hòa, thậm chí nhẫn nhục may ra được vô cựu.

Thoán từ:

Lời kinh: 睽. 小 事 吉.

Dịch âm: Khuê. Tiểu sự cát.

Dịch nghĩa: Chống đối: việc nhỏ thì tốt.

Khuê: Quai dã. Hỗ trợ. Trái lìa, lìa xa, hai bên lợi dụng lẫn nhau, cơ biến quai xảo, như cung tên. Hồ giả hổ oai chi tượng: con hồ (cáo) nhờ oai con hổ.
Gia đạo đến lúc cùng thì có người trong nhà chia lìa, chống đối nhau, cho nên sau quẻ Gia nhân tới quẻ Khuê. Khuê nghĩa là chống đối, chia lìa.

Tượng quẻ:

Thượng hỏa hạ trạch (Lửa ở trên, đầm ở dưới)

Ngoại quái Ly, nội quái Đoài là lửa bốc lên trên, còn nước thì thấm xuống dưới nên chiều hướng trái ngược nhau. Trong quẻ có đức minh (Ly), đức duyệt (Đoài) nếu biết nương tựa vào nhau thì tốt làm việc nhỏ.

Đoài (chằm) ở dưới Ly (lửa). chằm có tính thấm xuống, lửa có tính bốc lên, trên dưới không thông với nhau mà càng ngày càng cách xa nhau.
Quẻ này xấu nhất trong Kinh dịch, ngược hẳn lại với quẻ Cách. Chỉ làm những việc nhỏ cá nhân thì hoạ may được tốt.
Thoán truyện giảng thêm: Đoài là thiếu nữ, Ly là trung nữ, hai chị em ở một nhà mà xu hướng trái nhau (em hướng về cha mẹ, chị hướng về chồng), chí hướng khác nhau, cho nên gọi là khuê.
Tuy nhiên Ðoài có đức vui, Ly có đức sáng, thế là hòa vui mà nương tựa vào đức sáng. Lại thêm hào 5, âm nhu mà tiến lên ở ngôi cao, đắc trung mà thuận ứng với hào 2, dương dương ở dưới, cho nên bảo việc nhỏ thì tốt.
Xét trong vũ trụ, trời đất, một ở trên cao, một ở dưới thấp, vốn là khác nhau, chia lìa nhau, vậy mà công hoá dục vạn vật là của chung trời đất. Trai gái, một dương, một âm, vẫn là trái nhau, vậy mà cảm thông với nhau. Vạn vật tuy khác nhau mà việc sinh hào cùng theo một luật như nhau. Thế là trong chỗ trái nhau vẫn có chỗ giống nhau, tìm ra được chỗ "đồng" đó trong cái "dị", là biết được cái diệu dụng (công dụng kỳ diệu) của quẻ Khuê, của thời Khuê.
Thoán truyện khuyên ta như vậy. Đại tượng truyện ngược lại khuyên ta ở trong chỗ "đồng" có khi nên "dị". Ví dụ người quân tử bình thường hành động cũng hợp thiên lý, thuận nhân tình như mọi người (đó là đồng); nhưng gặp thời loạn, đại chúng làm những việc trái với thiên lý thì không ùa theo họ, mà tách riêng ra, cứ giữ thiên lý, dù bị chê bai, bị gian khổ cũng chịu (đó là dị). Vậy không nhất định là phải đồng mới tốt, dị (chia lìa) cũng có lúc tốt.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 悔亡, 喪馬, 勿逐, 自復. 見惡人.无咎.

Dịch âm: Hối vong, táng mã, vật trục, tự phục kiến ác nhân, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Hối hận tiêu hết; mất ngựa đừng tìm đuổi, tự nó sẽ về: gặp kẻ ác rồi mới tránh được lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này có tính cương , ở địa vị dưới, trong thời chống đối nhau, thì tất ít kẻ hợp với mình, hành động thì sẽ bị hối hận; nhưng may ở trên có hào 4 cũng dương cương , ứng với mình, tức như có bạn đồng chí, cứ chờ đợi rồi sẽ gặp mà bao nhiêu khó khăn, ân hận sẽ tiêu hết. đối với kẻ ác thì tuy không ưa cũng đừng nên tỏ ra, cứ làm bộ vui vẻ giao thiệp họ, để họ khỏi thù oán.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 遇主于巷, 无咎.

Dịch âm: Ngộ chủ vu hạng, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Gặp chủ trong ngõ hẹp (do đường tắt) không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này dương cương đắc trung, ứng với hào 5, âm nhu đắc trung, nếu ở trong quẻ Thái (thời thông thuận) thì rất tốt; nhưng ở trong quẻ Khuê (thời chống đối nhau) thì kém vì hào 5 âm nhu có ý kiêng nể hào 2 dương cương, do đó, 2 muốn gặp 5 thì phải dùng đường tắt, rình 5 trong ngõ hẹp như tình cờ gặp nhau vậy. Không có lỗi gì cả, vì thái độ đó chỉ là quyền biến thôi.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 見輿曳, 其牛掣; 其人天且劓.无初有終.

Dịch âm: Kiến dư duệ, kì ngưu xệ (hay xiệt); Kì nhân thiên thả nghị, vô sơ hữu chung.

Dịch nghĩa: Thấy xe dắt tới, nhưng con bò bị (hào 4) cản, không tiến được; như người bị xâm vào mặt, xẻo mũi, mới đầu cách trở, sau hòa hợp với nhau.

Giảng nghĩa: Hào 3 bất chính (dương mà ở vị âm), ứng với hào trên cùng cũng bất chính. Vì ứng với nhau nên cầu hợp với nhau, 3 muốn tiến lên gặp hào ứng với nó, nhưng bị hào 4 ở trên ngăn chặn, như cỗ xe đã dắt tới rồi mà con bò bị cản, không tiến được. Lại thêm bị hào 2 ở dưới níu kéo lại. Hào 3 phải chống lại 4 và 2, xô xát với chúng mà bị thương ở mặt ở tai (chữ thiên [天 ] ở đây có nghĩa là bị tội xâm vào mặt, chữ nghị [劓] có nghĩa là bị tội xẻo mũi). Nhưng rốt cuộc là (2 và 4) vẫn không thắng được chính (3) và 3 vẫn hòa hợp được với hào trên cùng.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 睽孤, 遇元夫, 交孚, 厲无咎.

Dịch âm: Khuê cô, ngộ nguyên phu, giao phu, lệ vô Cửu.

Dịch nghĩa: Ở thời chia lìa chống đối mà cô lập; nếu gặp được người trai tốt (nguyên phu), mà chí thành kết hợp với nhau (giao phu) thì dù có gặp nguy, kết quả cũng không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào 4 này cô lập vì là dương mà bị hai hào âm bao vây, người trai tốt đây là hào 1, cùng đức (dương) với 4.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 悔亡, 厥宗噬膚, 往, 何咎.

Dịch âm: Hối vong, quyết tôn phệ phu, vãng, hà Cửu.

Dịch nghĩa: Hối hận tiêu hết; nếu người cùng phe với mình cắn vào da mình (hết sức giúp đỡ mình) thì tiến đi, không có lỗi gì cả.

Giảng nghĩa: Hào này không đắc chính (âm mà ở vị dương), ở vào thời chống đối, đáng lẽ xấu, mà nhờ có đức trung, lại có hào 2 dương cương ứng với mình, nên không xấu nữa, hối hận tiêu tan hết. Được vậy là nhờ hào 2 chịu đứng vào một phe với mình, rất thân thiết với mình, như cắn chặt vào da mình.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 睽孤, 見豕負塗, 載鬼一車.先張之弧, 後說之弧, 匪寇, 婚媾.往遇雨則吉.

Dịch âm: Khuê cô, kiến thỉ phụ đồ, tải quỉ nhất xa. Tiên trương chi hồ, hậu thoát chi hồ, phỉ khấu, hôn cấu. Vãng ngộ vũ tắc cát.

Dịch nghĩa: Ở thời chia lìa mà cô độc (sinh nghi kỵ), thấy con heo đội đầy bùn, thấy chở quỉ đầy một xe. Mới đầu giương cung để bắn, sau buông cung xuống, xin lỗi rằng mình không muốn làm hại hào 3 mà muốn cầu hôn. (Hai bên hòa hợp nhau, vui vẻ) như sau khi nắng lên, gặp cơn mưa, tốt lành gì hơn?

Giảng nghĩa: Ở vào thời chia lìa, người ta hay nghi kỵ nhau, hào cuối cùng này, dương cương ở địa vị tối cao, không tin ai ở dưới cả, cho nên bị cô độc. Ngay hào 3 âm, chính ứng với mình mà cũng bị mình nghi kỵ, vì 3 ở kẹt vào giữa 2 hào dương, cho rằng 3 theo phe 2 hào dương đó mà chống với mình. Vì nghi kỵ, nên thấy 3 như con heo đội bùn, lại tưởng xe mình chở một bầy quỉ muốn hại mình. Do đó mà đâm hoảng, giương cung muốn bắn 3, nhưng nhờ vẫn còn chút minh mẫn (vì ở trên cùng ngoại quái Ly) nên sau nghĩ lại, buông cung xuống, xin lỗi 3: "Tôi không phải là giặc (kẻ thù) muốn làm hại em đâu, mà trái lại muốn cầu hôn với em" Hết nghị kỵ rồi, hai bên hòa hợp vui vẻ như sau khi nắng lâu gặp trận mưa rào, và cùng giúp nhau cứu đời.
Văn thật là bóng bẩy, tâm lý cũng đúng: Phan Bội Châu khen là "đạo lý rất tinh thâm mà văn tự cũng ly kỳ biến hoá".

2. Quẻ Hỏa Trạch Khuê trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Khuê

Trong chiêm bốc, dự trắc Khuê có nghĩa là:

  • Khuê là bối (lưng), là phản bối (quay lưng lại với nhau), là trái ngược nhau, là khác nhau (Nếu thành lập công ty xem được quẻ Khuê là không được, xem hôn nhân chưa cưới thì quay lưng lại với nhau, đã lấy nhau thì cãi nhau suốt. Tượng của quẻ là 2 nữ trong một nhà: Đoài Ly, có một người đàn ông: Khảm).
  • Khuê là sự nhầm lẫn (trông gà hoá quốc) là khí vận chưa hanh thông, tượng của con số ba (3 người, 3 năm hoặc 3 tháng... mới được).
  • Là tiểu hanh thông, là tốt cho tiểu sự, là dạm ngõ (dạm ngõ thì tốt: Ly là mâm quả, Đoài là cô gái đội mâm. Cưới xin không được. Sao khuê rất sáng nhưng chỉ một lúc sáng hoặc tối).
  • Khuê là lợi ban đầu mà lìa về sau (tiền cát hậu hung). Ban đầu bao giờ cũng tốt, như lúc bé hai nữ ở chung một nhà, lớn lên lấy chồng ai về nhà ấy, ý chí khác nhau nên lìa vậy, lìa là cùng gốc mà xa nhau ra.

Triệu và điềm của quẻ Khuê

Quẻ Khuê có triệu Phản Mại Trư Dương - Long đong lận đận. Có bài thơ như sau:

Buôn bán lợn dê, đều gặp rủi,
Vận số kinh doanh, không hợp ngành.
Giao dịch xuất hành, đều bất lợi,
Hôn nhân, buôn bán cũng uổng công.

Tích xưa: Ngày xưa, Thôi Diên Ngọc đi thi, thiếu tiền, nửa đường vào nhà bà con nhờ cậy, đã gieo phải quẻ này. Quả nhiên, Thôi Thiện Tường không nhận họ hàng. Thôi Diên Ngọc đành phải xấu hổ ra về. Đúng là ứng với quẻ "mua lợn bán dê" thật là "long đong lận đận".

Lời bàn quẻ: Muốn tốt đẹp nhưng phương pháp không đúng làm hỏng việc, chẳng khác nào "lợn lành chữa thành lợn què". Đó là cách làm trái với qui luật, trái với đạo lí.

Lời đoán quẻ: Cầu danh cầu lợi đều không được, bệnh tật không khỏi, mọi việc khó khăn.

Dụng thần quẻ Khuê

Quẻ Khuê thiếu Thê Tài ở ngũ hào, ở đây là Bính Tý Thủy - là Phục Thần, còn hào ngũ của Khuê là Kỷ Mùi Thổ là Phi Thần. Phi Thần Thổ khắc Phục Thần Thủy, rơi vào dạng "Phi lai khắc phục", hào Phi diệt hào Phục, do đó Phục Thần không xuất hiện được. Muốn cho Phục xuất hiện, phải làm cho tính Thổ của Phi mất tác dụng phải chờ đến ngày Tý và ngày Mùi, Thổ gặp Không Vong, lúc này Phi Thần mới xuất hiện.