QUẺ SỐ 64: HỎA THỦY VỊ TẾ - THÁI TUẾ NGUYỆT KIẾN

1. Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Hỏa Thủy Vị Tế

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế hay được gọi là Quẻ Vị Tế, là quẻ số 64 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Hung.

Ngoại quái: ☲ Ly (離) - Hỏa (火) tức Hỏa - Ngũ hành Hỏa.

Nội quái: ☵ Khảm (坎) - Thủy (水) tức Nước - Ngũ hành Thủy.

Thuộc nhóm tượng quái Ly, Ngũ hành Hỏa.

Nếu Ký Tế sáu hào đắc chính thì sáu hào của quẻ Vị Tế đều bất chính. Âm hào cư dương vị, nhiều hung hiểm khó có kết cục sáng sủa như mong đợi. Để tránh sa vào hiểm tốt nhất nên biết cách giữ mình.

Thoán từ:

Lời kinh: 未濟亨, 小狐汔濟, 濡其尾, 无攸利

Dịch âm: Vị Tế hanh, tiểu hồ ngật tế, nhu kỳ vĩ, vô du lợi.

Dịch nghĩa: Chưa xong, chưa cùng: được hanh thông. Con chồn nhỏ sửa soạn vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không qua được, không có gì lợi cả.

Vị Tế: Thất dã. Thất cách. Thất bát, mất, thất bại, dở dang, chưa xong, nửa chừng. Ưu trung vọng hỷ chi tượng: tượng trong cái lo có cái mừng.
Bình luận: Kinh Dịch kết thúc bằng quẻ Vị Tế (chưa xong việc) mà trước đó lại là quẻ Ký Tế (đã xong việc). Ý nghĩa của nó là mọi sự việc tưởng chừng như đã kết thúc nhưng thực ra thì không bao giờ kết thúc. Suy rộng ra thì vạn vật trong vũ trụ cũng vậy. Sự chuyển động, thay đổi nói chung là không có đầu mà cũng chẳng có cuối.
Kí tế là qua sông rồi, cũng rồi, nhưng theo luật thiên nhiên, không có lẽ nào hết hẳn được, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hoá hoá hoài, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng, do đó sau quẻ Kí tế tới quẻ Vị tế: chưa qua sông, chưa xong, chưa hết.

Tượng quẻ:

Hoả tại thu ỷ thượng (Lửa ở trên nước)

Ngoại quái Ly, nội quái Khảm có ý nghĩa là lửa đặt ở trên của nước nên không thể giao hòa mọi việc khó mà thành công.

Quẻ này trái hẳn quẻ trên: lửa ở trên nước, nước và lửa không giao nhau, không giúp được nhau; cả 5 hào đều ở trái ngôi cả; dương ở vị âm, mà âm ở vị dương, cho nên gọi là vị tế: chưa xong.
Vị tế chứ không phải là bất tế, chưa qua sông được chứ không phải là không qua được, sẽ có thời qua được, lúc đó sẽ hanh thông. Thời đó là thời của hào 5, có đức nhu trung, biết thận trọng mà ở giữa quẻ Ly (thời văn minh). Vả lại tuy 5 hào đều trái ngôi, nhưng ứng viện nhau cương nhu giúp nhau mà nên việc: thêm một lẽ hanh thông nữa.
Thoán từ khuyên đừng nên như con chồn con, nóng nảy hấp tấp, mới sửa soạn qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không qua được nữa, không làm được việc gì lợi cả, không tiếp tục được đến cùng.
Đại tượng khuyên phải xem xét kỹ càng mà đặt người, vật vào chỗ thích đáng, thì mới nên việc, đừng đặt lửa ở trên nước chẳng hạn như quẻ này.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 濡其尾, 吝.

Dịch âm: Nhu kì vĩ, lận.

Dịch nghĩa: Để ướt cái đuôi, đáng ân hận.

Giảng nghĩa: Âm nhu, tài kém, ở vào đầu thời Vị tế, mà lại bước chân vào chỗ hiểm (khảm), như con chồn sắp sửa qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không biết tính trước phải ân hận.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 曳其輪, 貞吉.

Dịch âm: Duệ kì luân, trinh cát.

Dịch nghĩa: Kéo lết bánh xe, giữ đạo trung chính thì tốt.

Giảng nghĩa: Dương cương là có tài, ở vị âm là bất chính, thấy hào 5 ở ngôi tôn, ứng với mình là âm nhu, có ý muốn lấn lướt 5, như vậy sẽ hỏng việc, cho nên hào từ khuyên nên giảm tính cương của mình đi (như kéo lết bánh xe, hãm bớt lại) và giữ đạo trung của mình (hào 2 đắc trung) thì tốt, vì hễ trung thì có thể chính được.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 未濟, 征凶, 利涉大川.

Dịch âm: Vị tế: chinh hung, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch nghĩa: Chưa thành đâu, nếu cứ tiến hành thì bị hoạ, vượt qua sông lớn thì lợi.

Giảng nghĩa: Âm nhu, vô tài, lại bất trung, bất chính, không làm nên việc đâu, nếu cứ tiến hành thì xấu. Nhưng đã cảnh cáo: tiến hành thì xấu mà sao lại bảo qua sông lớn thì lợi? Mâu thuẩn chăng? Vì vậy mà có người ngờ trước chữ lợi, thiếu chữ bất vượt qua sông lớn thì không lợi, mới phải.
Có thể giảng như vầy: xét về tài đức của 3 thì không nên tiến hành, nhưng xét về thời của 3: Ở cuối quẻ Khảm, là sắp có thoát hiểm, hơn nữa trên có hào 6 dương cương giúp cho, thì sắp có cơ hội vượt qua sông lớn được. Lúc đó sẽ có lợi.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 貞吉, 悔亡.震用伐鬼方, 三年. 有賞于大國.

Dịch âm: Trinh cát, hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ Phương, tam niên. Hữu thưởng vu đại quốc.

Dịch nghĩa: Giữ đạo chính thì tốt, hối hận mất đi. Phấn phát (Chấn) tinh thần, cổ vũ dũng khi mà đánh nước quỉ Phương, lâu ba năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho.

Giảng nghĩa: Có tài dương cương, mà ở vào thời thoát khỏi hiểm (nội quái Khảm), tiến lên cõi sáng của văn minh (ngoại quái Ly), trên có hào 5, âm , là ông vua tin vậy mình ,thì đáng lẽ tốt. Chỉ vì hào 4 này bất chính (dương ở vị âm) nên khuyên phải giữ đạo chính. Lại khuyên phải phấn phát tinh thần và kiên nhẫn mới làm được việc lớn cho xã hội, như việc đánh nước quỉ phương thời vua Cao Tôn (coi hào 3, quẻ Kí tế) ba năm mới thành công.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 貞,吉,无悔.君子之光有孚.吉.

Dịch âm: Trinh, cát, vô hối. Quân tử chi quang hữu phu, cát.

Dịch nghĩa: Có đức trung chính, tốt, không có lỗi. Đức văn minh của người quân tử do chí thành mà rực rỡ, tốt.

Giảng nghĩa: Hào này âm ở vị dương là bất chính, nhưng vì âm nhu, đắc trung (trung còn tốt hơn chính) ở vào giữa ngoại quái Ly, là có đức văn minh rực rỡ, lại ứng với hào 2 đắc trung, dương cương ở dưới, nên hai lần được khen là tốt; lần đầu vì có đức trung, văn minh lần sau vì có lòng chí thành, hết lòng tin ở hào 2.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 有孚于飲酒, 无咎.濡其首, 有孚, 失是.

Dịch âm: Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu Nhu kì thủ, hữu phu, thất thị.

Dịch nghĩa: Tin tưởng chờ đợi như thong thả uống rượu chơi thì không lỗi, nếu quá tự tin mà chìm đắm trong rượu chè (ướt cái đầu) thì là bậy.

Giảng nghĩa: Dương cương ở trên cùng quẻ là cương tới dùng cực, cũng ở cuối ngoại quái Ly là sáng đến cùng cực, đều là quá cả. Sắp hết thời Vị tế rồi, mà hào 4 và 5 đã làm được nhiều việc rồi, hào 6 này chỉ nên tự tín, lạc thiên an mệnh, vui thì uống rượu chơi mà chờ thời, như vậy không có lỗi. Nếu quá tự tín đến mức chìm đắm trong rượu chè (như con chồn ướt cái đầu), không biết tiết độ thì mất cái nghĩa, hoá bậy.

2. Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Vị Tế

Trong chiêm bốc, dự trắc Vị Tế có nghĩa là:

  • Việc chưa xong, chưa thành (Nếu xem ốm đau thì chưa chết).
  • Thời kỳ quá độ, giai đoạn chuyển tiếp.
  • Thất thoát, mất mát, thiệt thòi, thất thế, thất thoát thông tin, giấu đầu hở đôi (còn là thông tin, tín hiệu điện tín, tín hiệu mooc xơ cấp cứu SOS)
  • Tráo trở đầu đuôi, là người đi sau lại thành về trước (Thi cử, xin việc ... người tưởng được lại không được, mà người khác lại thế chỗ đó).

Triệu và điềm của quẻ Vị Tế

Quẻ Vị Tế có triệu Thái Tuế Nguyệt Kiến - Tiểu nhân ám hại. Có bài thơ như sau:

Thái Tuế chiếu mạng, việc rất hung,
Hôn nhân, tài lộc chớ cưỡng cầu.
Giao dịch xuất hành đều bất lợi,
Của mất người đi, chẳng thấy về.

Tích xưa: Ngày xưa, Triệu Khuông Dật xuống Hà Đông đã gieo phải quẻ này. Quả nhiên, Phan Nhân Mỹ bán nước, Triệu Khuông Dật bị bao vây. Đúng là ứng với quẻ "Thái Tuế nguyệt kiến", thật là "tiểu nhân ám hại".

Lời bàn quẻ: Sao Thái Tuế chiếu mạng, chủ làm ăn thất bại. Cách 12 năm, mỗi người mới bị sao Thái Tuế chiếu. Vào những năm này, sức khoẻ của người bị sao Thái Tuế chiếu rất yếu. Công việc làm ăn không thua lỗ thì trục trặc. Tốt nhất không nên mở rộng kinh doanh vào năm này.

Lời đoán quẻ: Kiện tụng bất lợi, cãi cọ tai ương, hiện thời phải nhẫn lại, luôn luôn phải đề phòng.

Dụng thần quẻ Vị Tế

Quẻ Vị Tế thiếu một thân là Quan Quỷ Kỷ Hợi Thủy, do đó, đây là Phục Thần của Tế. Phi Thần của quẻ là Huynh Đệ Mậu Ngọ Hỏa ở hào Tam. Qua tính chất của ngũ hành, ở đây Phục Thần khắc Phi Thần, điều mà Dịch Học gọi là "xuất bao". Khi dự báo rơi vào trường hợp này, chỉ có thể tự mình nỗ lực hành động, đề phòng những người quanh mình, nhất là những người mình tin cẩn.