QUẺ SỐ 14: HỎA THIÊN ĐẠI HỮU - NHUYỄN MỘC NÔ TƯỚC

1. Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu

Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu

Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu hay được gọi là Quẻ Đại Hữu, là quẻ số 14 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Đại Cát.

Ngoại quái: ☲ Ly (離) - Hỏa (火) tức Hỏa - Ngũ hành Hỏa.

Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.

Thuộc nhóm tượng quái Càn (Quẻ Quy Hồn), Ngũ hành Kim.

Quẻ Đại Hữu chính là quẻ Đồng Nhân đảo ngược lại. Quẻ này không có sức mạnh của Càn nhưng lại sở hữu tài trí của Ly. Thời kỳ này không còn duy trì đoàn kết mà là giai đoạn gặt hái kết quả. Tất nhiên sau đó dẫn tới giàu mạnh.

Thoán từ:

Lời kinh: 大有元亨

Dịch âm: Đại hữu nguyên hanh

Dịch nghĩa: Có lớn thì rất hanh thông.

Đại Hữu: Khoan dã. Cả có. Thong dong, dung dưỡng nhiều, độ lượng rộng, có đức dầy, chiếu sáng lớn. Kim ngọc mãn đường chi tượng: vàng bạc đầy nhà.

Tượng quẻ:

Hoả tai thiên tượng (Trên trời có lửa cháy sáng rực)

Ly thì ở trên, Càn thì ở dưới, có nghĩa là ánh sáng lên tới tột bậc hoặc cũng có thể hiểu là đức cường kiện của Càn ở trong, đức văn minh của Ly ở ngoài. Thời này đức trung lớn với hầu như các hào đều dương, chỉ có hào Ngũ là hào âm. Hào âm ở đây là âm nhu ở vị chí tôn.

☲ ở trên Càn là lửa ở trên trời, chiếu sáng mọi vật như vậy là "có lớn" Ly lại có nghĩa là văn minh, Càn là cương kiện, gồm cả văn minh và cương kiện cho nên rất hanh thông.
Theo Thoán truyện: Còn một cách giảng nữa: quẻ này chỉ có một hào âm, nó thống lĩnh quần dương, 5 hào dương đều theo nó, có nghĩa là mọi người về với nó, mà nó được "có lớn". Sở dĩ nó thống lĩnh được vì nó ở ngôi tôn mà lại đắc trung. Nó ứng hợp với hào 2, dương ở giữa quẻ Càn, như vậy nó vừa văn minh vừa cương kiện, ứng với trời (Càn) mà hành động đúng với thời.
Đại tượng truyện khuyên: người quân tử trong quẻ này phải ngăn đón ngay điều dữ khi nó chưa phát hiện, và biểu dương điều tốt khi nó còn mập mờ để thuận mệnh tốt của trời (át ác dương thiện, thuận thiên hưu mệnh: chữ hưu ở đây là tốt).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 无交害, 匪咎; 艱則无咎.

Dịch âm: Vô giao hại, phỉ Cửu; nan tắc vô cửu.

Dịch nghĩa: Chưa làm việc gì tai hại, chưa có lỗi; nhưng phải (cẩn thận) cư xử như gặp lúc gian nan thì mới khỏi lỗi.

Giảng nghĩa: Đại hữu là có lớn. Hào 1 như con một nhà giàu sang, còn trẻ, chưa làm gì tai hại thì chưa có tội, nhưng vì là con nhà giàu, ít người ưa, nếu lại kiêu căng xa xỉ thì sẽ gây oán ghét, cho nên Hào từ khuyên sống trong cảnh gian nan thì mới khỏi tội.

2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):

Lời kinh: 九 二: 大車以載, 有攸往, 无咎.

Dịch âm: Đại xa dĩ tái, hữu du vãng, vô cửu.

Dịch nghĩa: Xe lớn chở nặng, đi chốn nào (ý nói làm gì) cũng được, không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này tốt nhất trong quẻ : dương cương mà đắc trung, vừa có tài vừa khiêm tốn, được hào 5, âm ở trên ứng hợp, như được vua hết sức tin dùng sẽ thành công, cho nên ví với cỗ xe lớn chở nặng đi đường xa, đâu cũng tới được.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 公用亨于天子, 小人弗克.

Dịch âm: Công dụng hưởng vu thiên tử, tiểu nhân phất khắc.

Dịch nghĩa: Như bậc công (hầu) mở tiệc mời thiên tử hạng tiểu nhân không đương nổi việc đó.

Giảng nghĩa: Thời xưa chữ [ 亨 ] đọc là hanh (nghĩa là hanh thông) mà cũng đọc là hưởng) nghĩa là hưởng dụng, dâng, yến tiệc, lễ lớn) Chu Hi hiểu là triều hiến. R.Wilhem hiểu là đem đất đai của cải dâng thiên tử, hoặc cho dân chúng.
Chúng tôi theo Phan Bội Châu mà dịch như trên. Hào 3 này dương cương đắc chính, đứng trên cùng nội quái, cho nên ví với một bậc công; ở vào thời Đại hữu tất có nhiều đất đai, nhân dân; nên bậc thiên tử cũng nể, tới dự tiệc do vị công đó đãi. Những phải là người quân tử, có đức hạnh, không kiêu, mới làm như vậy được; còn hàng tiểu nhân, thấy thiên tử tới nhà mình càng kiêu căng, xa xỉ thì không đương nổi danh dự đó, mà chỉ hại thôi (tiểu nhân hại dã – lời Tiểu tượng truyện)

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 匪其彭, 无咎.

Dịch âm: Phỉ kỳ bành, vô Cửu.

Dịch nghĩa: Đừng làm ra vẻ thịnh vượng (khoe của, sống sang quá) thì không có lỗi.

Giảng nghĩa: Chữ bành [ 彭 ] ở đây, Trình tử hiểu là thịnh vượng; Phan Bội Châu dẫn câu "Hành nhân bành bành" trong Kinh Thi mà hiểu là rầm rộ. Chúng tôi châm chước hai nghĩa đó mà dịch như trên.
Hào này ở địa vị cao, gần hào 5, mà bất trung , bất chính, e có họa tới nơi, nên Hào từ khuyên phải khiêm tốn, tiết kiệm. Tiểu tượng truyện cũng khuyên phải phân biệt thị phi họa phúc cho rành thì mới khỏi lỗi.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 厥孚交如, 威如, 吉.

Dịch âm: Quyết phu giao như, uy như, cát.

Dịch nghĩa: Lấy đức tin, chí hành mà giao thiệp, và phải có uy thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào này ở vị chí tôn, đượccả 5 hào dương theo, nên phải đem đức tin, lòng chí thành mà đối đãi với người dưới. Nhưng vì là âm, nên ngại rằng quá nhu, nên Hào từ khuyên phải có chút uy mới được.
Tiểu tượng truyện cơ hồ hiểu khác, bảo phải dùng uy vũ, đừng khinh dị mà phải phòng bị đạo tắc (uy như chi cát, dị nhi vô bị dã) .

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 自天祐之, 吉, 无不利.

Dịch âm: Tự thiên hựu chi, cát, vô bất lợi.

Dịch nghĩa: Tự trời giúp cho, tốt, không có gì mà chẳng lợi.

Giảng nghĩa: Ở thời Đại hữu, thịnh trị, hào dương cương này ở trên cùng mà chịu hạ mình theo hào 5, chỉ vì 5 có đức thành tín; như vậy là không kiêu, tuy thịnh mà không đầy tràn, nên được trời giúp cho, hóa tốt, chứ lẽ thường hào cuối cùng, Đại hữu đã đến màn cuối, khó mà tốt được.
Khổng tử đọc tới hào này bảo: "Trời sở dĩ giúp cho là vì thuận với đạo trời; người sở dĩ giúp cho là vì có lòng thành tín" . Ông muốn nói hào 5 được các hào khác giúp là vì có lòng thành tín; còn hào trên cùng được trời giúp vì thuận với đạo trời: trọng người hiền (hào 5) không kiêu.
Quẻ này khuyên chúng ta sống trong cảnh giàu có, nên khiêm, kiệm: giao thiệp với người , nên chí thành.
Phan Bội Châu nhận xét rằng trong 64 quẻ , không quẻ nào tốt đều như quẻ này: hào 1, 2, 3 đều không có lỗi, hào 4 được hanh thông, hào 5 tốt, hào 6 đã tốt hơn nữa, "không có gì mà chẳng lợi". Ngay đến quẻ Càn, quẻ Thái hào cuối cùng cũng xấu, kém quẻ này. Đại hữu chính là thời thịnh trị sau thời đại đồng.

2. Quẻ Hỏa Thiên Đại Hữu trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Đại Hữu

Trong chiêm bốc, dự trắc Đại Hữu có nghĩa là:

  • Có, cả có, có lớn (hỏi có được hay không: có).
  • Thịnh vượng, giàu có lớn, đại phú (cầu tài là nhất, có cả bầu trời).
  • Sở hữu, được lợi.
  • Lưỡng lợi (2 lần được lợi).
  • Khoan hoà, rộng lớn, bao dung.
  • Chiến tranh lớn (xung đột giữa các quốc gia, khu vực, thế giới) hay là hoả tai. "Thu ỷ hoả đạo tặc": cháy nhà (ví dụ đi quên tắt bếp về cháy bếp).

Triệu và điềm của quẻ Đại Hữu

Quẻ Đại Hữu có triệu Nhuyễn Mộc Nô Tước - Làm việc chắc chắn. Có bài thơ như sau:

Đốn cây bắt sẻ, chắc chắn vô cùng,
Cãi cọ lung tung, tự nhiên thôi.
Hôn nhân góp vốn, đều như ý,
Của mất truy tìm chẳng chạy đâu.

Tích xưa: Ngày xưa, Hô Diên Hiển lĩnh chỉ bắt Phan Nhân Mỹ đã gieo được quẻ này. Quả nhiên, Diên Hiển khi đến Biên Đình, giả vờ khao quân, lừa Nhân Mỹ giao ấn xong mới bắt. Đúng là ứng với quẻ "Khảm thụ mô tước" thật là "Làm việc chắc chắn".

Lời bàn quẻ: Có nhiều cách để đạt được thành công. Cách làm chắc chắn là cách loại trừ được mọi nguyên nhân dẫn đến rủi ro, thất bại. Trước khi làm một việc gì, ta cũng phải nghĩ đến những khó khăn nguy hiểm rủi ro sẽ xảy ra để tìm cách tránh hoặc tìm cách hạn chế.

Lời đoán quẻ: Mọi việc hanh thông. Tuy nhiên cần chú ý, việc chưa hiểu kỹ thì không làm, phải làm theo cách chắc chắn thành công.

Dụng thần quẻ Đại Hữu

Quẻ Đại Hữu là quẻ cuối tượng Càn nên gọi là quẻ Quy Hồn. Trong quẻ có đủ Lục Thân, nên không có Phi Thần, Phục Thần.