QUẺ SỐ 56: HỎA SƠN LỮ - TÚC ĐIỂU PHẦN SÀO

1. Quẻ Hỏa Sơn Lữ trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Hỏa Sơn Lữ

Quẻ Hỏa Sơn Lữ

Quẻ Hỏa Sơn Lữ hay được gọi là Quẻ Lữ, là quẻ số 56 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.

Ngoại quái: ☲ Ly (離) - Hỏa (火) tức Hỏa - Ngũ hành Hỏa.

Nội quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Ly, Ngũ hành Hỏa.

Quẻ Lữ là tình cảnh bỏ nhà để đi làm lữ khách. Đây là tình cảnh mất đi thực lực bản thân mà phải lệ thuộc vào người khác, giống như lãnh đạo bị áp chế. Hoặc cũng có thể hiểu là trí thông minh rọi sáng nhưng bị ngục tù, lưu trệ.

Thoán từ:

Lời kinh: 旅小亨, 旅貞吉.

Dịch âm: Lữ tiểu hanh, lữ trinh cát.

Dịch nghĩa: Ở đậu; hơi hanh thông. Đi ở đậu mà giữ đạo chính thì tốt.

Lữ: Khách dã. Thứ yếu. Đỗ nhờ, khách, ở đậu, tạm trú, kê vào, gá vào, ký ngụ bên ngoài, tính cách lang thang, ít người thân, không chính. Ỷ nhân tác giá chi tượng: nhờ người mai mối.
Thịnh lớn đến cùng cực thì phải suy, đến nỗi mất chỗ ở, phải đi ở đậu đất khách, cho nên sau quẻ Phong tới quẻ Lữ. Lữ là bỏ nhà mà đi tha phương.

Tượng quẻ:

Sơn thượng hữu hoả (Trên núi có lửa)

Ngoại quái Ly, nội quái Cấn có nghĩa là lửa ở núi thì chiếu sáng ra xa còn hễ đi nơi khác thì lại bị u tối.

Chỗ ở của lửa là mặt trời hay lò, chứ không phải ở trên núi: trên núi lâu lâu vẫn có đám lửa cháy rừng hay đốt rừng, nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi. Cho nên dùng các tượng lửa (ly) ở trên núi Cấn để chỉ cảnh bỏ nhà mà đi ở đậu quê người.
Cảnh đó là cảnh bất đắc dĩ, nhiều lắm chỉ có thể hơi hanh thông được thôi, nếu người đi ở đậu biết giữ đức trung, thuận, như hào 5, yên lặng như nội quái Cấn, sáng suốt như ngoại quái Ly. Hào 5 đắc trung mà lại là âm ở giữa hai hào dương, biết thuận theo dương. Cái đạo ở đậu là mềm mỏng, đừng làm cao để người ta khỏi ghét; nhưng mặt khác, cũng phải yên lặng sáng suốt giữ tư cách, đạo chính của mình để người ta khỏi khinh. Giữ cho đạo được nghĩa lý trong hoàn cảnh đó thật là khó (lữ chỉ thời nghĩa, đại hĩ tai: lời Thoán truyện).
Đại tượng truyện cũng lại áp dụng vào việc hình pháp, khuyên phải xử đoán sáng suốt (Ly) và thận trọng (như Cấn) đừng giam tội nhân quá lâu trong ngục (quân tử dĩ minh thận dụng hình, như bất lưu ngục)

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 旅瑣瑣, 斯其所取災.

Dịch âm: Lữ toả toả, tư kì sở thủ tai.

Dịch nghĩa: Ở đậu mà tư cách nhỏ nhen, tẳn mẳn tức là tự chuốc lấy hoạ.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, ở vị thấp nhất, ví với người chí đã cùng, tư cách hèn hạ đối với chủ nhà mình ở đậu mà tham lam, tẳn mẳn, khiến người ta ghét, như vậy là tự rước hoạ vào mình.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 旅即次, 懷其資, 得童僕, 貞.

Dịch âm: Lữ tức thứ, hoài kì tư, đắc đồng bộc, trinh.

Dịch nghĩa: Ở đất khách, được chỗ trọn an lành, giữ được tiền bạc, lại có đầy tớ tín cẩn.

Giảng nghĩa: Ở đất khách nên nhu thuận, mà hào này âm nhu, đắc trung, đắc chính, trên lại ứng với hào 5, cũng âm nhu, đắc trung mà lại văn minh (ở ngoại quái Ly), như gặp được chủ nhà tốt, mình có chỗ trọn an lành, lại giữ được tiền, có đầy tớ tín cẩn, mọi việc đều tốt cả.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 旅, 焚其次, 喪其童僕, 貞, 厲.

Dịch âm: Lữ, phần kì thứ, táng kì đồng bộc, trinh, lệ.

Dịch nghĩa: Ở đất khách, mà (tự mình) đốt chỗ trọ, mất đầy tớ, dù chính đáng cũng nguy.

Giảng nghĩa: Hào này quá cương (dương ở vị dương), bất trung, ở đất khách như vậy không tốt, vị lại khá cao, có ý tự cao, bị chủ nhà trọ đuổi, như vậy không khác gì tự đốt chỗ trọ của mình, đầy tớ cũng không ưa mình, mất lòng cả người trên kẻ dưới, dù mình có chính đáng, cũng nguy.

4. Cửu Tứ (Hào 4 dương):

Lời kinh: 九 四: 旅于處, 得其資斧, 我心不快.

Dịch âm: Lữ vu xử, đắc kì tư phủ, ngã tâm bất khoái.

Dịch nghĩa: Tới đất khách, được chỗ ở tạm, có tiền của và đồ hộ thân (tượng trưng bằng cái búa), nhưng trong lòng không vui.

Giảng nghĩa: Tuy dương cương nhưng ở vị âm, lại ở dưới cùng ngoại quái, là biết mềm mỏng, tự hạ, tức biết xử thế, cho nên được chỗ ở tạm, có tiền của, vật liệu để phòng thân, nhưng ở trên, hào 5 âm nhu không giúp đỡ gì được 4, ở dưới, hào 1, ứng với 4 âm nhu, lại thấp hèn, cũng chẳng giúp đỡ 4 được gì, vì vậy là lòng 4 không vui.
Các sách cho "tư phủ" là cái búa sắc bén, và giảng là : lữ khách tới nơi, không có quán trọ, chỉ có mảnh đất gai góc, phải dùng búa bén để phá bụi bờ mà làm chỗ ở, nên trong lòng không vui.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 射雉, 一矢亡, 終以譽命.

Dịch âm: Xạ trĩ, nhất thỉ vong, chung dĩ dự mệnh.

Dịch nghĩa: Bắn con trĩ, mất một mũi tên, sau được khen và phúc lộc (hoặc chức vị: mệnh) .

Giảng nghĩa: Thường hào 5 trỏ ngôi vua, nhưng nếu vua là làm lữ khách thì là vua mất nước, cho nên chỉ nên coi là một lữ khách thôi, một lữ khách văn mình (ở ngoại quái ly), nhũn nhặn, mềm mỏng (âm nhu) được lòng mọi người (đắc trung) , như vậy tất được tốt đẹp như bắn được con trĩ (một loài chim đẹp – tượng quẻ Ly) tốn hao không mấy mà được tiếng khen, và phúc lộc.

6. Thượng Cửu (Hào 6 dương):

Lời kinh: 上 九: 鳥焚其巢, 旅人先 笑, 後號咷, 喪牛于易, 凶.

Dịch âm: Điểu phần kì sào, lữ nhân tiên tiếu, hậu hào đào, táng ngưu vu dị, hung.

Dịch nghĩa: Con chim cháy mất tổ, người lữ hành trước cười, sau kêu khóc, vì láu táu (vô ý) đánh mất con bò (đức nhu thuận), xấu.

Giảng nghĩa: Thân phận ở đậu mà lại ở trên chủ nhà, đã là nghịch cảnh rồi, đã vậy lại quá cương (hào dương), mất lòng người, tất bị đuổi đi, như con chim cháy mất tổ. Mới đầu hớn hở, vì được ở trên người, sau phải kêu khóc vì mất chỗ trọ. Sở dĩ vậy vì khinh dị đánh mất đức nhu thuận (tượng bằng con bò) rất cần ở thời ở đậu.

2. Quẻ Hỏa Sơn Lữ trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Lữ

Trong chiêm bốc, dự trắc Lữ có nghĩa là:

  • Lữ, lữ khách, người đi đường xa, quán trọ, người ở trọ. (Tốt cho đi xa, việc nhỏ tiểu cát).
  • Sự đông đúc, nhiều người, là lữ đoàn (quân đội).
  • Sự thất cơ lỡ vận, mất nơi ở yên ổn, vất vả chạy vạy ngược xuôi ("Tức điểu phần sào"). Nếu xem đất cát, nhà cửa thì không tốt (vì Lữ hợp với động, không hợp với sự tĩnh, dễ bị quy hoạch, giải phóng mặt bằng sau này).
  • Sự vướng mắc, mắc kẹt (khác Ly vì Ly mắc bên trong do chủ thể, chủ quan, nội bộ còn Lữ mắc do khách quan bên ngoài). Ví dụ xin chuyển công tác ra quẻ Ly là mắc ở nơi xin đi, ra quẻ Lữ là mắc ở nơi xin đến.
  • Cô đơn, lẻ loi, đơn độc (Ly là nữ động muốn đi, phải đi. Cấn là nam không muốn đi).
  • Là núi lửa.
  • Là cung tên (Ly là mũi tên động, Cấn là cái cung tĩnh).
  • Sự tạm, tạm thời (lửa trên núi là tạm thời, lửa trong lò ở nhà mới là vĩnh cửu, cũng như khách trọ chỉ là tạm thời mà thôi). Nếu xin việc chỉ được ở một thời gian rồi lại phải đi nơi khác.
  • Chỉ sự quyết đoán (nếu quyết đoán ngay thì tiểu hanh, còn do dự phân vân ắt là rước hoạ. Lữ có Ly bên trên tượng sa lưới).

Triệu và điềm của quẻ Lữ

Quẻ Lữ có triệu Túc Điểu Phần Sào - Việc làm không thành. Có bài thơ như sau:

Túc điểu phần sào, việc không thành,
Giao dịch kinh doanh, uổng phí công.
Buôn bán làm ăn, đều ế ẩm,
Cãi cọ liên miên, kiện cáo nhiều.

Tích xưa: Ngày xưa, Lư Tuấn Nghĩa trúng kế của Ngô Dụng, đốt hương gieo quẻ ở núi Thái An, gieo được quẻ này. Quả nhiên ông ta bị gia bộc là Lý Cố chiếm tài sản. Đúng là ứng với quẻ "Chim bị đốt tổ", thật là "Việc làm không thành".

Lời bàn quẻ: Gieo phải quẻ này nên xin âm dương loại bỏ. Nếu không mọi việc uổng công phí sức. Như ở dương gian xin là quyền của dân, cho phép là quyền của quan; nếu có lòng hướng thiện, hướng đến cái tốt thì hợp ý thần.

Lời đoán quẻ: Xuất hành bất lợi, cầu tài không được, kiện tụng lung tung, buôn bán thua lỗ.

Dụng thần quẻ Lữ

Quẻ Lữ quẻ thiếu hai thân là Phụ Mẫu Kỷ Mão Mộc và Quan Quỷ Kỷ Hợi Thủy. Đây là hai Phục Thần của Lữ, do vậy hai Phi Thần tương ứng là: Tử Tôn Bính Thìn Thổ và Thê Tài Bính Thân Kim.
Xét trường hợp ở sơ hào: Phục Thần Mộc Kỷ Mão khác Phi Thần Bính Thìn Thổ. Khi dự báo gặp tình huống này, có nghĩa là người giúp mình buộc mình phải theo sự chỉ đạo của họ trong hành động. Hoặc cũng có thể cho thông tin: mọi hành động có kết quả hay không, phụ thuộc vào chính đối tượng gần mình nhất, hoặc đối tượng gần mình nhất mà mình dựa vào đang khống chế hay phản lại mình.
Xét trường hợp ở hào tam: Phi Thần Bính Thân Kim sinh Phục Thần Kỷ Hợi Thủy. Thủy lại trường sinh tại Thân, do đó, Phục Thần không những được xuất hiện mà còn được tiếp thêm sức mạnh. Trong trường hợp này, trong hành động, người hoặc lực lượng hỗ trợ gần nhất giúp mình rất đắc lực và có sức mạnh.