QUẺ SỐ 11: ĐỊA THIÊN THÁI - HỶ BÁO TAM NGUYÊN
1. Quẻ Địa Thiên Thái trong Kinh Dịch
Tổng quan quẻ Địa Thiên Thái
Quẻ Địa Thiên Thái hay được gọi là Quẻ Thái, là quẻ số 11 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.
Ngoại quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.
Nội quái: ☰ Càn (乾) - Thiên (天) tức Trời - Ngũ hành Kim.
Thuộc nhóm tượng quái Khôn, Ngũ hành Thổ.
Thái có nghĩa là hanh thông. Quẻ Thái là quẻ giao hòa trời đất thông nhau. Các hào dương của khí xua đuổi các hào âm, biểu thị ý nghĩa thời kỳ quân tử cần quyền, tiểu nhân không thể nhũng loạn. Nhỏ là Âm còn lớn chính là Dương, nhỏ đi lớn lại vạn vật muôn vàn hanh thông, ngoài thuận trong mạnh.
Thoán từ:
Lời kinh: 泰, 小往, 大來, 吉亨.
Dịch âm: Thái, tiểu vãng, đại lai, cát hanh.
Dịch nghĩa: Thái là cái nhỏ (âm), đi, cái lớn (dương ) lại, tốt, hanh thông.
Thái: Thông dã. Điều hòa. Thông hiểu, am tường, hiểu biết, thông suốt, quen biết, quen thuộc. Thiên địa hòa xướng chi tượng: tượng trời đất giao hòa.
Lý là lễ, có trật tự trên dưới phân minh, như vậy thì yên ổn, Lý cũng có nghĩa là dẫm, là giày (dép) đi giày thì được yên ổn; vì vậy sau quẻ Lý, tiếp tới quẻ Thái. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận.
Tượng quẻ:
Thiên địa giao (Trời đất giao nhau)
Quẻ Thái Khôn trên Càn dưới, tức là khí âm trọng trọc đang hạ xuống và khí dương khinh thanh đang bay lên cao. Do vậy nhị khí giao hòa, vạn vật hanh thông.
Trong quẻ Lí, Càn là trời, cương, Đoài là chằm, nhu; trên dưới phân minh, hợp lẽ âm dương, tốt.
Trong quẻ Thái này, Càn không nên hiểu là trời, vì nếu hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa, xấu. Nên hiểu Càn là khí dương, Khôn là khí âm "khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương", hai khí giao hòa, mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích.
Một cách giảng nữa. Theo Phan Bội Châu (sách đã dẫn) thì:
Nguyên Thuần âm là quẻ Khôn, là âm thịnh chi cực, cực thì phải tiêu, nhân đó một nét dương thay vào dưới, hào 1 của Khôn thành ra quẻ Phục, Phục là một dương mới sinh.
Dương sinh đến hào thứ hai thì thành quẻ Lâm [ 臨 ] , thế là dương đã lớn thêm lần lần. Khí dương sinh đến hào thứ 3 thì thành quẻ Thái, trên là Khôn, dưới là Càn.
Khôn là âm nhu, là tiểu nhân; Càn là quân tử . Quẻ Thái là tượng đạo tiểu nhân dương tiêu mòn, đạo quân tử dương lớn mạnh, hai bên ngang nhau cho nên gọi là Thái.
Thoán từ bàn thêm: "Thái là lúc cái nhỏ đi, cái lớn trở lại ( . . . ) là trời đất giao cảm mà muôn vật thông, trên dưới giao cảm mà chí hướng như nhau. Trong (nội quái) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.
Các hào trong quẻ:
1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):
Lời kinh: 初 九: 拔 茅 茹 . 以 其 彙 . 征 吉.
Dịch âm: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, chinh cát.
Dịch nghĩa: Nhổ rể cỏ mao mà được cả đám, tiến lên thì tốt.
Giảng nghĩa: Hào nay là người có tài, còn ở vị thấp, nhưng cặp với hào hai trên, như có nhóm đồng chí dắt díu nhau tiến lên, để gánh việc thiên hạ, cho nên việc làm dễ có kết quả như nhổ rể có mao, nhổ một cọng mà được cả đám.
2. Cửu Nhị (Hào 2 dương):
Lời kinh: 九 二: 包 荒 , 用 馮 河 , 不 遐 遺 .朋 亡 , 得 尚 于 中 行.
Dịch âm: Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di, Bằng vong, đắc thượng vu trung hành.
Dịch nghĩa: Bao dung sự hoang phế (những tệ hại cũ), dùng cách cương quyết mạo hiểm như lội qua sông, không bỏ sót những việc (hoặc người ) ở xa, không nghĩ đến bè đảng, mà phải hợp với đạo trung.
Giảng nghĩa: Hào dương, đắc trung, đồng chí đã đông (hào 1 và 3) lại ứng hợp với hào 5 âm, cũng đắc trung, tức với vị nguyên thủ tin cậy, nghe theo mình, vậy là có tài lớn mà hoàn cảnh rất thuận lợi; nhưng cần có những đức này nữa:
- Có độ lượng, bao dung một số tệ hại cũ còn lại, đừng mong trừ tiệt ngay trong buổi đầu.
- Có đức cương quyết mạo hiểm như người có gan lội qua sông, như luận hgữ nói: bạo hổ bằng hà.
- Tính trước những việc xa xôi sẽ xảy tới (có người hiểu là đừng bỏ sót những người ở xa).
- Đừng có tinh thần đảng phái mà có hại cho đại nghĩa.
Cần nhất là giữ đạo trung của hào 2, việc gì cũng vừa phải thôi, chẳng hạn bao dung quá hay mạo hiểm quá đều là hại cả.
3. Cửu Tam (Hào 3 dương):
Lời kinh: 九 三: 无 平 不 陂 , 无 往 不 復 . 艱 貞 无 咎 , 勿 恤, 其 孚 , 于 食 有 福.
Dịch âm: Vô hình bất bí, vô vãng bất phục. Gian trinh vô cửu, vật tuất, kỳ phu, vu thực hữu phúc.
Dịch nghĩa: Không có cái gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại, trong cảnh gian nan mà giữ được chính đáng thì không lỗi. Đừng lo phiền, cứ tin ở điều chính thì được hưởng phúc.
Giảng nghĩa: Hành trình gian nan rồi cũng tới .Người dân mến tài đức của Cổ công mà đều theo ông đông đảo .Đất chân núi Kỳ sơn rồi Chu nguyên màu mỡ là phần thưởng cho tộc Chu.
4. Lục Tứ (Hào 4 âm):
Lời kinh: 六 四: 翩 翩 , 不 富, 以 其 鄰 , 不 戒 以 孚.
Dịch âm: Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu.
Dịch nghĩa: Dập dìu (hoặc hớn hở) với nhau, không giàu mà thành một xóm, chẳng ước hẹn mà cũng tin nhau.
Giảng nghĩa: Đây đã qua nửa quẻ Thái, dương suy, bày âm (ba hào âm) tức bọn tiểu nhân kết hợp với nhau, tuy chúng không "giàu", không có tài đức (âm có nghĩa là hư, trái với thực – dương – cho nên bảo là không giàu) nhưng cũng thành một xóm đông, đồng tâm với nhau chẳng ước hẹn mà cùng tin nhau, vì cùng sẵn lòng gian tà cả.
5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):
Lời kinh: 六 五: 帝 乙 歸 妹 . 以 祉, 元 吉.
Dịch âm: Đế Ất qui muội, dĩ chỉ, nguyên cát.
Dịch nghĩa: Như vua đế Ất (đời Thương) cho em gái về nhà chồng, có phúc, rất tốt.
Giảng nghĩa: Hào âm này đắc trung, tuy ở địa vị chí tôn mà khiêm nhu, lại ứng hợp với hào 2, dương ở dưới, như em gái vua Đế Ất, chịu làm vợ một người hiền trong giới bình dân, sẽ được hưởng phúc.
6. Thượng Lục (Hào 6 âm):
Lời kinh: 上 六: 城 復 于 隍 , 勿 用 師 , 自 邑 告 命, 貞 吝.
Dịch âm: Thành phục vụ hoàng, vật dụng sư, Tự ấp cáo mệnh, trinh lận.
Dịch nghĩa: Thành đổ sụp xuống, lại chỉ là đống đất. Đừng dùng quân nữa, bất quá mệnh lệnh chỉ ban ra đựơc trong ấp mình thôi. Dù hành động của mình chính đáng nhưng vẫn thất bại mà xấu hổ.
Giảng nghĩa: Đây tới lúc cuối cùng của thời Thái, sắp bĩ rồi, như cái thành sụp xuống. Vì là hào âm lại ở địa âm, đừng tranh giành (dùng quân ) nữa, không cứu vãn được đâu, có ban lệnh cũng chỉ một ấp mình nghe thôi.
Hai chữ "trinh lận", R. Wilhem giaeng là : dù có kiên nhẫn (chống đỡ) cũng thất bại mà xấu hổ. Chúng tôi nghĩ hào cuối này âm nhu thái quá, không có chí kiên nhẫn được, nên dịch theo Chu Hi.
2. Quẻ Địa Thiên Thái trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ
Ý nghĩa quẻ Thái
Trong chiêm bốc, dự trắc Thái có nghĩa là:
- Sáng, trong sáng. (Thời tiết: trời trong xanh, sáng).
- Thông, hanh thông, thông suốt (là hạnh phúc: con người luôn gặp thông suốt thì sướng vui, con người không gặp thông suốt thì tắc uất).
- Thái bình, thái hoà, bình yên, an ninh mọi mặt.
- Mùa xuân, vạn vật đâm chồi nảy lộc, sự phát triển, sinh trưởng.
- Phồn thịnh, phồn vinh, văn minh hoa lệ (cái đẹp của sự văn minh, giới quý tộc).
- Sự thay đổi kết thúc cái cũ, cái xấu chuẩn bị sang giai đoạn mới tốt hơn. "Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai".
- Sự đoàn kết nhất trí.
- Nhà thờ, từ đường, nhà tiếp sứ thần, thái miếu (nhà khách chính phủ), điệu nhạc thái thường.
- Ân sủng, bao dung, độ lượng. (Người trên ban ơn cho người dưới).
- Khu đất cao, gò cao, rộng rãi, bằng phẳng (Xem mồ mả ra quẻ Thái là đẹp).
- Chỉ sự hôn nhân, mối lương duyên tốt đẹp (thường là mối lương duyên chênh lệch nhau về địa vị, người địa vị thấp lấy được người địa vị cao)
- Sự duỗi ra (Ví dụ: xem bệnh tật được quẻ Thái biến Đại súc là cơ thể đang duỗi bình thường bị chân tay co rút, khó chữa).
Triệu và điềm của quẻ Thái
Quẻ Thái có triệu Hỷ Báo Tam Nguyên - Đại cát đại lợi. Có bài thơ như sau:
Mưu cầu danh lợi, đại cát hên.
Giao dịch xuất hành, đều có lợi,
Kinh doanh góp vốn, được lâu bền.
Tích xưa: Ngày xưa, Nhạc Nghị đánh Tề, Yên Vương gieo được quẻ này, trong lòng mừng rỡ. Quả nhiên, quân Yên thắng trận liên tiếp. Đúng là ứng với quẻ "Hỷ báo tam nguyên", thật là "Đại cát đại lợi".
Lời bàn quẻ: Âm dương giao hòa thì muôn vật sinh thành, mọi sự hanh thông. Khí âm đi xuống, khí dương đi lên gọi là âm dương giao hòa. Cũng như trong một nhà, mọi người cảm thông, hòa hợp thì gia đình yên vui hạnh phúc. Theo lẽ trời đất, âm phải theo dương, vì vậy vợ phải theo chồng mới hợp với quy luật. Con người là một bộ phận của tự nhiên, vì vậy cũng phải sống, hành động theo quy luật tự nhiên, có như vậy mới có thể tồn tại lâu dài được.
Lời đoán quẻ: Hôn nhân thành công đã đi là được, của mất lại về.