QUẺ SỐ 15: ĐỊA SƠN KHIÊM - NHỊ NHÂN PHÂN KIM

1. Quẻ Địa Sơn Khiêm trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Địa Sơn Khiêm

Quẻ Địa Sơn Khiêm

Quẻ Địa Sơn Khiêm hay được gọi là Quẻ Khiêm, là quẻ số 15 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Cát.

Ngoại quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Nội quái: ☶ Cấn (艮) - Sơn (山) tức Núi - Ngũ hành Thổ.

Thuộc nhóm tượng quái Đoài, Ngũ hành Kim.

Quẻ Khiêm đắc chính với hào chủ là hào Cửu Tam của hạ quái. Tượng trưng cho bậc quân tử đóng nhiều công lao cho đời, tài giỏi nhưng lại có đức tính khiêm tốn, chịu đựng thể hiện ở thượng quái Âm. Chính sự nhún nhường tuy tạo những bất đồng nhưng kết cục quẻ Khiêm luôn có kết quả tốt.

Thoán từ:

Lời kinh: 謙亨, 君子有終

Dịch âm: Khiêm hanh, quân tử hữu chung.

Dịch nghĩa: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối.

Khiêm: Thoái dã. Cáo thoái. Khiêm tốn, nhún nhường, khiêm từ, cáo thoái, từ giã, lui vào trong, giữ gìn, nhốt vào trong, đóng cửa. Thượng hạ mông lung chi tượng: tượng trên dưới hoang mang.
Đại hữu là thời rất thịnh, không nên để cho quá đầy, mà nên nhún nhường, nên Khiêm.

Tượng quẻ:

Địa trung hữu sơn (Trong đất có núi)

Ngoại quái Khôn, nội quái Cấn, là quân tử dĩ biến đa ích quả và xứng vật bình thí. Được hiểu là trong đất có núi, nên bớt đi chỗ nhiều để bù vào chỗ ít để cân xứng các sự vật.

Trên là đất, dưới là núi. Núi cao, đất thấp, núi chịu ở dưới đất là cái tượng nhún nhường. Khiêm hạ. Vì vậy mà được hanh thông.
Quẻ này chỉ có mỗi một hào dương, dùng nó làm chủ quẻ.
Thoán truyện bàn thêm: Khiêm là đạo của trời, đất và người .
Trời có đức khiêm vì ở trên đi xuống chỗ thấp mà sáng tỏ; đất có đức khiêm vì chịu ở dưới mà đi lên. Đạo trời, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém (khiêm) thì bù đắp cho (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm). Đạo đất, đạo quỉ thần cũng vậy. Còn đạo người thì ghét kẻ đầy, tức sự kiêu căng thỏa mãn, mà thích kẻ khiêm tốn (Nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm). Hễ khiêm thì ở địa vị cao mà đạo càng sáng, ở địa vị thấp mà chẳng ai vượt mình được.
Đại tượng truyện. Khuyên người quân tử nên bớt chốn nhiều, bù chốn ít, để cho sự vật được cân xứng, quân bình (Biều đa ích quả, xứng vật bình thí).

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Lục (Hào 1 âm):

Lời kinh: 初 六: 謙謙君子, 用涉大川, 吉.

Dịch âm: Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên, cát.

Dịch nghĩa: Nhún nhường, nhún nhường, người quân tử dùng đức ấy để qua sông lớn thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào này âm như mà lại ở dưới cùng, thật là khiêm hạ, dầu gặp hoàn cảnh hiểm nguy nào cũng vượt được.
Tiểu tượng truyện khuyên người quân tử trau giồi tư cách mình bằng đức khiêm hạ, (Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục)

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 鳴謙, 貞吉.

Dịch âm: Minh khiêm, trinh cát.

Dịch nghĩa: Tiếng tăm lừng lẫy về đức khiêm, nếu chính đáng thì tốt.

Giảng nghĩa: Hào này nhu thuận, đắc trung, đắc chính, rất tốt, cho nên bảo là tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm. Nhưng ngại tiếng tăm lừng lẫy thì dễ ham danh, mà hóa ra quá khiêm đến mức giả nhún nhường hoặc nịnh bợ), nên Hào từ khuyên phải giữ đức trung, chính (trinh) của hào 2 thì mới tốt.

3. Cửu Tam (Hào 3 dương):

Lời kinh: 九 三: 勞謙, 君子 有終, 吉.

Dịch âm: Lao khiêm, quân tử hữu chung, cát.

Dịch nghĩa: Khó nhọc (có công lao) mà nhún nhường, người quân tử giữ được trọn vẹn, tốt.

Giảng nghĩa: Hào này có đức dương cương, làm chủ cả quẻ, năm hào âm đều trông cậy vào, như người có địa vị (ở trên cùng nội quái), có tài năng (hào dương ) mà khiêm tốn (vì ở trong quẻ Khiêm), không khoe công, nên càng được mọi người phục, mà giữ được địa vị, đức độ tới cùng.
Theo Hệ từ thượng truyện chương VIII, Khổng tử đọc hào này, giảng thêm: "Khó nhọc mà không khoe khoang, có công với đời mà chẳng nhận là ân đức, đức như vậy là cực dày".

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 无不利, 撝謙.

Dịch âm: Vô bất lợi, huy khiêm.

Dịch nghĩa: Phát huy sự nhún nhường thì không gì là không lợi.

Giảng nghĩa: Hào này nhu thuận mà đắc chính, tốt đấy, nhưng vì ở trên hào 3 là người có công lao, mà lại ở gần hào 5, là vua, nên càng phải phát huy thêm đức khiêm, mới tránh được mọi khó khăn mà không gì là không lợi.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 不富以其鄰, 利用侵伐, 无不利.

Dịch âm: Bất phú dĩ kỳ lân, lợi dụng xâm phạt, vô bất lợi.

Dịch nghĩa: Chẳng cần giàu (có thế lực) mà thâu phục đựơc láng giềng (được nhiều người theo); nhưng phải có chút uy, chinh phạt kẻ nào chưa phục mình thì mới không gì là không lợi.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên tự nhiên thâu phục được nhiều người, nhưng nếu nhu quá, thiếu uy thì không phải là tư cách một ông vua, nên Hào từ khuyên nên dùng uy võ đối với kẻ nào chưa phục mình. Hào này có thể dùng uy được vì ở vị dương (lẻ).

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 鳴謙, 利用行師, 征邑國.

Dịch âm: Minh khiêm, lợi dụng hành sư, chính ấp quốc.

Dịch nghĩa: Tiếng tăm lừng lẫy về đức Khiêm, được nhiều người theo có thể lợi dụng điều đó mà ra quân, nhưng cũng chỉ trị được những kẻ trong ấp của mình không phục mình thôi.

Giảng nghĩa: Hào này thể nhu, vị nhu, ở vào thời cuối cùng quẻ Khiêm, cho nên khiêm nhu cùng vực, tiếng tăm lừng lẫy, nhiều người theo đấy; nhân đó mà có thể ra quân chinh phạt những kẻ không theo mình, nhưng vì tài kém, nên chỉ trị được những kẻ trong ấp mình thôi, chưa thỏa chí được.

2. Quẻ Địa Sơn Khiêm trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Khiêm

Trong chiêm bốc, dự trắc Khiêm có nghĩa là:

  • Thoái lui, thoái thác, thoái nhiệm, lùi bước.
  • Khiêm tốn, nhún nhường (Ngoài là Khôn: thuận, trong là Cấn: dừng).
  • Trước co sau duỗi, trước khó khăn sau thuận lợi, tiền cát hậu hung (Quẻ Đại súc là sự co lại, quẻ Thái là duỗi ra, quẻ Khiêm là chỉ quá trình trước co sau duỗi. Ví dụ: Xem bệnh đang bị chứng co quắp sau do điều trị mà duỗi ra đi lại được). Lùi một bước tiến nhiều bước.
  • Tượng người phụ nữ có chồng (Nếu hỏi hôn nhân: tái giá).

Triệu và điềm của quẻ Khiêm

Quẻ Khiêm có triệu Nhị Nhân Phân Kim - Vạn sự hanh thông. Có bài thơ như sau:

Hai người chia vàng, vạn sự thông,
Cầu tài cầu lộc, chẳng về không.
Cãi cọ tiêu tan, bệnh tật ít,
Của mất người đi, cũng trở về.

Tích xưa: Ngày xưa, Triệu Vũ khi trưởng thành hẹn với họ Hàn, họ Ngụy đồng tâm phá Tấn, đã gieo được quẻ này. Quả nhiên, nước Tấn bị ba họ tiêu diệt, 3 họ chia nước Tấn thành 3 phần, thành ba nước Hàn, Triệu, Ngụy. Đúng là ứng với quẻ "Nhị nhân phân kim" thật là "Vạn sự hanh thông".

Lời bàn quẻ: Quẻ Khiêm là quẻ có đạo hanh thông. Có tài có đức, mà không công khai thừa nhận gọi là "khiêm". Xử sự khiêm nhường thì việc gì mà chẳng hanh thông. Không khoe tài, không tranh khôn, không kiêu căng là biết tôn trọng kẻ khác vậy.

Lời đoán quẻ: Hôn nhân như ý, xuất hành có lợi, giao dịch tốt đẹp, góp vốn được lợi, việc gì cũng cát lợi.

Dụng thần quẻ Khiêm

Quẻ Khiêm thiếu một thân là Thê Tài Đinh Măo Mộc, đây là Phục Thần của Khiêm. Phi Thần là Quan Quỷ Bính Ngọ Hỏa ở nhị hào. Trong trạng thái này, Phục Thần sinh Phi Thần: "Phục khi sinh Phi vi tiết khí". Phục Thần giúp Phi Thần quá mức đến kiệt sức.