QUẺ SỐ 24: ĐỊA LÔI PHỤC - PHU THÊ PHẢN MỤC

1. Quẻ Địa Lôi Phục trong Kinh Dịch

Tổng quan quẻ Địa Lôi Phục

Quẻ Địa Lôi Phục

Quẻ Địa Lôi Phục hay được gọi là Quẻ Phục, là quẻ số 24 trong 64 Quẻ Kinh Dịch thuộc loại quẻ Bình Hòa.

Ngoại quái: ☷ Khôn (坤) - Địa (地) tức Đất - Ngũ hành Thổ.

Nội quái: ☳ Chấn (震) - Lôi (雷) tức Sấm - Ngũ hành Mộc.

Thuộc nhóm tượng quái Khôn, Ngũ hành Thổ.

Quẻ Phục tượng trưng là tiếng sấm nổ đầu tiên khi đông tàn sang xuân, hay cũng có thể hiểu là chòm cây đang bắt đầu nảy mầm, mở ra những tia hy vọng sau một thời kỳ đầy khó khăn và đen tối. Đây là thời kỳ nhiều cơ hội phục hồi, lật ngược tình thế, mặc dù nhiều gian nan nhưng thức tỉnh được lòng người.

Thoán từ:

Lời kinh: 復亨, 出入無疾, 朋來无咎.

Dịch âm: Phục hanh, xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu

Dịch nghĩa: Trở lại: Hanh thông. Ra vào không gặp tai nạn, bạn bè sẽ lần lượt tới, không lầm lỗi nữa. Vận trời phản phục (tráo đi trở lại), cứ bảy ngày thì trở lại, hành động việc gì cũng có lợi.

Phục: Phản dã. Tái hồi. Lại có, trở về, bên ngoài, phản phục. Sơn ngoại thanh sơn chi tượng: tượng ngoài núi lại còn có núi nữa.
Vật không bao giờ tới cùng tận; quẻ Bác, hào dương ở trên cùng thì lại quay trở xuống ở dưới cùng (cùng thượng phản hạ); cho nên sau quẻ Bác tới quẻ Phục. Phục là trở lại (phát sinh ở dưới). Như vậy là đạo tiểu nhân thịnh cực thì phải tiêu, đạo quân tử suy cực thì lại thịnh lần.

Tượng quẻ:

Lôi tại địa trung (Sẫm nổ trong lòng đất)

Ngoại quái Khôn, nội quái Chấn là sấm động từ dưới lên trên làm rạn nứt mặt đất, luồng sinh khí tốt lành tràn vào làm giảm nhẹ khí âm nặng nề.

Khí dương bây giờ trở lại, cho nên hanh thông. Người quân tử (dương) ra vào tự do, không bị tai nạn; rồi sẽ có các hào dương khác kéo nhau tới, cũng như bạn bè tới, không còn lầm lỗi nữa (ý muốn nói; sau quẻ này sẽ tới quẻ Lâm, có hai hào dương ở dưới, rồi tới quẻ Thái, có ba hào dương ở dưới, tới quẻ Đại tráng (4 hào dương) quẻ Quải, (5 hào dương) quẻ Càn (cả 6 hào đều dương), thế là sáu quẻ dương cứ tăng lần. đó là vận phản phục của trời đất, cứ bảy ngày thì trở lại. Chữ nhật (ngày) ở đây thay cho chữ hào; bảy ngày mới trở lại vì sau quẻ Càn, tới quẻ Cấu, một hào âm sinh ở dưới 5 hào dương, ngược lại với quẻ Phục (một hào dương ở dưới 5 hào âm), lúc đó mới hết một vòng.
Thoán truyện giảng thêm: Sở dĩ ra vào không bị tai nạn, bạn bè kéo tới, không còn lầm lỗi, vì tượng của quẻ: nội quái Chấn là động, ngoại quái Khôn là thuận; hoạt động mà thuận theo đạo trời thì tốt. Cái đạo của trời đó là tĩnh lâu rôi thì động, ác nhiều rồi thì thiện, có vậy vạn vật mới sinh sôi nẩy nở. Xem quẻ Phục này thấy một hào dương bắt đầu trở lại, tức là thấy cái lòng yêu, nuôi dưỡng vạn vật của trời đất (kiến thiên địa chí tâm).
Đại tượng truyện bảo các vua đời xưa tới ngày đông chí, ngày mà dương bắt đầu sinh (tượng của quẻ Phục: sấm nấp ở dưới đất) thì đóng các cửa ải, không cho khách đi đường và con buôn qua lại mà vua cũng không đi xem xét các địa phương, là có ý muốn yên lặng để nuôi cái khí dương mới sinh.

Các hào trong quẻ:

1. Sơ Cửu (Hào 1 dương):

Lời kinh: 初 九: 不遠復, 无祇悔, 元吉.

Dịch âm: Bất viễn phục, vô kì hối, nguyên cát.

Dịch nghĩa: Tuy lầm lỗi nhưng thời gian chẳng xa, trở lại tốt lành ngay, thì không đến nỗi ăn năn lớn; rất tốt (chữ Kì ở đây có nghĩa là lớn).

Giảng nghĩa: Hào 1, dương cương, ở đầu quẻ Phục, có nghĩa là người đầu tiên trở lại đạo, biết tu thân, nên rất tốt.
Theo Hệ từ hạ truyện chương V, thì Khổng tử cho rằng Nhan Hồi có đức của hào 1 này, vì Nhan có lỗi lầm gì thì biết ngay mà biết rồi thì sửa liền không mắc lần thứ nhì nữa.

2. Lục Nhị (Hào 2 âm):

Lời kinh: 六 二: 休復, 吉.

Dịch âm: Hưu phục, cát.

Dịch nghĩa: Trở lại đẹp đẽ (hữu), tốt.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu đắc trung, chính, vốn tốt rồi, mà lại ở gần hào 1 là người quân tử, tức là người biết khắc kỉ, trở lại đạo nhân nghĩa; cho nên tuy là âm mà tốt lành.

3. Lục Tam (Hào 3 âm):

Lời kinh: 六 三: 頻復, 厲, 无咎.

Dịch âm: Tần phục, lệ, vô cửu.

Dịch nghĩa: Mắc lỗi nhưng sửa lại nhiều lần, tuy đáng nguy, mà kết quả không có lỗi.

Giảng nghĩa: Hào này bất trung, bất chính, lại ở thời cuối cùng của nội quái Chấn (có nghĩa là động), ví như người không bền chí, theo điều thiện không được lâu, sửa lỗi rồi lại mắc lỗi trở lại, như thế là đáng nguy (lệ), nhưng lại biết phục thiện sửa đi sửa lại nhiều lần, nên rốt cuộc không có lỗi.

4. Lục Tứ (Hào 4 âm):

Lời kinh: 六 四: 中行, 獨復.

Dịch âm: Trung hành, độc phục.

Dịch nghĩa: Ở giữa các tiểu nhân (các hào âm: 2,3 và 5,6 ) mà một mình trở lại theo quân tử (hào 1), tức theo đạo.

Giảng nghĩa: Hào này âm nhu, đắc chính ở giữa các hào âm, nhưng chỉ một mình nó ứng với hào 1 là dương, quân tử, cho nên Hào từ khen là một mình nó biết theo người thiện.

5. Lục Ngũ (Hào 5 âm):

Lời kinh: 六 五: 敦復, 无悔.

Dịch âm: Đôn phục, vô hối.

Dịch nghĩa: Có đức dày trở lại điều thiện, không có gì hối hận.

Giảng nghĩa: Hào này nhu thuận, đắc trung lại ở vị tôn quí, như một người có đức dày phục thiện (trở lại điều thiện), biết tự sửa mình, cho nên không hối hận.

6. Thượng Lục (Hào 6 âm):

Lời kinh: 上 六: 迷復, 凶.有災眚.用行師, 終有大敗, 以其國君凶, 至于十年, 不克征.

Dịch âm: Mê phục, hung, hữu tai sảnh, Dụng hành sư, chung hữu đại bại, dĩ kì quốc quân hung, chí vu thập niên, bất khắc chính.

Dịch nghĩa: Mê muội, không trở lại, sẽ bị tai vạ từ ngoài đưa đến (tai) và tự mình gây nên (sảnh); đã vậy lại cậy võ lực mà dùng quân đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, làm cho quốc quân cũng bị khốn nạn (hung), tới mười năm (tới chung cục) cũng không khá được.

Giảng nghĩa: Hào này ở trên cùng, như kẻ tiểu nhân hôn mê đến cùng cực, không biết trở lại, cho nên bị đủ thứ tai vạ. Nó có thế lực nhất trong các hào âm (đám tiểu nhân ) vì ở trên cùng, muốn dùng võ lực đàn áp người, rốt cuộc sẽ đại bại, gây vạ lây cho nước nó, không bao giờ khá được. Chữ thập (số 10) là số cuối cùng (số 1 là số đầu) cho nên thập niên ở đây có nghĩa là tới cùng, chớ không nhất định là 10 năm.
Tiểu tượng truyện bảo hào trên cùng này sở dĩ hung là vì làm trái đạo vua (phản quân đạo), tức đạo của hào 1. Hào 1 này là hào dương duy nhất trong quẻ, làm chủ cả quẻ cho nên gọi là vua.

2. Quẻ Địa Lôi Phục trong thuật chiêm bốc, đoán quẻ

Ý nghĩa quẻ Phục

Trong chiêm bốc, dự trắc Phục có nghĩa là:

  • Phục là phục hồi, phản phục, quay lại, trở về, về cội.
  • "Bán thiên chiết sí" (giữa trời gẫy cánh), giữa đường đứt gánh, đi nửa đường phải quay về, công việc mới tiến hành được một nửa thì gặp tai hoạ, nửa đường đứt gánh. Tối kỵ khi chọn kết hôn, làm việc chỉ được một nửa. Mệnh ra quẻ Phục thì công việc cứ hay phải làm đi làm lại nhiều lần.
  • Sự phục binh, sự chờ đợi, mai phục, nằm im đợi thời cơ.
  • Là sự tuần hoàn, chu kỳ (hết vòng lại quay lại).
  • Hàn gắn, chắp n ối lại (sự quay lại của Phục là để trả đũa, trả thù). Công việc không làm rồi quay lại làm. Đi lại: đi quá xa rồi quay lại.
  • Âm dương tiêu trưởng (quẻ Cấu âm bắt đầu thắng, quẻ Phục là Dương quay trở lại để tiêu diệt âm, phục thù).
  • Thu phục, nhận giữ lấy, giam giữ. (Trừ tà).
  • Ghi chú: thời của Phục là trước Đông chí (là sự hàn gắn, chắp nối, phát tài... tốt), sau Đông chí là nghĩa xấu (ém quân, phục, chờ đợi ...).

Triệu và điềm của quẻ Phục

Quẻ Phục có triệu Phu Thê Phản Mục - Tráo trở lật lọng. Có bài thơ như sau:

Vợ chồng xích mích, thật vô tình,
Buôn bán kinh doanh, uổng phí công.
Kiện tụng dùng dằng, tiền lưu tán,
Gia đình lục đục, bất an ninh.

Tích xưa: Ngày xưa, Hoàng Sào làm phản, ra lệnh cho Chu Ôn truy lùng, Quan Sát Viện đã từng gieo phải quẻ này. Quả nhiên, Hoàng Sào giết Quan Sát Viện, lấy vợ của ông ta và tự xưng là hoàng đế, đổi quốc hiệu là Đại Tề. Đúng là ứng với quẻ "Phu thê phản mục", thực là "tráo trở lật lọng".

Lời bàn quẻ: Đạo vợ chồng là đạo âm dương, là gốc của mọi vấn đề. Thiếu dương thì âm cũng cực, thiếu âm thì dương cũng không phát triển. Âm dương giao hòa được là do âm có thuận theo dương không. Âm không theo dương, thậm chí chống lại dương thì tình cảm đổ vỡ, gia đình bất hạnh.

Lời đoán quẻ: Hiện tại không lành, tình cảm không có, chỉ có nhũn nhẫn, nhịn nhường, may ra được yên ổn.

Dụng thần quẻ Phục

Quẻ Phục thiếu một thân là Phụ Mẫu, Ất Tỵ Hỏa, đây là Phục Thần, vậy Phi Thần là Quan Quỷ Canh Dần Mộc hào Nhị. Như vậy, Phi Thần sinh Phục Thần (Mộc sinh Hỏa). Hỏa lại trường sinh ngay chính tại Dần, Do vậy, Phục Thần còn có lực lượng khác trợ giúp, hoặc có sức mạnh to lón tiềm tàng.